Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng tổ chức tổng tấn công ở miền Nam, đánh vào hơn 40 thị trấn và đô thị. Kết quả là Mỹ phải xuống thang chiến tranh bắn phá bằng không quân ở miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán về chấm dứt chiến tranh Việt Nam ở Paris.
Không quân Mỹ chỉ còn ném bom từ khu IV trở vào. Không khí chiến tranh ở Hà Nội lập tức dịu xuống. Trận địa pháo cao xạ 100 ly gần nhà tôi lại di chuyển, chỉ còn bãi đất không. Các quả bóng phòng không cũng được đem đi, không còn thấy trên bầu trời Hà Nội nữa.
Cuộc sống bình thường trở lại rất nhanh, dù thời sơ tán phải đến gần hai năm sau mới chấm dứt. Hà Nội yên ổn cho đến khi trở lại thời kỳ chiến tranh và sơ tán một lần nữa vào năm 1972. Tôi vẫn học ở trường cấp II Nghĩa Đô cho đến hết lớp 7. Lớp học vẫn sơ tán ở vườn nhà dân.
Năm lớp 6, chúng tôi làm lán nhờ trong khu vườn chuối cạnh đầu dốc Bưởi. Cạnh lớp là một cơ sở nuôi dạy chó nghiệp vụ của các chú công an, ngày đó chắc thuộc lực lượng biên phòng. Lúc nghỉ giữa giờ, chúng tôi hay lên mặt đường ngồi xem các chú công an huấn luyện những con chó béc-giê to tướng.
Năm lớp 7, chúng tôi lại học ở Bái Ân, lớp học quay ra một cánh đồng. Học kỳ I còn hàng ngày mang mũ rơm đến lớp, sang học kỳ II thì thường để quên ở nhà, rồi bỏ luôn. Ở khu Kim Liên, người từ khu sơ tán trở về đông hơn. Bọn bạn tôi trở về gần như đủ cả. Nhưng lúc đó trường Kim Liên, cũng như các trường học khác trong nội thành Hà Nội, vẫn chưa được mở lại.
Đám học sinh lứa chúng tôi vẫn phải ra các trường ở ngoại thành để học, nhiều nhất là ra huyện Thanh Trì cho gần nhà. Tôi đang quen học trên Bưởi, nên vẫn học ở đó, dù phải đi xa. Chúng tôi trở lại nếp sống mới rất nhanh. Đó là hàng ngày tranh thủ đi xếp hàng mua gạo, rau và các thứ thực phẩm cho gia đình. Hà Nội và cả nước khi ấy vẫn là chế độ tem phiếu mua theo định lượng.
Những thứ như thịt thì do mẹ đi mua, vì cả nhà gộp lại, mỗi tháng cũng chỉ có hơn một cân. Nhiều khi phải chọn mua mỡ để một phiếu nhân đôi. Nhịn ăn thịt để có chút mỡ xào nấu cho dễ. Những thứ như đậu phụ, mắm, dầu, củi thì đơn giản, chỉ cần xếp hàng là mua, ít phải tranh nhau.
Vất vả nhất là mua gạo, rau và cá biển bởi vì không phải lúc nào cũng có sẵn. Rau thường có vào buổi chiều, chủ yếu là rau muống bè, ngọn dài tới cả nửa mét. Khi đang chơi mà nhìn thấy xe ô tô chở rau đi qua là phải hét to gọi nhau rồi phi ra chợ xếp hàng. Rau muống mua không cần phiếu, mỗi người được mua một mớ. Mớ rau to, chịu khó nhặt cả cuộng dài và già đem chẻ nhỏ, thì ăn được hai bữa.
Chúng tôi gọi nhau để rủ cùng ra mua rau, chứ không được xếp hàng hộ. Những thứ hàng nhanh về và nhanh hết ấy chỉ có xếp bằng người chứ mọi thứ rổ rá giữ chỗ không được chấp nhận. Mua cá biển cũng vậy, vì hôm có hôm không.
Được bố mẹ giao việc thì dù mải chơi kiểu gì cũng phải mắt trước mắt sau nhìn ra đường, hoặc chơi ngay gần chợ. Chở cá thường chỉ có một xe xích lô và chủ yếu là cá hồng. Nhìn thấy xe cá là phải hét to và phi ra luôn để xếp hàng. Sau đó người nhà mới đem phiếu ra bởi bố mẹ ít khi cho chúng tôi cầm sẵn phiếu trong người.
Tem phiếu thời bao cấp. Nguồn: kienthuc. |
Có hôm tôi phi ra xếp hàng đầu tiên, thế mà cũng phải chờ sau mấy người khác mới được mua. Lý do là xe xích lô cá thường đi chậm vì nặng, phải có cô mậu dịch viên đạp xe theo cùng và cúi xuống dùng tay đẩy phụ. Lúc đến cửa hàng, mấy thanh niên khỏe hơn nhanh nhảu ra phụ giúp đẩy xe lên hè hoặc bê giúp các khay cá vào quầy. Họ được cô mậu dịch viên cho mua trước.
Mỗi người xếp hàng được mua một cân. Cá biển không có nhiều, lại toàn bất thình lình, nên hôm nào cũng có cảnh những người đến sau vừa chờ vừa ngóng, đến khi cô bán hàng thông báo chỉ còn đủ cá cho mấy người nữa thôi là đành phải giải tán, mặt ai nấy buồn rười rượi. Vất vả và lộn xộn nhất phải kể đến xếp hàng mua gạo.
Suốt thời sơ tán, dân ta phải ăn độn lương thực bằng đủ thứ như bột mì, ngô, khoai và cả sắn lát. Thời kỳ đầu ít nhất là độn 3 phần, cơm 7 phần; sau tăng dần, có lúc lên đến 7 phần độn 3 phần cơm. Dễ chịu nhất là mua được bột mì. Có lúc mậu dịch bán bột, phải mang túi vải đi đựng.
Cũng có thời gian mậu dịch đã làm sẵn thành mì sợi. Có khi lại phát bằng những cái tem lương thực loại 225 gram, mỗi chiếc tem các thêm một hào tiền công đổi được một cái bánh mì mậu dịch, ứng với một bữa ăn.
Nếu mua được bột, có thể đem đến các cơ sở gia công tư nhân, các tổ hợp tác để thuê làm mì sợi. Cũng có thể đem rán bánh xèo ăn cải thiện khi mua được ít tôm đồng, hay bí quá nặn bột đem hấp cơm làm cái bánh “nắp hầm” cũng ổn.
Sau này, đến thời ổn định năm 1970, có nhiều cơ sở gia công nhận làm bánh quy gai ở phố Huế thì ta đem bột kèm theo ít đường và trứng đến thuê làm bánh quy ăn cũng rất tuyệt. Tóm lại, mua độn được bột mì là tiện đủ đường và tuyệt nhất. Còn không, nếu mua phải đợt có ngô hoặc khoai lang thì cũng tạm ổn.
Buồn nhất là lúc chẳng có gì mà phải mua sắn lát, dù được tiêu chuẩn một ăn hai. Sắn lát ăn một hai bữa còn được, gặp mẻ đã bị chảy nhựa mà phải ăn đến mấy ngày thì chán vô cùng. Có thời gian tôi đi mua chất độn, gặp hôm có bán sắn lát không muốn mua, phải quay về để hôm sau lại ra. Có khi phải đi đi về về mấy hôm, rình rập như thế để mong mua được thứ khác không phải sắn.
Cửa hàng lương thực có gì bán nấy, chẳng ai biết trước hôm đó có gì, nên ngày nào lũ trẻ bọn tôi cũng phải nhăm nhăm dậy sớm đi xếp hàng. Phải dậy sớm từ 4, 5 giờ sáng ra cửa hàng gạo xếp hàng là chuyện thường. Có khi xếp hộ đứa khác bằng cái bị hay cái bao gạo rồi chờ nó đến nhận. Tức nhất là có ai đó đã xếp mấy hòn gạch từ tối hôm trước rồi ra nhận. Gặp cảnh như thế, chúng tôi thường hè nhau cầm quăng xa đi chỗ khác.
You must be logged in to post a comment Login