“Bố bỉm sữa” dạy con thành “công dân toàn cầu” là cuốn sách tiếp theo trong tủ sách “Nuôi dạy con” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam thực hiện. Cuốn sách được phát hành giữa tháng ba vừa qua.
Đây cũng là cuốn sách viết về giáo dục tiếp theo của tác giả Phúc Lai sau Chuyện cha con chúng ta là đồng bọn (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019), Dạy con dạy cha (NXB Văn học, 2016), Chuyện con chuyện cha (NXB Trẻ, 2014).
“Bố bỉm sữa” dạy con thành “công dân toàn cầu” trước hết là tâm sự của một ông bố có ước mong dạy con nên người, trở thành người hạnh phúc và sống có ích cho xã hội.
Sách “Bố bỉm sữa” dạy con thành “công dân toàn cầu”. Ảnh: M.C. |
Tiêu chuẩn công dân toàn cầu
Từ trải nghiệm của việc nuôi dạy hai con và qua những điều học hỏi được từ sách vở và những người xung quanh, tác giả sách đã nêu lên là những vấn đề đang đặt ra đối với việc nuôi dạy con cái trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đồng thời, đề xuất đề xuất một số phương pháp nuôi dạy con để các bậc phụ huynh tham khảo.
Theo tác giả, công dân toàn cầu đang trở thành “cái mốt” trong giáo dục. Thế nhưng, để hiểu rõ khái niệm này như thế nào, qua đó chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để con mình trở thành “công dân toàn cầu”, không phải bậc phụ huynh nào cũng rõ.
Hiện nay, nhiều khái niệm và tiêu chuẩn về công dân toàn cầu do các tổ chức kinh doanh giáo dục đưa ra, nhưng chỉ có một khái niệm được tác giả cho là “ổn thỏa nhất”.
Theo đó, khái niệm này đưa ra các tiêu chuẩn như sau: (1) công dân toàn cầu không phải là phong trào mà là trách nhiệm. (2) công dân toàn cầu không được quên cội nguồn. (3) Vấn đề ngoại ngữ đối với yêu cầu công dân toàn cầu là cần, nhưng không được yếu tiếng mẹ đẻ.
Theo người viết, trong ba yêu cầu trên, hai yêu cầu đầu nghiêng về chất, còn yêu cầu sau nghiêng sang khía cạnh năng lực.
Để đáp ứng được ba yêu cầu này, ông cho rằng trước hết con phải có một nền tảng sức khỏe vững chãi, biết chăm sóc bản thân và có một tâm hồn lành mạnh.
Thứ nữa, chúng được bồi đắp tính chăm chỉ, yêu lao động, sẵn sàng tiếp nhận những cái chưa biết và sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa…
Tiếp đó, đám trẻ phải có có ý thức về nếp sống văn minh, chuẩn mực chung của nhân loại, có phẩm cách và mong muốn phục vụ Tổ quốc, nhân loại và thế giới.
Ngoài việc đáp ứng những yêu cầu trên, tác giả còn cho rằng công dân toàn cầu không phải cố gắng đi tìm sự an nhàn đầy đủ vật chất, mà phải là tinh thần sẵn sàng hy sinh vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Vì thế, con cái chúng ta, ngoài đáp ứng những yêu cầu của công ty toàn cầu, tập đoàn đa quốc gia, không nhất thiết phải mơ ước định cư ở một nước phát triển nào đó. Chúng hoàn toàn có thể trở thành công dân toàn cầu ngay chính trên quê hương của mình.
Tác giả Phúc Lai. Ảnh: NVCC. |
Dạy con như xây nhà
“Bố bỉm sữa” dạy con thành “công dân toàn cầu” được chia làm ba phần chính. Phần đầu hay chương một của cuốn sách có tên “Bản thiết kế và quá trình thi công”.
Tại phần này, tác giả đưa ra một mô hình dạy con như việc xây dựng một ngôi nhà và nhấn mạnh ba yếu tố thể chất, đạo đức và tri thức.
Theo mô hình mà tác giả đưa ra, giáo dục thể chất và đạo đức là phần móng (nền tảng) và khung nhà (cốt lõi). Kiến thức hoặc tri thức là bộ phận của ngôi nhà.
Thể chất, đạo đức và tri thức là những yếu tố không thể tách rời trong một con người cân bằng, tốt đẹp và hạnh phúc. Thiếu một trong ba yếu tố đó, cuộc sống của ai cũng vậy, dễ sa vào khó khăn.
Chương hai của cuốn sách có tên “Đào móng dựng cột”, đề cập việc xây dựng cho con những nền tảng và cốt lõi vững chắc. Đó là sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo tác giả, trước khi nuôi dạy những đứa con thành đạt, chúng ta phải làm được nhiệm vụ đầu tiên đó là “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.
Do vậy, trước khi tính đến những bước phát triển về công danh, học hành, sự nghiệp, xây dựng gia đình, chúng ta phải trang bị cho con của mình 2 yếu tố thể chất và tinh thần.
Cũng trong chương này, ông đưa ra điểm cần chú ý và chương trình hành động cho quá trình chuẩn bị cho việc xây dựng những yếu tố hết sức cơ bản này.
Chương hai rưỡi và chương ba của cuốn sách có tên lần lượt là “Những chiếc cầu thang” và “Xây tường sắm đồ”.
Tại hai chương này, tác giả đề cập việc học của con cái, từ “học ăn học nói”, “học đi học đứng”, “học gói học mở”, học kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, đến con đường du học và chọn nghề.
Tác giả cho rằng không nhất thiết con phải biết mọi thứ, mà quan trọng là được rèn luyện, hoặc trang bị bằng một thái độ học tập không ngừng nghỉ.
“Bố bỉm sữa” dạy con thành “công dân toàn cầu” là quá trình “dò dẫm” của tác giả trên con đường đồng hành cùng con. Thông qua cuốn sách, ông hy vọng các phụ huynh sẽ tìm ra cho mình con đường riêng, cũng như cách tốt nhất để tiến lên trên con đường đó.