Trong “The Heat Will Kill You First,” Jeff Goodell ghi lại những hệ lụy nguy hiểm khi nhiệt độ tăng cao và con người cần nhìn nhận vấn đề thời tiết nóng bức nghiêm túc hơn.
Theo nhà báo Jeff Goodell, việc từ “hot” vốn mang những hàm ý dễ chịu: Gợi cảm, quyến rũ hay thu hút nhiều sự quan tâm khiến vấn đề nhiệt độ tăng cao cho đến nay dường như quá thiếu sự chú ý.
Và trong cuốn sách mới về biến đổi khí hậu của mình, ông đang làm rõ vấn đề này, chỉ trích thuật ngữ “nóng lên toàn cầu” vì nghe có vẻ “nhẹ nhàng và êm dịu, tạo cảm giác rằng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá mức lại có thể khiến thời tiết ở các vùng biển trở nên tuyệt vời hơn”.
Với kinh nghiệm viết về biến đổi khí hậu trong hơn một thập kỷ, Goodel đang cho độc giả thấy một vòng luẩn quẩn: Khi thời tiết nóng lên, mọi người nghĩ đơn giản là có thể thoải mái bật điều hòa. Và việc sử dụng điều hòa nhiều lại càng khiến Trái Đất nóng lên.
Ông cho rằng: “Chúng ta tự làm mát mình trên một hành tinh đang nóng lên bằng cách làm cho hành tinh này trở nên nóng hơn nữa. Và nếu mất điện lâu ngày khi trời nóng, các doanh nghiệp đóng cửa, trường học đóng cửa và mọi người chết”.
Cho độc giả biết một sự thật phũ phàng
Cách viết giản dị của Goodell phù hợp với chủ đề và đối tượng công chúng phổ thông mà ông muốn hướng tới. Đây là một cuốn sách thúc giục hành động, hành tinh này đang bốc cháy và con người sắp hết thời gian.
Cái chết là một điệp khúc phổ biến và nó không chỉ xảy ra với con người. “Khi trời quá nóng, mọi thứ sẽ chết”, một nhà sinh thái học nông nghiệp nói với Goodell. Hoặc như cách Goodell viết về những sinh vật thích nghi bằng cách di chuyển đến những nơi mát mẻ hơn: “Nếu không tìm được nơi ẩn náu, chúng sẽ chết”.
Một thế giới nóng hơn khiến những người dễ bị tổn thương nhất gặp rủi ro và họ chính là người già, người bệnh, người nghèo.
Và lúc này, những người không tin về sự thiếu hụt tài nguyên chính là đang tự đùa giỡn với mạng sống của mình. Trên thực tế, thiên nhiên đã đưa ra cảnh báo rất rõ ràng. Vào năm 2021, một đợt nắng nóng như thiêu như đốt ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương vốn ôn hòa đã khiến cá hồi chết ngạt và nhựa đường tan chảy. Nhiệt độ nóng lên cũng đe dọa sự phát triển của thực vật – một nguồn cung thực phẩm chính của con người.
Goodell viết: “Mọi sinh vật đều có chung một số phận. Nếu nhiệt độ mà chúng vốn quen thuộc bị vượt quá xa và quá nhanh thì bạn có thể đoán điều gì xảy ra tiếp theo: Chúng sẽ chết”.
The Heat Will Kill You First dường như là phần tiếp theo của cuốn sách trước đó Goodell viết về đại dương The Water Will Come. Sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao có mối liên hệ với nhau. Những tác động tai hại từ sông băng tan chảy và các đại dương nóng lên cũng khiến nước biển ngày càng dâng cao hơn. Và tất cả thảm họa này đều có cùng một thủ phạm: con người.
Goodell viết ngay từ đầu: “Trái Đất đang trở nên nóng hơn do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Con người càng đốt nhiều dầu, khí đốt và than thì nhiệt độ càng nóng lên”. Trong khi phần đầu cuốn sách tập trung nói về sự thật phũ phàng này thì các phần còn lại của cuốn sách được dành để cho công chúng thấy những thiệt hại con người gây ra và cách con người thay đổi hành vi của mình.
Thiên nhiên đáp trả và con người cần hành động ngay
Những hệ lụy nguy hiểm đã được Goodell minh chứng cụ thể về tình hình “tích tụ nhiệt đô thị” ở Phoenix, những cơn bão ở Houston, Mỹ hay việc nhiều vùng đất ở Chennai, Ấn Độ dần bị ngập nước.
Goodell và những người bạn đồng hành của mình đã nhìn thấy một con gấu Bắc Cực đói khát trên đảo Baffin. Ông cũng đến sa mạc Sonoran với một tình nguyện viên để mang thức ăn và nước uống cho những người di cư khi hàng nghìn người tìm cách vượt qua những con đường chết chóc ở khu vực biên giới.
Cuốn sách dự kiến ra mắt trong tháng 7. Ảnh; NYT. |
Trong khi đó, người dân Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình hình thời tiết ngày càng cực đoan. Trong khi một số nơi xuất hiện nhiều cơn bão lớn thì nhiều khu vực gia tăng các đợt nắng nóng cao điểm, ví dụ Texas.
Bản thân tác giả Goodel cũng đang sống ở đây và từ một người ghét điều hòa không khí, ông trở thành một người (miễn cưỡng) phụ thuộc vào nó.
Vậy con người có thể làm gì? Một công ty ở Paris đã đề xuất thay đổi thiết kế sân thượng theo hình bậc thang để giảm hấp thụ nhiệt trên các mái tôn kẽm mang tính biểu tượng của thành phố. Hay thay vì ăn các loại thịt thông thường có hại cho khí hậu, con người được khuyên nên cân nhắc đến các món ăn khiêm tốn như dế, “có thể được xay nhỏ và làm thành bột giàu protein, hoặc tẩm gia vị và chiên giòn như tôm”.
Nhưng cố gắng thích nghi với thảm họa là không đủ. Goodell nhớ lại đợt nắng nóng năm 2003 ở Paris, khi có quá nhiều người chết vì sống dưới những mái tôn nóng bỏng. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi các nhà xác chật kín và thành phố phải vật lộn để tìm nơi chứa xác chết. Paris từ lâu được coi là vùng ôn đới và chưa bao giờ phát triển một “văn hóa thích ứng với khí hậu”.
Bản thân Goodell cũng đã trò chuyện với một nhà khoa học đang cố gắng tìm ra mối liên hệ rõ ràng hơn giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt để con người có thể xây dựng quy trình giải trình, xác định chính xác ai (hoặc công ty nào) chịu trách nhiệm cho một đợt nắng nóng cụ thể.
Trong khi quá trình này chưa thể sớm có kết quả thì việc con người thiếu nhận thức và không có hành động tổng thể giống như chính cách nhiệt độ đang tăng lên, chậm chạp và gây chết người. Như một người ủng hộ hành động vì môi trường đã nói về hệ lụy nguy hiểm này: “Thật phẫn nộ, một cách chậm chạp và đầy bạo lực”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!
You must be logged in to post a comment Login