Hoài Sa (Hà Nội) là một người viết blog du lịch bằng tiếng Anh. Anh có 7 năm công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, hiện làm việc trong ngành ngoại giao. Với sở thích du lịch trải nghiệm, đặc biệt đến những nơi ít người đặt chân tới, nhất là miền núi, và du lịch văn hóa. Là cựu du học sinh Anh Quốc, anh từng viết cuốn Bốn mùa chân bước, nghìn dặm nước Anh (2018) được cộng đồng du học đón nhận.
Tuy đã tới nhiều vùng miền ở Việt Nam, nhưng ấn tượng mạnh với Hoàng Su Phì nên Hoài Sa đã dừng lại tại đây và tìm hiểu sâu hơn để viết nên cuốn sách Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì. Tác giả chia sẻ thêm về những hành trình và quá trình viết sách.
Viết từ lòng ngưỡng mộ với Hoàng Su Phì
– Hoài Sa đến với Hoàng Su Phì từ bao giờ? Điều gì đưa bạn đến mảnh đất ấy?
– Vốn là một blogger du lịch bằng tiếng Anh (địa chỉ captainessy), viết cho người nước ngoài lần đầu tới Việt Nam theo phong cách du lịch trải nghiệm, thiên nhiên, tôi thường tới những vùng rừng núi cả ba miền đất nước.
Từ lâu, tôi đã biết tới ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tuyệt đẹp và là một di sản do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Các vùng ruộng bậc thang ở Sa Pa, Lào Cai, và Mù Cang Chải, Yên Bái, tôi đều đã trải qua, nhưng vùng ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam, theo cách gọi của nhiều nhiếp ảnh gia, thì tôi chưa tới.
Phải tới năm 2018, trong một lần tới hai ruộng bậc thang ở Bản Phùng và Bản Luốc ở Hoàng Su Phì, tôi mới quyết định viết về nơi này vì lòng ngưỡng mộ với vẻ đẹp của chúng.
Sách Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoang Su Phì. Ảnh: H. S. |
– Những điều gì ở Hoàng Su Phì để lại ấn tượng đặc biệt với anh?
– Giống đa số người phương xa, ấn tượng đầu tiên của tôi hẳn là vẻ đẹp hùng vĩ, ngút ngàn của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Tiềm năng du lịch ở Hoàng Su Phì rất lớn. Nhưng càng ở lâu, tôi càng nhận ra đây là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Hơn 10 dân tộc ở đây, nhiều nhất là Nùng, Dao, Tày, H’Mông, rồi ít hơn là Kinh, La Chí, Cao Lan, Hoa… đều giữ gìn được bản sắc của họ.
Một trong những lý do của điều đó chính là đường sá cách trở, khiến cơn bão đô thị hóa, cơn bão phát triển quét qua còn chậm. Tận dụng điều này nên một số địa phương ở đây đã làm du lịch cộng đồng, theo hướng bền vững và gây tiếng vang ở Hà Giang. Tính thương mại hóa, sự bào mòn truyền thống văn hóa dân tộc chưa lớn bằng như tại Sa Pa hay Đồng Văn.
– Theo anh, đâu là điều khác biệt tạo nên điểm đặc sắc cho vùng đất này?
– Hà Giang được biết đến nhiều nhất bởi 2 điều: Là địa đầu của tổ quốc và có cao nguyên đá Đồng Văn (một bộ phận còn nhớ tới Hà Giang là chiến địa lớn trong Chiến tranh Biên giới). Sự xa lạ của cái tên như Hoàng Su Phì bản thân nó đã khiến người ta thấy khác biệt.
Tại Hà Giang, duy nhất Hoàng Su Phì là huyện có tên 3 chữ, vốn gốc tiếng Hán là Hoàng Thụ Bì, tức “vỏ cây vàng”. Nơi này thuộc về cao nguyên Bắc Hà, tách biệt với cao nguyên đá ở phía đông Hà Giang. Khi nói về đường đi ở Hà Giang, từ xưa người ta có câu: “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê”, để nói về đường đi khó tới Hoàng Su Phì, góp phần cho tính “ít người biết” của huyện.
Như đã nói, ruộng bậc thang là điều người ngoài nghe tiếng về Hoàng Su Phì. Nhưng nó sau cùng cũng là một sản phẩm của lao động, văn hóa nông nghiệp nơi đây, bên cạnh rất nhiều vẻ đẹp lao động, văn hóa khác gắn với rừng, núi. Cây lúa, chẳng hạn, có vai trò quan trọng đối với người dân Hoàng Su Phì, đi vào mọi loại lễ lạt, bởi nó “hữu linh” trong đời sống tinh thần của người dân. Điều này thể hiện trong bài viết về lễ Cơm mới của người Nùng và chuyện làm bánh dày ngày Tết của người Dao.
Tác giả Hoài Sa ở ruộng bậc thang Thông Nguyên. Ảnh: NVCC. |
Những chuyện thơ mộng của núi
– Tên sách “Chuyện tình của núi” gợi vẻ đẹp và chất thơ. Phải chăng vùng đất ấy chỉ toàn chuyện thơ mộng?
– Vùng đất ấy có rất nhiều chuyện thơ mộng. Tình yêu của đôi lứa xây dựng trên những thửa ruộng, trong những đồi chè shan tuyết… đều được biết đến nhiều ở Hoàng Su Phì. Tuy không phải là huyện giàu nhưng chính trong sự “chưa giàu” đó lại ánh lên nhiều tia sáng văn hóa, lao động rất thú vị.
Ví dụ như chuyện kể về người nghệ sĩ núi rừng biết chơi 5 nhạc cụ ở xã nghèo Tân Tiến, thường đại diện cho xã đi thi ở huyện. Hay như lễ Cấp sắc cho thiếu niên người Dao Áo dài là một dịp vui mừng của cả thôn làng.
Nhưng đương nhiên không chỉ có thế. Ở Hoàng Su Phì tôi nhận ra nhiều niềm trăn trở với nghề quê hương và sự phát triển. Điều này được ghi lại trong phần viết về chữ Nôm của người Dao, khi thế hệ trẻ giờ không còn hứng thú học loại chữ này, và nó đang ngày càng mai một. Hoặc đó còn là câu chuyện về suy tư giữa phát triển du lịch nóng và bảo tồn giá trị truyền thống.
Nói lên những điều đó không phải để chê bai hay “chỉ đường cho hươu chạy”, mà là để nhấn mạnh rằng vùng đất tươi đẹp này luôn có nhiều cách để xây dựng và phát triển cuộc sống, dựa trên những lợi thế của nó.
Phụ nữ Dao Áo dài trong ngày hội Bản Luốc. Ảnh: H. S. |
– Qua sách, tác giả đã làm gì để bạn đọc hiểu hơn về vùng đất này? Tại sao anh chọn hình thức thể hiện là “thiên truyện” mà không phải du ký?
– Sách gồm 17 bài viết tách biệt nhưng không rời rạc vì vẫn luôn xuyên suốt vẻ đẹp, điều kì thú về con người, văn hóa, nghề, phong tục, lễ hội của Hoàng Su Phì, và cả trải nghiệm trong những chuyến khám phá hai đỉnh cao của đông bắc ở Hoàng Su Phì. Chúng được sắp xếp xen kẽ để người đọc trải qua cảm giác này tới cảm giác khác liên tục.
Hơn nữa, sách được viết theo cái nhìn của người phương xa tới với Hoàng Su Phì, do đó nhắm tới những người phương xa, còn ít hiểu biết về miền tây Hà Giang này.
– Để có tư liệu viết cuốn sách này, tác giả đã có bao nhiêu chuyến đi, tiếp xúc, khám phá vùng đất, con người ra sao?
– Tác giả gói gọn nội dung sách trong 10 chuyến đi tới Hoàng Su Phì trong vòng hơn 2 năm. Phần lớn thời gian đó tác giả ở tại nhà homestay của người dân tộc bản địa rải rác các xã. Những homestay này có không khí gia đình, anh em thân thiết với khách lạ. Nhờ đó, các câu chuyện về Hoàng Su Phì như tuôn ra tự nhiên.
Nhân vật người dạy chữ Nôm Dao trong sách cũng là một chủ nhà như thế. Gần như tới đâu tìm hiểu các đề tài, tôi cũng được người bản địa nhiệt tình đón tiếp, chỉ bảo, nhất là những anh chị em người Dao Đỏ. Ở xã Bản Luốc của người Dao Áo dài, tôi ở lại nhà lãnh đạo xã, nhờ đó được hòa mình sâu sắc hơn về ngày hội du lịch xã trong mùa vàng. Những lần ra bậc thang thu lúa, lên đồi chè cùng chủ vườn hái lá shan tuyết cho cảm nhận chân thật về nghề đặc trưng của địa phương.