Cuốn sách Cái tôi được yêu thương của Nhà tâm thần học M.D. Wilhelm Stekel giúp người đọc hiểu rõ muôn mặt của một tâm hồn khổ đau, từ đó vượt qua cái tôi vị kỷ để có một cái nhìn thực tế với cuộc đời và tìm thấy mục tiêu trong cuộc sống.
Được sự đồng ý của Công ty sách Bách Việt, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Một người bình thường sẽ không thể tưởng tượng rằng có những người không có khả năng sử dụng chính tiền bạc của mình. Đó là những người không bao giờ học cách giải quyết vấn đề tiền bạc hoặc làm thế nào để định giá chính xác nó.
Với họ, tất cả giao dịch tài chính đều là một vấn đề khó khăn mà họ muốn tránh xa. Với họ, trả nợ là một điều tuyệt vời, đòi nợ là một hành động khủng khiếp.
Họ run lên bất cứ khi nào phải đưa ra quyết định về tiền bạc và trở thành nạn nhân của những kẻ lừa phỉnh. Không phải vì họ ngu ngốc, họ chỉ bất lực trong việc nắm bắt chính xác giá trị của tiền bạc và trách nhiệm của bản thân.
Ai cũng có nỗi ám ảnh về tài sản
Trong chúng ta đều tiềm ẩn một nỗi sợ: Sợ bị người khác lợi dụng. Đó chính là động lực tâm lý khiến chúng ta làm ra những hành vi lạ lùng.
Ta thích giao thiệp với bạn bè, người thân hoặc những người mà ta được giới thiệu vì cảm giác an toàn. Đồng thời ta cũng muốn mở rộng các mối quan hệ, kết giao vì mục đích có lợi cho mình.
Sách Cái tôi được yêu thương. Ảnh: Ibooks. |
Ta muốn người khác tin tưởng mình. Nhưng ta không thoát khỏi nỗi lo âu, sự đề phòng hay nghi ngờ dành cho người khác.
Ta luôn chống lại sự xấu xa của thế gian này. Nhưng ta cũng ý thức được thực ra toàn bộ đời sống này đều nằm trong chu trình làm lợi từ người khác.
Về bản chất, tiền – hay nói đúng hơn là mong muốn sở hữu tài sản – khơi dậy những bản năng xấu xa nhất của nhân loại: ích kỷ, tham lam, bạo ngược, trục lợi. Chúng chi phối con người và rất khó để chế ngự chúng bằng đạo đức hay giáo dục. Ngay cả những kẻ tốt tính, có cái nhìn sâu sắc về con người và hiểu mình cũng khó lòng tin tưởng người khác.
Như đã nói, con người hoài nghi ngay chính bản thân mình. Cùng với đó, tham cầu tài sản phá hỏng mối quan hệ giữa con người với nhau.
Bản năng ích kỷ, tham giữ tài sản thực ra chỉ là một dạng ham muốn quyền lực được ngụy trang và biến đổi dưới nhiều dạng thức khác nhau: Một người hà tiện tiền bạc. Một kẻ ích kỷ trong tình yêu. Một người trục lời từ cuộc đời. Một kẻ ăn mày dĩ vãng.
Tất cả chúng ta đều có những “hộp tiền” bí mật, nơi ta cất giữ kho báu của riêng mình. Theo thời gian, kho tài sản ấy đầy mãi lên, nhưng chúng ta cũng dần đánh mất linh hồn mình. Lúc nào cũng sống trong thấp thỏm lo âu, tim đập chân run vì sợ hãi, sợ ai đó cướp mất tài sản của mình, lấy đi những gì mình đang có.
Thoát khỏi nỗi sợ về tiền
Dạy trẻ những kỹ năng xử lý tiền bạc là một trong những nhiệm vụ khó khăn. Có lẽ phương pháp tốt nhất ta cần làm là khuyến khích chúng tự kiếm tiền.
Mỗi đồng tiền kiếm ra là biểu hiện cho nỗ lực trực tiếp của con trẻ và giúp chúng hiểu đúng giá trị của đồng tiền. Thật sai lầm khi cho trẻ em tiền nhưng lại không dạy chúng cách tiêu tiền.
Ảnh minh họa. Nguồn: Trithucvn. |
Bởi khi trưởng thành, chúng sẽ không có khả năng đối mặt với những vấn đề về tiền bạc hay cách kiếm tiền. Chúng còn không biết cách tiêu tiền hay làm bất cứ điều gì để kết nối với điều đó.
Vì thế, trẻ em ở một thời điểm thích hợp nên học để hiểu về giá trị của đồng tiền. Đứa trẻ có thể xử lý tốt các vấn đề tiền bạc với một tâm thái bình tĩnh sẽ có được một tâm trí mạnh mẽ sau này.
Chúng ta không nên suy nghĩ quá nhiều về tiền bạc. Chúng ta nên chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng và bước qua nó.
Chúng ta tiết kiệm và phân phối tiền bạc đúng cách, chứ không bán mạng để có được nó.
Chúng ta không nên coi thường tiền bạc bởi nó là một trong những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng cần biết cách tự bảo vệ mình trước sự cuồng hóa tiền bạc. Tiền bạc và hạnh phúc không phụ thuộc lẫn nhau. Một người có thể vừa kiếm được tiền vừa giữ được lý tưởng của mình.