Nuôi dạy trẻ luôn đi kèm những trăn trở và căng thẳng. Ở hầu hết gia đình, cha mẹ đều dành tình yêu thương và nuôi dưỡng con kỹ lưỡng. Tuy nhiên, những bản tin đau lòng về tai nạn mà nạn nhân là con trẻ vẫn được truyền đi hàng ngày.
Với hy vọng có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất các tai nạn xảy ra ở trẻ nhỏ, nhóm phóng viên báo Asahi đã thực hiện loạt phóng sự dài kỳ mang tên “Sinh mạng bé nhỏ” từ tháng 8/2016. Nội dung bao gồm những lời kể của gia đình có con mất vì tai nạn trong gia đình và những lời khuyên phòng ngừa tai nạn của các chuyên gia. Loạt bài kéo dài một năm rưỡi xem xét làm thế nào để ngăn chặn bi kịch khi con trẻ là nạn nhân của tai nạn giao thông, lạm dụng, tự sát…
Sách Phòng tránh tai nạn ở trẻ nhỏ của nhóm phóng viên báo Asahi. Ảnh: Vân Linh. |
Nguy cơ tai nạn đối với trẻ nhỏ
Được biên tập lại từ loạt phóng sự này, sách Phòng tránh tai nạn ở trẻ nhỏ đề cập đến các nguy cơ tai nạn khác nhau theo giai đoạn trưởng thành của trẻ, từ đó đưa ra các biện pháp phòng tránh có thể áp dụng tại nhà, tại trường học và trên toàn xã hội.
Có thể xem đây là một tập hợp những nỗ lực của Nhật Bản trong việc thay đổi môi trường, chính sách và giáo dục từ nỗ lực của gia đình các nạn nhân, đến nhà trường và các tổ chức hỗ trợ cộng đồng, kể cả những doanh nghiệp liên quan để phòng chống và giảm tỷ lệ tai nạn xảy ra.
Theo ước tính của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, mỗi ngày có khoảng 7.800 trẻ 0-4 tuổi đến khám lần đầu vì “té ngã, rơi ngã”, “tai nạn bất cẩn khác”, “trong lúc chơi thể thao”, “tai nạn giao thông”. Trong đó, số trẻ đến khám vì nguyên nhân “té ngã, rơi ngã”, “tai nạn bất cẩn khác” khoảng 5.300 trẻ.
Một cuộc điều tra nhân khẩu cũng do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện đã phân loại các trường hợp tử vong khác nhau dựa theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ 1995 đến 2014, số trẻ 0-14 tuổi tử vong vì “tai nạn bất cẩn” kể cả tai nạn giao thông lên đến 16.933 trẻ. Trung bình một năm khoảng 800 sinh mạng bé nhỏ ra đi.
Phân loại nguyên nhân tử vong: tai nạn giao thông: 5.557 trẻ; ngạt thở: 3.874 trẻ; đuối nước, chết chìm: 3.342 trẻ; bị dị vật đường thở là 777 trẻ, rơi ngã từ ban công hay cửa sổ… là 540 trẻ. Ngoài ra, riêng số trẻ 0 tuổi tử vong do ngạt thở trên giường ngủ đã lên đến 959 trẻ.
Học sinh băng qua đường ở Nagoya, Nhật Bản. Nguồn: benweller. |
Biện pháp phòng tránh và giảm tỷ lệ tai nạn ở trẻ nhỏ
Thông thường, ở Nhật Bản, khi để con trẻ bị xảy ra tai nạn, các bậc cha mẹ thường mang cảm giác tội lỗi do mình gây ra. Nhưng theo chuyên gia thì “Một khi còn nghĩ trách nhiệm thuộc về cha mẹ thì không thể nghĩ đến chuyện dự phòng tai nạn được”.
Để phòng ngừa tai nạn cho trẻ người Nhật đã đưa ra 3 cách tiếp cận trong việc dự phòng tai nạn (3 chữ E). Đó là “Cải thiện môi trường (Environment)”, “Quy chế pháp luật – Tiêu chuẩn hóa (Enforcement)” và “Giáo dục (Education)”.
Sáng tạo những thiết kế mới, thay đổi sản phẩm và môi trường sống sao cho an toàn hơn chính là cải thiện môi trường. Bàn chải đánh răng dạng cong được phát triển để trẻ không bị thương nặng dù ngã trong lúc còn ngậm bàn chải trong miệng, hay ấm điện (ấm nước) đã được thay đổi cấu tạo làm cho nước nóng không tràn ra kể cả khi người sử dụng bị ngã… là những ví dụ điển hình.
Ví dụ cho quy chế pháp luật, tiêu chuẩn hóa thay đổi các quy tắc sản xuất… là quy chế an toàn cho bật lửa để phòng trẻ em sử dụng nhầm, hay việc trẻ dưới 6 tuổi sử dụng ghế trẻ em trên xe ôtô được nghĩa vụ hóa vào năm 2000… Cuối cùng việc thúc đẩy thay đổi trong ý thức và hành động của người tiêu dùng chính là giáo dục.
Đối với việc bảo vệ con trẻ khỏi tai nạn giao thông, các chuyên gia Nhật cho rằng biện pháp chủ yếu là giáo dục trẻ em là chưa đủ, cần phải tạo ra một không gian an toàn trên đường đi học cho trẻ.
Để làm được điều này thì mọi người dân phải nắm được thông tin của các vụ tai nạn ở gần mình, đồng thời phải biết đặc điểm của những vụ tai nạn giao thông thường xảy ra ở khu vực mình sinh sống và cách ngăn ngừa.
Tiếp đó là thiết lập bản đồ phát sinh tai nạn giao thông, ghi rõ những nơi cư dân trong thành phố suýt gặp tai nạn và thực tế đã xảy ra tai nạn lên bản đồ; Thực hiện các biện pháp mạnh như không cho tăng tốc độ, tùy trường hợp mà không cho xe ra vào đường trẻ đi học, dùng cọc chặn xe và 1 gờ trên đường để hạn chế tốc độ…
Ngoài ra, còn có ý kiến kêu gọi trang bị cho trẻ áo phản quang để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tai nạn giao thông. Loại áo gắn chất liệu phản quang có thể mặc choàng lên cặp hoặc ba lô đeo trên lưng, nhìn từ phía trước hay sau, trái hay phải đều nổi bật.
Cùng việc nêu biện pháp phòng chống và giảm tỷ lệ tai nạn xảy ra, sách Phòng tránh tai nạn ở trẻ nhỏ sách còn gióng lên hồi chuông về bạo lực tinh thần, những sự lạm dụng về cơ thể, bị bạo lực ngôn ngữ, bị bỏ mặc…
Những sự lạm dụng này đã dẫn đến những cái chết thương tâm của trẻ em thậm chí từ chính những cha mẹ có sức khỏe tinh thần không tốt và hoàn cảnh bi đát trong gia đình; từ vấn nạn bắt nạt của bạn bè hay bị giáo huấn không đúng cách… trong nhà trường…
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới các vụ tự sát của trẻ em và thanh niên, để lại hậu quả tâm lý lâu dài trong các em cho dù các em có may mắn vượt qua.