Bán bản quyền sách trở nên khó khăn hơn trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, NXB Thế giới với lợi thế xuất bản nhiều ấn phẩm ngoại ngữ, song ngữ, vẫn nắm thế chủ động trong việc giới thiệu bản quyền sách ra nước ngoài.
Ông Phạm Trần Long – Phó giám đốc NXB Thế giới – chia sẻ góc nhìn về tình hình này.
Ông Phạm Trần Long, Phó giám đốc NXB Thế giới. Ảnh: H.T. |
Nghiên cứu thị trường xuất bản thế giới
– Ngành xuất bản Việt Nam còn rụt rè trong việc bán bản quyền sách, trong khi mua bản quyền diễn ra khá năng động. Ông đánh giá thế nào về sự chênh lệch này?
– Việc mua bản quyền diễn ra nhiều hơn vì khi chủ động trong các giao dịch đó, nghĩa là chúng ta đã tìm hiểu thị hiếu của độc giả. Còn việc bán bản quyền phụ thuộc nhiều yếu tố.
Thứ nhất, phải thực sự nghiên cứu thị trường xuất bản, văn hóa đọc của các nước mà chúng ta đang muốn bán bản quyền.
Thứ hai, nhiều quốc gia có mối quan tâm tới Việt Nam. Tuy nhiên, họ dành thời gian đọc các nguồn thông tin về đất nước ta qua báo mạng nhiều hơn. Mối quan tâm cho sách đứng sau.
Thứ ba, phải thừa nhận rằng chúng ta còn hạn chế về mặt truyền thông. Các hội sách chưa đạt nhiều kết quả khả quan trong việc giao dịch bản quyền.
Thứ tư, tiếng Việt không phải ngôn ngữ phổ biến. Đa số người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam bởi đặc thù nghề nghiệp của họ. Rất khó để tìm được lượng độc giả ổn định trên thị trường thế giới.
– Theo ông, muốn bán được bản quyền sách, yếu tố nào là quan trọng nhất?
– Chính sách từ thời mở cửa của Việt Nam phần nào thu hút bạn bè quốc tế. Nền kinh tế thị trường vực dậy sau hai cuộc chiến tranh đưa nước ta nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” với các nhà đầu tư nước ngoài. Muốn đầu tư vào Việt Nam, bạn bè quốc tế cần tìm hiểu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam qua sách, báo.
Với việc bán bản quyền, nội dung ấn phẩm là điều quyết định. Để có nội dung tốt, trước hết cần có bản thảo tốt, phù hợp, mang lại cho đối tác điều họ cần chứ không phải cứ bày ra tất cả những gì chúng ta có.
Sau khi có nội dung, cần biên soạn, biên tập đối ngoại, rồi tới việc dịch (cần lưu ý tới các yếu tố về dịch giả, thời gian, chi phí) và hiệu đính (người bản ngữ, biên tập viên làm việc với người hiệu đính để giải đáp các câu hỏi của họ).
– Dịch bệnh khiến chúng ta không thể tham gia các hội chợ sách lớn. Điều này cản trở việc giao dịch bản quyền ra sao?
– Hạn chế là thời gian lâu hơn (do giãn cách nên nhiều đơn vị nước ngoài phải làm việc tại nhà) và không thể kết hợp quảng bá trực tiếp qua các cuộc gặp gỡ mặt đối mặt.
Tuy nhiên, chức năng của NXB Thế giới là làm thông tin đối ngoại. Đó là ưu thế để đơn vị của tôi nhận được mối quan tâm nhiều hơn, cũng như có nhiều mối quan hệ hơn với các đơn vị nước ngoài.
Qua nền tảng online, việc bán bản quyền vẫn có thể diễn ra. Mới đây, chúng tôi đã bán bản quyền cho đơn vị xuất bản Malaysia một cuốn sách.
Một số ấn phẩm bán được bản quyền nhiều nhất của NXB Thế giới. Ảnh: H.T. |
Chú trọng đề tài và hình ảnh
– Qua những đầu sách bán bản quyền, ông đánh giá ngành xuất bản nước bạn quan tâm nhiều nhất chủ đề nào?
– Điều này tùy vào từng thời điểm và giai đoạn lịch sử. Theo quan sát và kinh nghiệm bán bản quyền của chúng tôi, các đối tác nước ngoài rất quan tâm chủ đề về đường lối, chính sách thông qua các văn kiện của Đảng; chiến tranh; hình ảnh Bác Hồ hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sách về văn hóa các dân tộc thiểu số; sách văn học (truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngắn, thơ).
– Giai đoạn hiện nay, chúng ta có nên giới thiệu thêm các đầu sách liên quan phòng, chống dịch bệnh, nhất là khi Việt Nam được đánh giá làm tốt công tác này?
– Đầu tư chủ lực vào các đầu sách về đề tài vẫn thường bán bản quyền và tìm thêm đề tài mới, hấp dẫn hơn, là hai việc phải đi đôi với nhau.
Ví dụ, chủ đề về ngày Tết cổ truyền bao năm vẫn luôn có sức hút đối với bạn đọc thế giới. Song, cũng cần đầu tư thêm vào các tựa sách nói về thiên nhiên hay những đề tài “nóng” như an ninh phi truyền thống về lương thực, nguồn nước…
Về chống dịch, chúng tôi đã có bản dịch chưa xuất bản (tiếng Tây Ban Nha) cho cuốn Việt Nam cuộc chiến sinh tử chống Covid. Đây là một gợi ý đề tài thú vị. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xét đến yêu tố thời điểm.
Năm ngoái, khi dịch bệnh mới bắt đầu, mọi người còn rất hoang mang, chưa biết đâu là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch. Thời điểm đó giới thiệu sách về đề tài này thì có lẽ bạn đọc sẽ quan tâm nhiều hơn.
Còn hiện tại, toàn thế giới gần như đã đồng nhất ở phương cách cuối cùng để thoát khỏi dịch bệnh, đó là tiêm chủng vaccine. Vậy nên, chủ đề kia không còn mang tính thời sự nữa mà mang tính chất lịch sử, tư liệu khoa học nhiều hơn.
– Đến thời điểm này, cuốn sách nào của đơn vị ông được bán bản quyền nhiều nhất?
– Các đối tác đến từ Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn, Cuba, Venezuela, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… là những đơn vị chúng tôi bán được bản quyền nhiều hơn cả.
Đến nay, Tuyên ngôn độc lập (bản tiếng Anh) được bán bản quyền nhiều nhất cho các NXB ở Mỹ: Bedford/St. Martin’s, Macmillan Higher Education, Macmillan Learning, W.W.Norton and Company, Inc.
Tuy nhiên, chúng tôi đặt hiệu ứng xã hội, chính trị lên hàng đầu. Hiệu quả kinh tế xếp vị trí thứ hai, bởi tìm được đối tác mua bản quyền của chúng ta đã là quý rồi.
Ví dụ với Cuba, Bangladesh,… hầu như chúng tôi cấp miễn phí bản quyền, không đòi hỏi lợi nhuận kinh tế.
– Với các đầu sách về văn hóa, lễ tết, chúng ta có nên chú trọng hơn nữa vào phần hình ảnh để tạo sự bắt mắt, thông điệp văn hóa cũng nhờ đó mà tới gần hơn với độc giả quốc tế không, thưa ông?
Đây là điều trăn trở của chúng tôi. Người trẻ trong thời đại công nghệ số có xu hướng ngại đọc những tác phẩm nhiều chữ. Trong việc tiếp nhận thông tin bằng thị giác, hình ảnh đóng vai trò tạo độ hấp dẫn.
Đôi khi, hình ảnh đẹp sẽ tạo nên ấn tượng mạnh hơn so với câu chữ, đặc biệt đối với bạn đọc trẻ tuổi, thiếu thi. Người lớn tuổi thị giác không tốt, họ cũng sẽ thích quan sát hình ảnh nhiều hơn. Để có phần hình ảnh minh họa đẹp, tôi nghĩ chúng ta cần đầu tư máy móc tốt và khâu in ấn chất lượng.