Ảnh: Jose Francisco Fernandez Saura. |
Khái niệm “kinh tế chú ý” ra đời
Khái niệm “Kinh tế chú ý” đã xuất hiện vào năm 1996, nhưng trước đó, từ những năm 1970, khái niệm này đã được nhiều tác giả đề cập đến. Nhà tâm lý học và kinh tế học Mỹ Herbert Simon, trong bài viết được đăng tải vào năm 1971, đã so sánh các xã hội quá khứ là “nghèo thông tin” với các xã hội của chúng ta hiện nay là “giàu thông tin”, và cái mà giờ đây trở nên hiếm hoi nhất là sự chú ý.
Ông mô tả sự chú ý như là “một nút thắt cổ chai” trong suy nghĩ của con người, bởi nó có giới hạn, không chỉ với những gì chúng ta có thể cảm nhận trong những môi trường có kích thích mà còn cả với những gì chúng ta có thể làm. Và, ông cũng lưu ý “sự giàu có về thông tin tạo ra một sự nghèo nàn về chú ý”.
Mãi đến năm 1997, khái niệm này mới được sử dụng nhiều hơn, nhân cuộc tranh luận nổ ra từ một bài viết của Michael Goldhaber, trong đó, nhà vật lý lý thuyết này khẳng định sự tồn tại của một “hình thái kinh tế mới” được tạo ra từ những thuộc tính của thế giới mạng.
“Như mọi hình thái kinh tế khác, nền kinh tế này dựa trên thứ được thèm khát nhất, nhưng hiếm nhất, đó chính là sự chú ý”, ông nhấn mạnh và lưu ý “nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch từ một nền kinh tế dựa trên vật chất sang một nền kinh tế dựa trên sự chú ý, rất nhiều dịch vụ trực tuyến được cung cấp miễn phí”.
Chúng ta đang rời xa nền sản xuất công nghiệp khi ngày càng ít người tham gia vào sản xuất hơn, những nghề nghiệp mới nổi liên quan nhiều hơn với thông tin. Mặc dù “kinh tế thông tin” là tên gọi chung cho hiện trạng mới này, nhưng, theo ông, sự chú ý mới là hiếm, chứ không phải thông tin.
Giống như với tiền bạc, tất cả chúng ta đều khao khát và cần đến sự chú ý ở một mức độ nhất định. Tiền bạc là thứ cần để có thực phẩm, nước uống và nhà ở. Tương tự, sự chú ý là thứ có thể được chuyển thành những thứ hữu hình cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta. Khi còn bé, chúng ta khóc, cười, gây ồn ào là muốn được cha mẹ, người khác chú ý, nếu không làm thế thì chúng ta không có cái ăn, cái mặc hoặc không thể tồn tại.
Tuy nhiên, tiền bạc và sự chú ý là hai thứ khác nhau: tiền theo sau sự chú ý trong khi điều ngược lại không nhất thiết là đúng. Khi nền kinh tế của chúng ta ngày càng trở nên lệ thuộc vào sự chú ý, thì phương tiện trao đổi chuyển từ những người nắm giữ phương tiện cũ sang những người nắm giữ phương tiện mới.
“Trong tương lai, rất nhiều hàng hóa và dịch vụ sẽ được cung cấp miễn phí để đổi lấy vài giây hoặc vài phút chú ý từ phía người dùng”. Ảnh: Quyền Leo Daily. |
Hàng hóa, dịch vụ miễn phí đổi lấy vài phút chú ý
Sau bài viết gây tranh luận của Michael Goldhaber, nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến một cuộc lật đổ ngoạn mục do sự chú ý ngày càng đóng vai trò chi phối trong nền kinh tế. Trong một tài liệu dành cho các chủ doanh nghiệp, Thomas Davenport và John Beck mô tả cuộc lật đổ này như sau:
“Trước đây, sự chú ý được xem là thứ tự có, còn hàng hóa và dịch vụ mới được xem là những vật mang giá trị. Trong tương lai, rất nhiều hàng hóa và dịch vụ sẽ được cung cấp miễn phí để đổi lấy vài giây hoặc vài phút chú ý từ phía người dùng”.
Richard Lanham cũng nhấn mạnh đằng sau cuộc lật đổ của các vai trò đã trở thành hiển nhiên giữa một bên là thứ vật chất (trước đây được xem là giá trị) và một bên là thứ phi vật chất (nay thống trị), cần phải nhìn nhận rằng đó không hề là một chiến thắng của “thông tin” hoặc “truyền thông” trước những sản phẩm được sản xuất công nghiệp, mà là sự xuất hiện của một thứ của hiếm mới nay bước lên ngôi thống trị.
Người ta nói chúng ta đang sống trong một “nền kinh tế thông tin”. Thế nhưng, thông tin không phải là thứ hiếm trong nền kinh tế thông tin mới. Nó tràn ngập và chúng ta bị nó nhấn chìm trong đó. Thứ chúng ta thiếu, chính là sự chú ý của con người. Nó là thứ cần thiết để hiểu tất cả những điều đó. Sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta là tự định vị mình trong chế độ mới này nếu chúng ta hình dung nó như một nền kinh tế chú ý. Sự chú ý từ nay trở thành thứ của hiếm chính yếu.
(*) Tiêu đề do người biên tập đặt.
You must be logged in to post a comment Login