Tác giả trẻ Hoài Sa là một blogger du lịch. Với lối viết logic, chi tiết và tình cảm đặc biệt dành cho mảnh đất Hà Giang, Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì là kết quả của nhiều lần anh “ngang dọc” suốt hơn 2 năm qua.
Tập bút ký gồm 17 bài viết đưa người đọc khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa và phong cảnh thiên nhiên vùng đất Hoàng Su Phì – một huyện nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang.
Con mắt của người làm blogger du lịch không làm thất vọng người đọc khi viết về “lĩnh vực” của mình. Xuyên suốt tác phẩm, Hoài Sa như người họa sĩ ẩn danh vẽ nên khung cảnh Hoàng Su Phì – “thiên đường ruộng bậc thang” của vùng núi phía Bắc.
Những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín bung sắc vàng trên núi đồi xen giữa các đồi chè cổ thụ. Cảnh đẹp nơi đây được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2012. Ảnh: Hoàng Tuấn. |
Nhiều lần đặt chân đến Hoàng Su Phì, Hoài Sa tiếp xúc, sống và lao động cùng bà con bản địa của nhiều dân tộc Dao, Nùng, Tày… Điều này góp phần tạo nên nét ký sự cho tác phẩm, nhưng vẫn không thiếu đi dấu ấn trải nghiệm trẻ trung của một chàng trai học ở trời Tây, trở về nước và dành tình yêu cho quê hương.
Mở đầu tập bút ký, người đọc ấn tượng ngay với hình ảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, từ nguồn cội, cách cải tạo và thu hoạch đến phương thức thả cá chép xuống ruộng. Dưới ngòi bút của tác giả, nét lao động ấy hiện lên sống động và nhanh chóng chinh phục người đọc.
Hoài Sa hoàn thành đúng nhiệm vụ của một blogger du lịch trong việc đưa độc giả đến với các phong tục truyền thống như lễ Cơm mới của người Dao, Nùng; hay câu chuyện làm bánh ngày Tết từ chính những hạt gạo trên thửa ruộng bậc thang.
Cuốn sách như một serie phim tài liệu có màu với những thước phim tưởng chừng bình dị nhưng mãn nhãn người đọc, lấp ló trong câu từ là cả một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, xứng đáng với tên gọi “thiên đường ruộng bậc thang”.
Mảnh đất Hà Giang được biết tới là cái nôi của chè shan tuyết. Không để người đọc thất vọng, Hoài Sa đem đến ngạc nhiên khi dành nhiều trang ký của mình viết về những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm “ngự” trên ngọn đồi Nâm Piên.
Với những ai mê khám phá lịch sử có thể tìm đọc những chi tiết tác giả ghi chép về các ngôi mộ cổ giả của vua Hoàng Vần Thùng ở những vùng giáp biên, kèm theo đó là sự tích khó tin khi ông qua đời.
Bút ký Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì. Ảnh: Wings Books. |
Trong tập bút ký, phong cách viết của một blogger du lịch mang dấu ấn hơn cả. Cách làm du lịch được nhắc tới rất nhiều lần. Với kinh nghiệm làm nghề của mình, Hoài Sa nhận định du lịch cộng đồng là một điểm sáng của Hoàng Su Phì trong bối cảnh du lịch đại trà còn chưa tràn tới nơi đây.
Chữ “tình” cũng không vô cớ mà xuất hiện trong tiêu đề Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì. Đọc tác phẩm, độc giả cảm nhận được sự nặng tình mà người viết dành cho vùng đất này.
Chảo Yến – tác giả của câu chuyện truyền cảm hứng Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus – dành lời khen cho tập bút ký của Hoài Sa: “Từng câu chữ khiến tôi cảm nhận được rằng tác giả đã dành cho vùng đất này một tình cảm thật đặc biệt, anh không chỉ là một du khách đến với Hoàng Su Phì, cũng không đơn thuần là một nhà báo viết về Hoàng Su Phì (dù lối viết khúc chiết và logic của anh đến từ kinh nghiệm làm nghề báo), anh là người đã cần mẫn lưu giữ từng nét đẹp của Hoàng Su Phì vào câu chữ, và bằng cả trái tim”.
Trên tất cả, dù là lối viết mang phong cách báo chí hay du lịch, Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì là tác phẩm đáng đọc không chỉ cho giới “phượt” và nhiếp ảnh gia, mà còn cho độc giả đại chúng nhìn nhận và thấu hiểu rõ hơn về “thiên đường ruộng bậc thang”.