Ông Nguyễn Quang Thiều – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Nguyễn Quang Thiều dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện thẳng thắn về những kế hoạch “cải tổ” Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhiều câu chuyện thú vị khác.
Tôi thấy như mình 18 tuổi
* Triển lãm tranh đầu tiên của ông vừa có một buổi khai mạc đông chưa từng thấy, ông có hối tiếc khi bắt đầu vẽ hơi muộn?
– Tôi gặp hội họa như gặp tri âm. Ai đó sống được 90 tuổi, 89 năm không hạnh phúc nhưng tuổi 90 hạnh phúc thì hạnh phúc tràn ngập toàn bộ cuộc đời của người ấy.
Tôi 48 tuổi mới vẽ, 63 tuổi mới triển lãm lần đầu tiên, tôi không cho là muộn vì tôi không định trở thành cái gì. Tôi vẫn hạnh phúc và giờ đây tôi thấy niềm hạnh phúc ngập tràn cả cuộc đời tôi chứ không chỉ khoảnh khắc này.
Giống như trong tình yêu, ai đó khi 80 tuổi mới gặp được một người tình và họ thấy đó là tình yêu đích thực của họ, họ tận hưởng hạnh phúc chứ không mất thời gian hối tiếc sao mình không gặp người yêu sớm hơn.
Tôi làm gì cũng thấy mệt mỏi, đặc biệt là làm chức chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, mệt mỏi gấp ngàn lần. Nhưng bước vào trang giấy để làm thơ, đứng trước tấm toan để vẽ tranh là tôi thấy như mình 18 tuổi. Chỉ khi trở về trang giấy, phòng vẽ, tôi mới tìm thấy mình ở đó, mới thấy tự do vô tận.
* Giờ làm “quan văn”, vẽ tranh và còn rất chăm chút viết trên Facebook cá nhân nữa, ông nghĩ mình có còn “mất ngủ” vì lửa được nữa không?
– Mỗi bức tranh đối với tôi lại là cảm hứng cho một bài thơ. Chúng nuôi dưỡng nhau. Tôi vừa hoàn thành bản thảo hai tập thơ, chuẩn bị xuất bản.
Ông Nguyễn Quang Thiều tiếp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới thăm triển lãm của ông – Ảnh: DƯƠNG MINH LONG
Hãy ngồi xuống, với cảm xúc thật lớn
* Vậy chức chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam với ông là gì? Một trọng trách xã hội?
– Đó là trọng trách cùng với những người khác, với những hội viên cùng nhau làm điều gì đó tốt lên, một trọng trách đáng yêu, xúc động. Hội Nhà văn không thò tay, bước chân được vào phòng viết của bất cứ nhà văn nào, không giúp ai viết được một tác phẩm hay.
Hội chỉ có thể nói với họ hãy ngồi xuống, với lòng kiên nhẫn và kiêu hãnh, với một cảm xúc thật lớn để viết một tác phẩm hay. Và hội phải biết phát hiện ra giá trị thật và tôn vinh nó, công bằng với nó, bảo vệ nó.
* Giai đoạn trước đây Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được những nhiệm vụ này chưa, theo ông?
– Hội cũng đã nỗ lực làm. Nhưng cái gì trước mắt cũng đẹp đẽ hơn cái hiện tại. Chúng tôi thấy ngày mai sẽ khác đi, tốt hơn ngày hôm nay. Xưa hội cũng đã làm được rất nhiều điều quan trọng nhưng có những điều chưa làm được, hoặc có khả năng làm được mà chưa làm thì bây giờ những người kế tiếp phải làm những việc đó.
Tôi vẫn nói với các nhà văn tôi không làm thơ giỏi hơn các bạn nhưng tôi có khả năng “kích động” các bạn để làm việc một cách mê đắm.
Tất nhiên Hội Nhà văn cũng chỉ là một cơn cớ, thúc đẩy nhà văn viết. Có những người không vào hội nhưng họ vẫn viết tuyệt vời, nhưng nếu vào hội để cùng nhau làm điều gì đó thì cũng rất cần thiết.
* Mục tiêu lớn nhất của ông trong vai trò chủ tịch Hội Nhà văn là gì?
– Là kích thích sáng tạo của nhà văn, phát hiện, bảo vệ, làm lan tỏa những giá trị thật trong văn chương, bởi vì lâu nay chúng ta chưa làm đầy đủ.
Chúng tôi đặt rất nhiều vào thế hệ trẻ, chúng tôi tìm mọi cách để làm cho thế hệ trẻ thấy rằng khi họ hạ bút xuống là có thể liên can đến số phận bên cạnh họ, hay làm một cái gì đó tốt hơn.
Tranh Người thổi sáo 3, sơn dầu trên toan của Nguyễn Quang Thiều
Có những hội viên không xứng đáng
* Lâu nay có ý kiến rằng các giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam chưa tạo được uy tín lớn trong xã hội, bỏ sót nhiều tác phẩm xứng đáng và tôn vinh những giá trị đôi lúc có phần xoàng xĩnh. Ông sẽ làm gì để nâng uy tín các giải thưởng của hội?
– Trước đây giải thưởng có thể bỏ sót tác phẩm hay là vì tác giả không tham gia dự giải hoặc không ai đề cử cho họ. Còn hội đồng chấm giải chỉ tới cuối tháng 10 mới làm việc, tháng 12 công bố giải thưởng, họ không có thời gian rà soát các tác phẩm tốt để không bỏ sót.
Từ bây giờ tôi sẽ tạo cho hội đồng có cách thức làm việc trong cả năm, phải thăm dò các tác phẩm. Hội đồng phải thường xuyên làm việc với các nhà xuất bản để chính các nhà xuất bản đề cử cho hội đồng những cuốn sách hay.
Hội đồng cũng phải tiếp cận những người đọc có khả năng đọc tốt, quan sát tốt, để họ nói cho biết những cuốn sách hay để tìm đến chúng chứ không phải chỉ ngồi đợi chúng đến với mình.
Tóm lại, chúng tôi sẽ giám sát, theo dõi các phong trào sáng tác, tìm hiểu, lắng nghe dư luận, lắng nghe báo chí, lắng nghe các nhà xuất bản, dám trao giải cho những cuốn sách gai góc xứng đáng.
* Ông có tự tin là trong nhiệm kỳ của mình, ông có thể tổ chức những giải thưởng uy tín?
– Tôi tự tin sẽ không bỏ sót những tác phẩm đáng được tôn vinh, trao giải thưởng. Nhưng tôi phải đặt câu hỏi ngược lại với các nhà văn rằng: Các anh đã làm ra những gì thực sự xứng đáng để chúng tôi tôn vinh chưa?
Có những tác phẩm hay nhưng chúng tôi bỏ qua, chúng tôi không bảo vệ được để trao giải thì đó là sai lầm, khiếm khuyết của chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi tìm mọi cách trọng thị nhất mà không có tác phẩm hay để trao giải thì đành chịu.
Nhà thờ Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Thành Chương tại triển lãm tranh cá nhân của ông Nguyễn Quang Thiều – Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
* Còn việc kết nạp hội viên có lẽ cũng cần thay đổi, thưa ông?
– Kết nạp hội viên cũng sẽ phải thay đổi. Các nhà văn có tên tuổi, đóng góp cho văn học nhưng không vào hội như Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi, Nguyễn Phúc Lộc Thành trong thơ, Trần Tiễn Cao Đăng trong dịch thuật, Trần Ngọc Vương trong nghiên cứu văn học, Huỳnh Như Phương trong lý luận phê bình văn học…
Họ là những người xuất sắc trong lĩnh vực của họ nhưng tại sao họ lại không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam để cùng xây dựng hội tốt hơn? Bây giờ chúng tôi phải tìm đến họ, mời họ tham gia với chúng tôi. Tất nhiên thuyết phục họ không dễ, nhưng với sự thịnh tình, thiện chí, tôi tin chúng tôi sẽ thuyết phục được họ.
Đồng thời, chúng tôi phải ngăn cản tất cả những thứ không đáng “tràn” vào hội. Mấy năm vừa rồi Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp nhiều hội viên và trong đó có những trường hợp không xứng đáng. Tất nhiên điều này là lỗi của tất cả những người liên quan như các thành viên hội đồng xét kết nạp hội viên, thành viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chứ không phải của riêng ai.
Chúng tôi không cần nhiều người vào hội mà chúng tôi cần những nhà văn tên tuổi, có đóng góp cho văn học, những người sáng tác nghiêm cẩn, có tác động xã hội. Chúng tôi không bắt họ viết đơn vào hội nữa. Chúng tôi trân trọng mời họ vào hội. Chúng tôi đã bắt đầu triển khai trong ban chấp hành hội và tôi đã gặp ít nhất ba người để mời vào hội.
* Gần đây xã hội bắt đầu nói đến yêu cầu phải xã hội hóa các hội nghề nghiệp giống như Hội Nhà văn hay các hội văn học nghệ thuật khác, ông nghĩ sao về điều này?
– Tôi nghĩ rằng có rất nhiều dạng hội, câu lạc bộ. Câu lạc bộ Thơ Việt Nam rất đông. Ngay Hội Nhà văn, chúng tôi đang bàn tới thành lập câu lạc bộ những nhà văn trẻ. Các khuynh hướng, quan điểm sáng tác giống nhau có thể tập hợp lại, ngồi cùng với nhau, và Hội Nhà văn sẽ tìm cách giúp đỡ họ.
Những câu lạc bộ như thế là việc bình thường, nhưng thành lập hội thì khác, phải tuân theo quy định của luật pháp. Tính đa dạng của xã hội, của nghề nghiệp và tính đa dạng của hoạt động văn học nghệ thuật nói riêng lâu nay đã được mở rộng rất nhiều.
* Hội Nhà văn có nên đi theo khuynh hướng bỏ bao cấp?
– Hội Nhà văn nếu được Nhà nước trợ giúp mà hoạt động tốt thì tôi thấy điều đó không có gì hơn. Nhà nước tài trợ cho nghệ thuật là rất cần thiết.
Còn nếu Chính phủ không thể trợ cấp được nữa và có thể trong tương lai sẽ không trợ cấp thì tôi nghĩ điều đó là bình thường. Nhưng bất cứ hội nào được Nhà nước trợ cấp hay thông qua các quỹ để trợ cấp đều là tốt cả. Vấn đề là làm sao để hoạt động hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Thiều trước triển lãm cá nhân “Người thổi sáo” tổ chức tại Hà Nội – Ảnh: DƯƠNG MINH LONG
Đừng sốt ruột, hãy bền bỉ đợi người trẻ
* Nhiều người than phiền những người viết trẻ chưa khẳng định được mình, chưa tạo được vóc dáng cho thế hệ mình. Ông có lạc quan về các nhà văn trẻ?
– Họ đã mang đến tính đa dạng trong giọng nói, trong phong cách, trong thi pháp. Họ học nhiều, giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ, đọc nhiều, tiếp cận thế giới rộng lớn.
* Nhưng chúng ta chưa thấy những tên tuổi mới của thời đại?
– Chúng ta đừng sốt ruột, hãy bền bỉ đợi họ. Khả năng chờ đợi của chúng ta là một phẩm chất. Tôi luôn luôn đợi chờ và hi vọng ở họ vì tôi đã từng gặp những nhà văn trẻ mà khi họ đọc những bài thơ của họ xong thì buộc tôi phải đến lại những quán rượu, quán cà phê, con đường mà tôi từng đi qua đó hàng ngàn lần nhưng tôi đã không nhìn thấy những điều mà họ nhìn thấy.
Đó là thế hệ trẻ. Hãy tin tưởng, hãy đợi chờ.
* Hội Nhà văn đã có nhiều nỗ lực hòa hợp, hòa giải dân tộc thông qua văn chương như xuất bản các tác phẩm có giá trị trước 1975 ở miền Nam và có nhiều gặp gỡ, làm việc với các tác giả hải ngoại… Trong nhiệm kỳ mới của ông, ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ này như thế nào?
– Trong lời phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương, tại Đại hội Hội Nhà văn khóa X có nhấn mạnh sứ mệnh hòa hợp, hòa giải dân tộc thông qua văn học.
Từ lâu văn học đã làm điều đó cho dù còn mờ nhạt. Mấy năm gần đây tác phẩm của các nhà văn ở miền Nam trước 1975 và các nhà văn sinh sống ở nước ngoài đã xuất hiện nhiều hơn trên những ấn phẩm của Hội Nhà văn như báo Văn Nghệ, tạp chí Nhà Văn & Tác Phẩm, đặc biệt trên ấn phẩm Viết & Đọc của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Ban chấp hành khóa X sẽ tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này một cách cụ thể trên một chiến lược lâu dài.
Văn học nghệ thuật đúng bản chất của nó là phi biên giới, là dân chủ, bình đẳng, là kêu gọi tình yêu thương của con người và tôn trọng mọi sự khác biệt của con người. Chính thế mà văn học nghệ thuật phải là người tiên phong để từng bước xóa bỏ đi những khác biệt và cách biệt.
Sẽ bảo vệ hồ sơ xét Giải thưởng Nhà nước cho Nguyễn Huy Thiệp
* Còn hồ sơ xét Giải thưởng Nhà nước đối với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến đâu rồi, thưa ông?
– Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh là những người xứng đáng được trao Giải thưởng Nhà nước cho những đóng góp văn chương của họ. Năm nay nhà văn Bảo Ninh không tham gia xét giải thưởng, chỉ có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tham gia.
Và trong vòng sơ khảo ở Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã bỏ phiếu 100% cho ông Thiệp được Giải thưởng Nhà nước. Các hội đồng tiếp theo ở cấp bộ và cấp nhà nước, khi chúng tôi có thành viên ở trong các hội đồng đó thì chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ.
* Ông đánh giá như thế nào về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đối với nền văn học Việt Nam?
– Ông Thiệp mang đến một giọng nói hoàn toàn khác biệt. Ông Thiệp lật lại những vấn đề mà lâu nay chúng ta ngủ quên trong đó, những cách thức ứng xử, đạo đức, sự thật, con người, văn hóa…
Có một thời có những người ngại ngùng ông Thiệp nhưng không phải, ông Thiệp mổ xẻ một vết thương nào đó trong đời sống xã hội người Việt mà chúng ta lâu nay không dám mổ. Ông phẫu thuật những vết thương xã hội để bày ra những vẻ đẹp khác.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đóng góp vào sự thay đổi về thi pháp truyện ngắn, thay đổi những quan điểm về truyện ngắn, thay đổi những cách nhìn nhận xã hội, nhìn nhận con người hay nhìn nhận các vấn đề mà lâu nay trở thành thói quen, cố hữu.