Những người đàn bà phi thường của Đinh Giang là tập truyện ký, tản văn viết về những phụ nữ được ví mềm mại như dòng nước chảy, nhưng lại gánh trên vai nghị lực như đá. Đó là những phụ nữ can trường, đầy lòng nhân hậu và kiên nhẫn… Được sự đồng ý của tác giả, Zing trích đăng một phần cuốn sách.
Với trẻ con chúng tôi, niềm vui lớn nhất trong những dịp lễ, Tết là được mua áo quần mới. Mạ tôi kỹ tính lắm. Bà thường chủ động chọn vải, màu sắc, kiểu dáng rồi ấn định xuống cho 5 đứa con là đứa nào phải mặc kiểu gì cho hợp.
Bà không nói thẳng nhưng qua năm tháng tụi tôi tự hiểu là người ta chỉ thật sự đẹp khi được mặc chiếc áo vừa vặn với tính cách và đặc điểm của mình, không cần phải bắt chước ai hết.
Mạ tôi có gu thẩm mỹ rất tinh tế và không chạy theo số đông. Chúng tôi hay cười với nhau khi nhớ đến cái áo sơ-mi xanh da trời giống nam chính trong bộ phim Liên Xô Em không thể nói lời vĩnh biệt, chiếu cả tháng trời trên rạp Tân Tân ngày đó.
Bởi, mạ tôi đặt may cho anh Hai y chang kiểu áo ấy. Bà nói, anh có nét thư sinh kiểu đó. Phần tôi, bà nói “Út không hợp với các kiểu đầm tha thướt, con mặc quần tây đẹp hơn”.
Ui trời, khi đó tôi mới có chút éc, cơ thể còn chưa dậy thì mà lời bà đến giờ này tôi vẫn còn thấy đúng.
Tác giả Đinh Giang ký tặng độc giả trong buổi ra mắt sách Những người đàn bà phi thường, ngày 4/10. Ảnh: Q.M. |
Nhưng, đúng hơn nữa là chuyện làm đẹp. Theo bà, đàn bà là phải có chút son phấn mới ra đàn bà. Bà hay nói với tụi tôi là đàn bà con gái, nhứt là đàn bà đã có chồng con rồi, nếu cứ để cái mặt mộc nhợt nhạt, đầu tóc bù xù là mất lịch sự, như đàn ông ra đường mà mặc may-ô, quần đùi, không khác chi hết.
Quan niệm đó đã được truyền dạy trong nếp nhà bên ngoại từ khi mạ tôi chỉ là cô gái mới lớn. Mệ ngoại tôi đến khi đã ngồi một chỗ, miệng móm mém nhai trầu, vẫn còn dặn với theo tụi tôi là “lụa không hồ như cô không phấn” nghe bây.
Vì điều này mà các hình thức sửa soạn làm đẹp luôn được khuyến khích, ủng hộ trong nhà tôi, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, cực khổ nhất.
Hồi đó, dù phải đứng ngoài sân chợ cả ngày, mạ tôi cũng trang điểm rất đàng hoàng. Những ngày hè rát bỏng đến ngộp thở hay ngày mưa lạnh dầm dề móp hết tay chân, bà vẫn cùng một nhóm những người đàn bà khác phấn son lịch sự như vậy.
Họ tuy là “con buôn”, đa phần đều xuất thân tử tế. Nay thời thế thay đổi nên phải bôn ba chạy chợ chứ phong thái họ vẫn nhẹ nhàng, nhã nhặn như ngày nào. Cái phông văn hóa đầy đặn của họ khó lay chuyển đến nỗi cả một hệ thống mới áp đặt cũng không thể khiến họ mất bình tĩnh.
Mỗi lần được lên chợ Đông Ba chơi, ghé qua chỗ mạ với mấy dì đứng là tôi lại như được bước vào không gian khác, mát dịu bởi những cái nón lá 17 vành, những tà bà ba màu sắc tươi sáng và những khuôn miệng đằm thắm yêu kiều, nói cười yêu thương, nuông chiều đẹp đẽ như đời sống thị dân vẫn luôn phải thế.
Tôi chưa từng nghe mạ tôi to tiếng đôi co hay nặng lời với một người nào. Mấy dì đứng chung chỗ với mạ tôi cũng vậy, họ bán buôn, toan tính bằng một thái độ trang nhã chừng mực làm tôi cứ tưởng việc chạy chợ của họ cũng nhẹ nhàng, thảnh thơi như mình đi học vậy thôi.
Nhưng trên tất cả, tôi rất thích cái cách mà mạ cảm nhận cuộc đời và tận hưởng nó, cả trong ngọt ngào của quá khứ hay vất vả của hiện tại.
Có một hôm khuya, mưa vẫn rền rĩ, trong ánh đèn dầu, bà trở về nhà và kể: “Mới hồi chiều chú Khanh chở mạ đi giao hàng mà đột ngột quay đầu xe làm mạ hết hồn, tưởng bị chuyện chi… Té ra chú thấy hai người nọ đứng hôn nhau dưới mưa đẹp quá nên rủ mạ quành lại”.
Hai chị em chợ đời đã đứng ngắm nhìn tình yêu đôi lứa, hưởng ké chút ngọt ngào, lãng mạn giữa bốn bề tối tăm đói khổ một chặp rồi mới đạp xe đi tiếp.
Ui chao, tụi tôi còn nhỏ xí, làm sao mà hiểu được một khoảnh khắc đẹp đẽ xẹt qua cuộc lam lũ của những người mới gia nhập giới cần lao như mạ tôi và chú Khanh lại có ý nghĩa đến vậy. Nhưng hình như ba tôi hiểu, ông nhìn bà cười, mắt ánh lên một nỗi buồn dịu dàng, thông cảm…
Và mạ tôi chỉ cần có thế, tưởng như những mưa gió nhọc nhằn mà bà đang chịu bỗng chốc cũng không đến nỗi khốn cùng. Bà đã trở thành thuyền phó, tạm thời lèo lái con tàu, nhất mực thiết tha tôn thờ người thuyền trưởng còn chưa hoàn hồn sau cơn bão.
Vì bà tin rằng vị thuyền trưởng của mình vẫn còn ở đó, vẫn chưa rời bỏ con tàu. Tình yêu của chồng cho bà một sức mạnh phi thường mà chính bà đôi khi cũng không thể nhận thấy.
Vậy đó. Với đàn bà, chỉ cần tình yêu ấy còn đó thì nhọc nhằn mấy họ cũng chịu được.
Kể cả khi người đàn ông của họ không còn, mà tình yêu ấy vẫn vẹn nguyên rực rỡ, thì nó vẫn cháy, tiếp truyền nhựa sống, nâng đỡ những người đàn bà chân yếu tay mềm gượng dậy, làm nốt những phần việc mà chồng họ còn để lại dang dở.