Nhiều độc giả đặt câu hỏi rằng liệu ông Obama có đọc hết những cuốn sách ông giới thiệu. Ảnh: Esquire. |
Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên công bố danh sách chính thức các tác phẩm ông khuyến nghị mọi người đọc vào mùa hè năm 2009, vài tháng sau khi nhậm chức. Ông tiếp tục làm điều đó trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ngoại trừ năm 2012 và 2013 – thời điểm công chúng nghĩ rằng ông quá bận với công việc hàng ngày.
Vào năm 2017, sau khi rời nhiệm sở và chắc chắn là có thêm thời gian rảnh rỗi để đọc sách giải trí, cựu Tổng thống Mỹ cũng bắt đầu công bố danh sách những tác phẩm hay nhất trong năm, cùng các danh mục tương tự dành cho phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
Đối với một số người, các khuyến nghị của Obama rất được mong đợi. Julianne Buonocore, người sáng lập blog về sách và lối sống The Literary Lifestyle, cho biết bà và hơn 800.000 độc giả hàng tháng của mình háo hức chờ đợi danh sách sách của Obama mỗi năm.
“Thứ nhất, thật thú vị khi biết những cuốn sách mà bạn đọc đã được một cựu tổng thống cũng đọc, và thứ hai, ông ấy luôn đưa ra nhiều cách đọc đa dạng. Vì vậy bạn biết rằng mình sẽ tìm thấy thứ gì đó mới mẻ và có tác động”, Buonocore chia sẻ.
Mặc dù danh sách các tác phẩm thường được đón nhận nồng nhiệt với những người không thù ghét Barack Obama vì chính trị, không phải ai cũng tin vào tính xác thực của các đề xuất này. “Tôi không nghĩ danh sách này hoàn toàn có thật. Liệu ông ta có thực sự ngồi xuống và đọc tất cả sách rồi chọn ra cuốn sách yêu thích cho mình”, Grace Astrove, nhà viết sách và giám đốc phát triển của Magazzino Italian Art cho biết.
Tuyển tập sách thường niên của ông Obama rất được đón đợi. Ảnh: Twitter. |
Đối với những người hoài nghi như Astrove, có một câu hỏi lờ mờ về ai đã tham gia hay tác động đến các lựa chọn sách của ông Obama.
Mọi nguồn tin đều chỉ về một hướng
Khi được hỏi là có giới thiệu sách cho nhóm đề xuất sách của ông Obama hay không, nhiều chuyên gia trong ngành xuất bản nhanh chóng bác bỏ mọi sự liên quan. Carisa Hays, Phó chủ tịch của Random House Publishing Group (nhà xuất bản ra mắt tác phẩm của ông Obama), cho biết: “Những cuốn sách mà ông ấy chọn cho danh sách hàng năm đều là lựa chọn cá nhân. Ở vị thế của một nhà xuất bản, chúng tôi không tác động đến các lựa chọn này. Lựa chọn là của riêng ông ấy”.
Các nhà xuất bản khác cũng từ chối bình luận về việc liệu họ có từng giới thiệu một cuốn sách nào đó cho ông Obama hay không. Tuy nhiên, với sự gia tăng đáng kể về doanh số bán hàng và sự nổi tiếng khi được ông Obama đề cập đến, rất khó để những người có cơ hội tiếp cận với ông Obama lại không thử.
Eric Schultz, từng là cố vấn cấp cao và phó thư ký báo chí của Tổng thống Obama, cũng từng nói rằng email từ các nhà xuất bản sách “không liên quan đến nội dung ông ấy chọn đọc và chia sẻ trong danh sách của mình. Và gu đọc sách của ông Obama phản ánh những tác phẩm ông ấy cảm nhận được”.
Khi bị thúc ép, Schultz kiên quyết rằng những người nghi ngờ cựu tổng thống nhờ tới ý kiến chuyên gia bên ngoài là sai lầm. Dù thoải mái thừa nhận rằng các nhân viên đã góp phần lập kế hoạch và hỗ trợ quảng bá trên mạng xã hội, ông Schultz vẫn khẳng định rằng “các danh sách này là do ông Obama đưa ra. Những danh sách này sẽ không nổi bật hoặc thu hút được nhiều sự chú ý nếu nó không đến trực tiếp từ ông ấy”.
Theo ông Schultz, sự phong phú trong các khuyến nghị của ông Obama phản ánh bản thân ông và cộng đồng của ông. Bạn không cần The New York Times Book Review hay các chuyên gia để đưa ra đề xuất khi xung quanh bạn đã có những người thú vị nhất trên thế giới.
Như Schultz đã chỉ ra: “Là một cựu tổng thống, một trong những đặc quyền là tiếp cận với nhiều người, cộng đồng và những câu chuyện từ mọi nơi trên hành tinh, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi phương diện… Cho dù đó là những người trong lĩnh vực kinh doanh, thể thao, con gái của ông ấy hoặc những người bạn khác, đây đều là những người mà ông ấy có thể nghe về gu đọc sách của họ”.
Những đầu sách ông Obama chọn rất đa dạng cả về chủ đề lẫn tác giả và rất khác so với những cuốn sách chính trị nhàm chán được những ông già da trắng viết ra và thường nằm trên tủ đầu giường của các cựu tổng thống. Trong số 13 đầu sách được đưa vào Tuyển tập sách yêu thích của ông Obama năm 2022, có 9 tác phẩm hư cấu và 4 tác phẩm phi hư cấu, bao gồm sách của 8 phụ nữ và 8 tác giả BIPOC (cụm từ chỉ người da đen, người bản địa và người da màu). Có một cuốn tiểu thuyết về một ngôi trường lạc hậu dành cho các bà mẹ, một cuốn tiểu thuyết đồ họa về lao động và sinh tồn ở Canada, một cuộc hành trình qua lịch sử, nghi lễ và phong cảnh của miền Nam nước Mỹ và một bộ sưu tập truyện ngắn được thiết kế đẹp mắt. Có thể nói đây là một danh sách thể hiện gu thẩm mỹ không chê vào đâu được.
Trong khi một số câu lạc bộ sách đặt chỉ tiêu giới thiệu đồng đều về nhiều hạng mục để tránh phản ứng dữ dội trên Internet, ông Obama “giới thiệu sách không theo nguyên tắc nào vì chế độ đọc sách thực tế của ông ấy cũng vậy. Các cuốn sách đều phản ánh những gì ông ấy đang đọc”.
Tất cả nguồn tin trong ngành xuất bản đều đồng tình với khẳng định của Schultz. Những người có sách nằm trong tuyển tập của ông Obama cũng đầy bất ngờ. Rumaan Alam, người có cuốn tiểu thuyết Leave the World Behind nằm trong danh sách mùa hè năm 2021, cho biết đã rất bất ngờ. Alam nói: “Tôi không biết rằng cuốn sách của mình sẽ nằm trong danh sách này. Tôi đang ở bãi biển với lũ trẻ và một người bạn đã nhắn tin cho tôi rằng ‘Xin chúc mừng’. Tôi không biết anh ấy đang ám chỉ điều gì nhưng sau đó thì là một bất ngờ tuyệt vời”.
Đối với cây bút Patrick Radden Keefe của tờ New Yorker, cú sốc khi lọt vào danh sách của ông Obama không chỉ một mà đến hai lần. Radden Keefe nói: “Tôi không biết trước điều gì cả. Với Say nothing, tôi thậm chí còn không nghĩ rằng cuốn sách có thể được lựa chọn. Sau đó với Empire of Pain, tôi cho rằng nó không có cơ hội lọt vào danh sách của ông Obama vì tôi từng có Say Nothing rồi”.
Ông Obama là một người kể chuyện
Câu hỏi làm thế nào mà người đàn ông từng nắm giữ quyền lực lớn nhất hành tinh lại có thời gian để đọc Fates and Furies giữa những sự kiện lớn của thế giới như Mùa xuân Ả Rập và vụ tiêu diệt Osama bin Laden là một lý do hoàn toàn hợp lý để công chúng hoài nghi.
Vì vị trí Tổng thống Mỹ rất bận rộn. Nhưng ông Schultz nói rằng ông Obama luôn dành thời gian để đọc sách vì ông ấy thấy việc đọc là cần thiết và ưu tiên việc này trong lịch trình của mình. Schultz nói: “Ông ấy coi việc đọc là một phần của việc trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, một phần để trở thành một tổng thống tốt, một phần để trở thành một người cha tốt, một người chồng tốt và một người đàn ông tốt”.
Ông Obama đi thăm một hiệu sách tại Washington. Ảnh: Esquire/Getty. |
Ông Obama đã duy trì thói quen này trong suốt sự nghiệp của mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với nhà phê bình sách của The New York Times Michiko Kakutani về ý nghĩa của sách đối với ông, ông Obama đã chia sẻ về niềm yêu thích đọc sách từ khi còn nhỏ và đã nhận ra giá trị của việc đọc và viết ở trường đại học như một cách để xây dựng lại bản thân. Khi chuyển đến thành phố New York hồi còn là một thanh niên vào đầu những năm 1980, ông thấy rằng những cuốn sách “đã cho tôi thấy sức mạnh của ngôn từ trong việc tìm ra bạn là ai, bạn nghĩ gì, bạn tin điều gì và điều gì là quan trọng”.
Là một chính trị gia, ông Obama cũng luôn nhấn mạnh đến sức mạnh của sách trong việc gắn kết con người lại với nhau. Schultz giải thích: “Về cốt lõi, Barack Obama là một người kể chuyện và ông ấy rất coi trọng cách các tác giả và nghệ sĩ kể chuyện thông qua sách, âm nhạc, truyền hình và phim ảnh. Ông ấy đặc biệt đánh giá cao những câu chuyện phản ánh lý tưởng, hy vọng, ước mơ, thách thức và cơ hội của chúng ta.”
Dù cựu tổng thống Mỹ có nhận được sự giúp đỡ trong việc đưa ra các đề xuất của mình hay liệu ông ấy có chấp nhận lời đề nghị không thường xuyên từ các nhà xuất bản sách hay của một nhân viên cũ nào không, thì việc ông Obama khuyến khích việc đọc sách cũng đã là một thắng lợi lớn cho bất kỳ ai tin vào sức mạnh của sách trong việc đưa con người lại gần nhau.
Nguồn: https://zingnews.vn/bi-mat-ve-tuyen-tap-sach-thuong-nien-cua-ong-barack-obama-post1421220.html
You must be logged in to post a comment Login