Trong cuốn Hành trình viết sách: Từ ý tưởng đến hiện thực (Tựa gốc tiếng Anh: The Book You Were Born to Write), tác giả Kelly Notaras – người có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực xuất bản, cộng tác và đồng hành với nhiều tác giả sách bán chạy; từng làm biên tập trong 5 nhà xuất bản hàng đầu như HarperCollins, Penguin USA, Hyperion Books đã đưa ra một hệ thống các hướng dẫn viết sách theo kiểu “cầm tay chỉ việc” rất rõ ràng, chi tiết. Bên cạnh đó, bà còn đưa ra những lời khuyên giúp những người đã, đang, đặc biệt là mới bắt đầu viết có thể ra đời một cuốn sách hoàn thiện.
Tác giả Kelly Notaras.Ảnh: FBNV. |
Thời gian, cam kết và mục tiêu
Theo tác giả Kelly Notaras, để viết được sách, câu trả lời đầu tiên là bạn phải dành thời gian. Đây là một phần của quá trình cam kết và đó là cách duy nhất để hành trình viết sách của bạn có một kết thúc có hậu hoặc đơn giản là một kết thúc.
Bạn cũng phải xem việc viết như thể đó là công việc của bạn. Đó là việc bạn làm hàng ngày, hoặc ít nhất là các ngày trong tuần. Cách làm này sẽ giúp bạn được luyện viết thường xuyên với một khoảng thời gian được lên lịch.
“Cam kết duy nhất là bạn ngồi xuống để làm điều đó, vào thời gian đã định, ngay cả khi bạn cảm thấy không thích hay không. Sẵn sàng làm việc đó, vào thời điểm đã định, ngay cả khi bạn cảm thấy không thích là đặc điểm xác định của một phương pháp luyện tập”, Kelly Notaras viết.
Nói về kinh nghiệm thực tế của bản thân mình, Kelly Notaras cho biết mỗi buổi bà đã dành riêng 90 phút để viết và một tuần bà dành 6 buổi cho công việc này.
“Sắp xếp thời gian viết vào lịch thực sự là cách duy nhất giúp tôi hoàn thành việc viết lách trong những ngày này. Và đó là cách tôi viết nên cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay. Tôi sẽ không họp hành gì trong 90 phút đầu tiên của ngày làm việc; trước 10h30 hoặc 11h00 sáng, tôi sẽ ngồi viết… Giữ chặt nguyên tắc khi viết là một trong những điều khó nhất thế giới… Nhưng ngay cả khi chỉ có bốn ngày (trong số sáu ngày một tuần tôi đã lên lịch) tôi giữ được trọn vẹn 90 phút thiêng liêng, thì tôi vẫn viết được nhiều hơn là không làm gì cả”, bà tâm sự.
Việc tiếp theo là bạn cần phải thiết lập số từ mục tiêu. Đây là thước đo đơn giản cho thành quả của một người trong một khoảng thời gian viết nhất định và trong toàn bộ dự án.
Tác giả khuyên đặt mục tiêu viết vài trăm từ mỗi ngày vì đây là con số dễ dàng đạt được trong nhịp sống hối hả hiện nay. Nếu duy trì được định mức đó năm ngày một tuần thì người viết sẽ có được một bản thảo nháp dài hoàn chỉnh chỉ trong khoảng sáu tháng.
Nhưng làm thế nào để xác định số lượng từ cần nhắm đến cho cuốn sách của mình? Thể loại sách sẽ quyết định điều này. Ví dụ, sách kỹ năng, phát triển bản thân và tâm linh khoảng 40.000-70.000 từ; hồi ký: 70.000-100.000 từ; sách văn học và hư cấu lịch sử: 90.000-120.000 từ; sách hư cấu theo thể loại (lãng mạn, khoa học viễn tưởng, tội phạm): 100.000-300.000 từ; sách hư cấu cho người trưởng thành hoặc thanh thiếu niên: 80.000-120.000 từ…
Tác giả khuyên người lần đầu tiên viết sách, đặc biệt là người dự định tự xuất bản, hướng tới mức thấp hơn trong khoảng trung bình của mỗi thể loại.
Lập dàn ý và tìm kiếm cảm xúc làm động lực
Để bắt đầu hành trình viết, tác giả sách khuyên chúng ta hãy lập dàn ý. Theo bà, mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước chân. Với hành trình khó khăn hàng ngày là mở máy tính và bắt đầu viết thì không còn gì đúng hơn được nữa. Đã đến lúc thể hiện cái hay của dàn ý đã lập và sử dụng nó.
Sách Hành trình viết sách. Ảnh: LH. |
“Tôi nhanh chóng phát hiện ra chìa khóa để viết hàng ngày là phải có một bàn đạp xuất phát xác định trước. Hãy lập dàn ý. Bây giờ, tôi không còn mơ đến chuyện viết được một cuốn sách mà không có điểm tham chiếu bên ngoài này… Mỗi ngày, tôi ngồi xuống và chọn chủ đề mà tôi thấy mình hiểu nhất. Nó có thể không phải là phần tôi làm dở ngày hôm qua, hoặc thậm chí không cùng một chương… Bám vào dàn ý đáng tin cậy, tôi sẽ hoàn thành công việc của mình. Không cần phải suy nghĩ hay hoảng sợ”, tác giả viết.
Lời khuyên tiếp theo của tác giả là bạn hãy đặt lệnh cấm chỉnh sửa. Theo bà hai thói quen, tự luyến và tự phê bình gay gắt, đều là những trò tiêu khiển cản trở mục tiêu viết sách. “Hãy đặt ra một lệnh cấm chỉnh sửa cho đến khi bạn viết xong bản nháp đầu tiên”, tác giả khuyên. Bản chỉnh sửa của riêng người viết và của một chuyên gia đáng tin cậy sẽ sớm đến lượt, nhưng chưa phải lúc này.
Tuyệt đối đừng nhào nặn, làm lại hoặc viết lại cho đến khi hoàn thành dàn ý và thực sự bắt tay vào viết từng phần định đưa vào cuốn sách. Có thể vẫn sẽ cần đọc lại một phần khi bắt đầu mỗi buổi viết để định hướng bản thân.
Các nhà văn thành công đang hoạt động đều biết rằng viết và chỉnh sửa là hai giai đoạn rất khác nhau trong hành trình viết sách. “Bạn sẽ không bao giờ vượt qua được giai đoạn viết nếu bạn bắt đầu chồng chéo cả hai việc này với nhau. Bản nháp đầu tiên tệ hại có ý nghĩa chính xác là thế: tệ hại. Bạn càng dành nhiều thời gian chỉnh sửa một cụm từ, bạn càng ít có khả năng hoàn thành cuốn sách”,
“Bây giờ không phải là lúc để lo lắng về việc liệu văn của mình có hay hay không. Bây giờ là lúc để tạo ra nó, là lúc để trí tưởng tượng được phát huy và để trực giác dẫn dắt”, tác giả nhận định..
Cuối cùng là tìm kiếm cảm xúc làm động lực cho việc viết. Theo Kelly Notaras, để có thể viết sách nhanh, nhiều, chất lượng, một số tác giả nổi tiếng của Mỹ như Mike Dooley có một chiến lược khá buồn cười. Trước khi bắt đầu viết, Dooley dành ra một chút thời gian để cảm nhận những cảm xúc mà mình sẽ có sau khi viết xong bài diễn văn hàng ngày.
“Ngay tại bàn viết của mình, anh ấy (Mike Dooley) gợi lên tất cả những cảm giác tốt đẹp mà anh biết rằng mình sẽ có được từ việc viết lách – và tận hưởng chúng trước. Có thể sẽ có cả một điệu nhảy ăn mừng, một tiếng rít hay một tiếng la hét nào đó. Bất cứ điều gì có thể truyền tải trải nghiệm của việc đã viết xong. Để làm gì chứ? Mike khẳng định rằng việc bước vào những cảm xúc tốt đẹp sẽ mang lại cho anh một nguồn hứng khởi tạo động lực thúc giục anh và khiến nhiệm vụ viết trong ngày trở nên thú vị”, tác giả Notaras kể.
Theo bà, hãy tập trung vào những cảm giác vật lý mà mình sẽ trải qua; hãy tưởng tượng cảm giác bồng bềnh, ấm áp, nhẹ nhàng… bất cứ điều gì sẽ xảy ra trong cơ thể sau khi đạt được mục tiêu; sau đó, ngồi xuống và thực sự viết.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login