Ra mắt từ năm 2016, Minh đạo nhân sinh đạt danh hiệu “International Best-seller” và nằm trong danh sách bán chạy nhất do New York Times và Sunday Times bình chọn.
Hơn 230 trang sách được tác giả Michael Puett và Christine Gross-Loh đúc kết từ những tư tưởng của các hiền giả Trung Quốc từ hai nghìn năm trước.
Chúng hiển hiện từ những vấn đề đơn giản như: Làm thế nào để chúng ta có thể gắn kết với người khác, cách vượt qua những thăng trầm cuộc sống… cho đến mặt trái của việc cố gây ảnh hưởng lên người khác hay việc lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình.
Sách Minh đạo nhân sinh. |
Những nội dung triết học trên được Michael Puett giảng dạy thường xuyên tại Đại học Harvard. Tại đây, vị giáo sư yêu cầu sinh viên không chỉ đánh vật với ý tưởng của các triết gia cổ đại mà còn phải để cho những ý tưởng ấy thách thức những giả định về chính mình và về thế giới họ đang sống.
Trên thực tế, không có tư tưởng nào trong số đó bảo chúng ta phải “chấp nhận và trân trọng bản thân”, “tìm ra chính mình”, hay phải làm theo một loạt chỉ dẫn để đạt được mục tiêu cụ thể. Vì triết học thật sự chính là thứ đối chọi với kiểu tư duy đó.
Chúng không cụ thể, không ra lệnh, cũng không đao to búa lớn. Thay vào đó, chúng thay đổi từ nền tảng theo những cách không thể đoán định hay hình dung ra trước.
Đơn cử, chúng ta thường nghe rằng tự chấp nhận là chìa khóa phát triển cá nhân: Hãy yêu bản thân mình. Hãy bình an với con người của bạn trong thời điểm này. Điều này dẫn đến việc chúng ta không chỉ chấp nhận bản thân mà còn chấp nhận cả cuộc sống của mình nữa. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được sự thanh thản trong chừng mực nào đó.
Nhưng Tuân Tử – một học giả Khổng giáo sinh năm 310 trước Công nguyên, tỏ ra lo ngại về mức độ chấp nhận trên. Ông không tin rằng chúng ta nên chấp nhận bản thân như chúng ta vốn là. Thay vào đó, ông lập luận rằng, chúng ta không bao giờ nên chấp nhận một cách mãn nguyện những gì chúng ta nghĩ là thiên tính bẩm sinh đối với mình.
Bằng cách đặt nghi vấn trước những niềm tin mà chúng ta vẫn cho là hiển nhiên, hai tác giả đã vận dụng lời dạy của các triết gia vào các quan niệm sống thường ngày.
Trong cuốn Minh đạo nhân sinh, tác giả Christine Gross-Loh đã dẫn lại lời nhận xét của một sinh viên Harvard, với hàm ý thể hiện sự nhẹ nhõm khi nhận ra rằng những gì chúng ta nghĩ là vốn dĩ và đã ăn sâu một cách thâm căn cố đế trong đầu, thật ra không phải như vậy.
Các triết gia đã minh họa cho tư tưởng của mình bằng những khía cạnh thực tế trong cuộc sống hàng ngày, vì họ cho rằng đó là nơi sẽ diễn ra những thay đổi lớn.
Cuốn sách cho rằng các tư tưởng triết học cổ phương Đông có thể vượt qua “một thế giới truyền thống” và có thể liên hệ tới cuộc sống đương đại của chúng ta.
Điển hình như Khổng Tử – người thường bị đóng khung với hình ảnh là một người theo chủ nghĩa truyền thống cứng nhắc, người đã yêu cầu các môn đồ phải sống cả đời theo các quy ước xã hội, trên thực tế lại giảng dạy về những cách phá vỡ các khuôn mẫu.
Bởi theo ông, những hành vi theo khuôn mẫu và thói quen học vẹt của chúng ta mới là thứ ảnh hưởng xấu đến cuộc đời chúng ta, cản trở ta quan tâm đến người khác.
Quá trình rèn luyện của các nhà tư tưởng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử… đã khiến họ trở nên cực kỳ thực tế và cụ thể.
Đó là lý do vì sao khi đặt câu hỏi chất vấn xã hội, những triết gia này có xu hướng không tập trung ngay vào những câu hỏi trừu tượng lớn lao. Thay vào đó, họ đặt câu hỏi mang tính thực tiễn xảy ra hằng ngày, từ đó đúc kết ra những giáo lý sâu sắc.
Ngoài việc chắt lọc và đúc kết những quan điểm triết học phương Đông cổ đại, Minh đạo nhân sinh còn là một tài liệu đáng để tham khảo với những ai đang tìm hiểu cổ học tinh hoa.