Trịnh Công Sơn được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc Việt Nam với nhiều ca khúc nổi tiếng. Cuộc đời, sự nghiệp và chuyện tình duyên của ông được tái hiện qua một số cuốn sách.
Tác phẩm về Trịnh Công Sơn của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Q.M. |
Trịnh Công Sơn và cây đàn Lyre của hoàng tử bé
Tác phẩm do Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người bạn từ thời niên thiếu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, viết. Thông qua tập sách, người đọc hiểu thêm về hình ảnh người nhạc sĩ tài danh này từ thuở ấu thơ, những tư tưởng ảnh hưởng đến quan niệm của ông, tuổi thanh niên với nghề gõ đầu trẻ ở Bảo Lộc và những năm tháng từ chiến tranh đến hòa bình.
Cuốn sách là sự tổng hợp của nhiều thể loại văn học như truyện ngắn, tản văn, hồi ký, được chia thành 3 chương: Dấu chân địa đàng, Tuổi đá buồn và Để gió cuốn đi.
Mỗi chương sách như một cuốn phim nhỏ quay chậm từng khoảnh khắc trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trong chương đầu – Dấu chân địa đàng – những ngày tháng thơ ấu và ảnh hưởng đến nhạc sĩ họ Trịnh được miêu tả chân thực và sinh động. Ở đó, âm nhạc của ông được nuôi dưỡng từ nỗi buồn, xúc cảm về một miền xa xăm, tình yêu của mẹ và cả tư tưởng Phật giáo.
Theo tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, thế giới Trịnh Công Sơn là một vòng khép kín, giống như một lâu đài bằng đá ngày xưa, tĩnh mịch trong khu rừng và bằng sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn đóng vai trò người thu nhận thông tin về kiếp người, để rồi truyền tải mọi biến cố của một đời người vào khung nhạc.
Chương 2 – Tuổi đá buồn – đưa người đọc đến quãng thời gian hoạt động âm nhạc sôi nổi của ông. Khoảng thời gian đó xuất phát từ những ngày còn đi học đến khi có những sáng tác đầu tiên cho thiếu nhi. Ở chương này, tác giả còn nêu bật những thay đổi thời đại khiến âm nhạc của ông trở thành tiếng vang giữa bối cảnh hiện sinh của chiến tranh. Thế rồi, ông tìm thấy giọng ca Khánh Ly và chọn viết tình ca mang đậm chất thơ, chất Huế.
Khi phân tích những điều đó, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường phải thừa nhận rằng âm nhạc của người bạn họ Trịnh không có những biến tấu phức tạp, mà rất đỗi chân thành, dễ cảm, dễ thấu. Điều này cũng được minh chứng trong các ca khúc Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Huyền thoại mẹ… Những thanh âm, ca từ ấy khiến người ta dành cho ông một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Việt.
Ở chương 3 – Để gió cuốn đi – tác giả ghi lại những hoài niệm, ưu tư của Trịnh Công Sơn về âm nhạc và những mối tình. “Chúng ta hài lòng khi thấy Trịnh Công Sơn đã giành được trong tay định mệnh, cái mà người nghệ sĩ nào cũng thèm muốn: Sự bất tử. Trịnh Công Sơn không có nhà cửa nguy nga, của cải vật chất và không có vợ con riêng. Nhưng Trịnh Công Sơn có một cái tên để lưu truyền cho hậu thế”, tác giả viết.
Tác phẩm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của nhiều tác giả. Ảnh: Q.M. |
Trịnh Công Sơn – Tôi là ai, là ai…
Cuốn sách tập hợp những bài viết khác nhau của nhiều tác giả về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Họ là họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nhà văn.
Phần đầu tiên – Tôi là ai – giới thiệu những bài viết của nhạc sĩ họ Trịnh với nhiều thể loại tản văn, tùy bút, thơ, truyện ngắn… Ở đó, ta thấy được những câu chuyện, cảm xúc của Trịnh Công Sơn luôn chạm vào cái hư vô của kiếp người, khiến cho ai đọc qua cũng khó lòng quên được.
Phần hai – Là ai – gồm những bài viết dưới dạng kỷ niệm, hồi ức, cảm tưởng, nghiên cứu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của nhạc sĩ Văn Cao, ca sĩ Khánh Ly hay họa sĩ Bửu Chỉ… giúp người đọc thêm hiểu về cố nhạc sĩ, những câu chuyện nhỏ xung quanh và âm nhạc của ông.
Những bài nghiên cứu về các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang nhiều góc nhìn, cảm xúc và suy tư khác nhau, góp phần làm nên bức tranh muôn màu về một nhạc sĩ tài ba của âm nhạc Việt.
Cuốn sách tập hợp những bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Dao Ảnh. Ảnh: Q.M. |
Thư tình gửi một người
Cuốn sách ra mắt nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm (1/42001-1/42011) và đến nay, nó đã được tái bản nhiều lần.
Trong phần giới thiệu tác phẩm có nội dung: “Thông qua những lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cô gái Huế có tên Ngô Vũ Dao Ánh, người đọc không chỉ tìm thấy vẻ đẹp kỳ diệu của một tình yêu huyên nhiệm mà còn hiểu được những lo âu, dằn vặt triền miên của nhạc sĩ về kiếp người, về lòng tin và những điều tốt đẹp đang bị mai một dần trong cõi nhân gian. Bên cạnh gia tài đồ sộ về âm nhạc của Trịnh Công Sơn, đây có thể được xem là một áng văn chương thật ấn tượng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông”.
Theo đó, tập sách gồm toàn bộ thư từ và hình ảnh liên quan mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi cho cô Dao Ánh. Cô cũng là nhân vật nữ trong nhiều khúc tình ca của người nhạc sĩ này trong khoảng thời gian 1964-1989. Có thể kể đến một số ca khúc như Tuổi đá buồn, Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Chiều một mình qua phố, Ru em từng ngón xuân nồng…
Do đó, thông qua tập sách này, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về con người và hoàn cảnh ra đời những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.
Trong số 300 lá thư được Dao Ánh cất giữ suốt gần nửa thế kỷ, ta dễ dàng cảm nhận được tình cảm sâu đậm mà chàng nhạc sĩ đa cảm này dành cho cô gái Huế. Trong bức thư ngày 2/9/1964, ông viết: “Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh… Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây”.
Những lá thư tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều mang câu từ nồng nàn, cảm xúc khi nhẹ nhàng, lúc lại da diết, cũng có khi chất chứa tình yêu đậm sâu của một người con trai. Nó như minh chứng cho thứ tình yêu vĩnh hằng trên cõi trần thế.