Trong số những nhà văn của Tự lực văn đoàn, người tôi kính trọng nhất là Khái Hưng và trong những tác phẩm của Khái Hưng tôi thích nhất Tiêu Sơn tráng sĩ.
Khái Hưng viết có đến hơn hai chục cuốn sách nhưng duy nhất có Tiêu Sơn tráng sĩ là tiểu thuyết lịch sử và có lẽ đó cũng là cuốn sách gây tranh cãi nhất của ông. Tất nhiên tôi không lấy sự tranh cãi này làm lí do nâng cao hay hạ thấp vị thế của Tiêu Sơn tráng sĩ bởi nội tại đây là cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn và tài hoa của cây bút thủ lĩnh Tự lực văn đoàn.
Sách Tiêu sơn tráng sĩ bản 2020 của Tri Thức Trẻ Books. Ảnh: Văn sử tinh hoa. |
Trong Tiêu Sơn tráng sĩ có chất anh hùng ngút trời của những người sẵn sàng hiến dâng máu mình vì lí tưởng, nhưng nó không cứng nhắc và hô hào khẩu hiệu.
Xen kẽ những trang sách đậm chất phiêu lưu của những cuộc hành quân giấu mặt, những cuộc hội tụ nơi rừng xanh động kín là một thứ tình yêu lãng mạn, phiêu thoát giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, giữa Trần Quang Ngọc và Nhị Nương.
Cung bậc mỗi người khác nhau nhưng có lẽ nổi bật và ấn tượng nhất là tráng sĩ Phạm Thái. Một bầu rượu, túi thơ và thanh kiếm sắc ở bên mình. Phạm Thái khát khao, Phạm Thái si tình, Phạm Thái tuyệt vọng…
Con người Phạm Thái là hình ảnh tiêu biểu đại diện cho đảng Tiêu Sơn một thời: Nhiệt huyết, khát khao và thất bại. Có thể con đường của đảng Tiêu Sơn và Phạm Thái đều lầm lạc, nhưng trong sự lầm lạc ấy lấp lánh khát vọng và ý chí của tuổi trẻ và với những tâm thế khác nhau về thời cuộc người ta khó lòng tránh được những bối rối ở ngã ba của lịch sử…
Tôi kính trọng Phạm Thái và thương tiếc Trương Quỳnh Như, tôi khâm phục Trương Quang Ngọc, Nhị Nương, Lê Báo… Tôi đã lên núi Tiêu Sơn vào chùa Tiêu Sơn ở huyện Từ Sơn, Bắc Nình mà lần theo dấu vết của người xưa.
Tôi chắc rằng Khái Hưng từng lên ngôi chùa này, thậm chí là nhiều lần, để ngắm những cánh đồng lúa xanh rì phía dưới, những tượng phật cổ kính, một dòng sông nhỏ giờ gần như chỉ còn là dĩ vãng để tìm cảm hứng và thành kính dâng hương lên người xưa.
Lòng tôi hồi tưởng những ngày tháng oanh liệt ở Tiêu Sơn khi Phạm Thái, Trương Quang Ngọc, Lê Báo, Nhị Nương… gặp nhau ăn thề với ngạo khí và sức vóc của tuổi trẻ.
Tác giả Khái Hưng. |
Có lẽ Khái Hưng cũng có cái cảm giác xót xa, hoài nhớ như thế. Khái Hưng viết Tiêu Sơn tráng sĩ và có thể đó cũng là dự cảm về cuộc đời đầy bất trắc của ông khi dấn thân vào nơi gió bụi…
Nhưng có hề gì, khi Phạm Thái ngồi buồn ở bến sông với bầu rượu tuyệt vọng thì người ta vẫn không quên một hình ảnh Phạm Thái đầy hào hoa, cưỡi trên mình ngựa rong ruổi đường thiên lý và lẩm nhẩm đọc những vần thơ nhớ Trương Quỳnh Như…
Khái Hưng có lẽ cũng đồng vị, trải qua bao nhiêu dâu bể, người ta càng ngày càng thấy ông là một nhân vật rất lớn, một nhà văn không thể bị lãng quên trong lịch sử văn học với những dấu chân quan trọng.
Trích đoạn Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái: Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!
Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.
Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá: thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm, làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!