Sách “Ăn, ngủ, sáng tạo” hướng dẫn cách “biến sự sáng tạo trở thành thói quen hàng ngày trong tổ chức”. Ảnh: Đình Ba. |
Những câu hỏi trên thiết thực với bất kỳ tổ chức nào muốn thay đổi tích cực. Với Ăn, ngủ, sáng tạo (Cách biến sự sáng tạo trở thành thói quen hàng ngày trong tổ chức của bạn) do các chuyên gia Scott D. Anthony, Paul Cobban, Natalie Painchaud, Andy Parker thực hiện, được PACE liên kết với Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, những thắc mắc trên đã có lời giải.
Tựa sách có thể khiến liên tưởng đến tác phẩm về thực dưỡng. Nhưng không, đó là cách để độc giả tiếp cận vấn đề tưởng như khô khan, nhưng uyển chuyển hơn nhiều bởi cách thực hiện của các tác giả. “Bạn ăn mỗi ngày, bạn ngủ mỗi ngày, và thế giới đang thay đổi nhanh chóng – điều đó đồng nghĩa với việc bạn nên sáng tạo và đổi mới mỗi ngày”. Đó là lý do tựa sách có cái tên biện chứng – Eat, Sleep, Innovate (Ăn, Ngủ, Sáng tạo) hướng dẫn xây dựng nền văn hóa đổi mới để thúc đẩy những hành vi dẫn tới thành công.
Đổi mới là tất yếu, tại sao khó thực hiện?
Định hình chung trong tác phẩm, là cùng khung lý thuyết mang tính dẫn đường, các dẫn chứng được đan lồng. Những minh họa được lấy từ các tập đoàn lớn ảnh hưởng toàn cầu như Amazon, Google cho đến những công ty nhỏ tận Bangladesh. Các dẫn chứng đa dạng, đó có thể là lĩnh vực tài chính như ngân hàng DBS, là công nghệ như Google, thậm chí là lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh tưởng không liên quan vấn đề được thảo luận, Nhạc viện Settlement, và Pixar Animation Studio. Điều đó cho thấy những hướng dẫn trong tác phẩm có thể áp dụng linh hoạt cho bất kỳ tổ chức nào, không phân biệt mô hình.
Ăn, Ngủ, Sáng tạo được kết cấu thành hai phần. “Phần I – Xây dựng nền móng”, tập trung vào ý tưởng xây dựng nền văn hóa đổi mới là nơi các hành vi thúc đẩy sự đổi mới thành công theo cách tự nhiên. Trong đó, BEAN được xoay trục để thực hiện, gồm những sự hỗ trợ hành vi (Behaviors Enablers), các tạo phẩm (Artifacts) và những cú hích (Nudges).
Những thách thức cơ bản được chỉ ra, điển hình là sự trì trệ các tổ chức phải đối mặt. Muốn đổi mới, không chỉ là việc của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao, mà là trách nhiệm cả tập thể. Và đừng bao giờ nhìn vào thành công của các công ty lớn, sao chép y nguyên. Đó chỉ là sự rập khuôn máy móc khi những điều kiện, thực tế của các tổ chức luôn có khác biệt đáng kể.
Đổi mới thành công bắt nguồn từ 5 hành vi: Sự tò mò; lấy khách hàng làm trung tâm; luôn hợp tác; thành thạo trong mơ hồ (thực chất là sự định lượng đúng sai, thử nghiệm không ngừng, chấp nhận rủi ro); và được trao quyền. Trường hợp Thomas Edison không chỉ là nhà phát minh vĩ đại qua hơn 1.000 bằng sáng chế, ông còn là nhà đổi mới xuất sắc với những ám ảnh trong việc tạo ra giá trị. Những thôi thúc tạo giá trị đã tạo nên nhà phát minh, đổi mới xuất sắc của nước Mỹ. “Trừ phi bạn đang đổ mồ hôi và thúc đẩy việc tạo ra giá trị, trong mắt chúng tôi, bạn vẫn chưa đổi mới”, các tác giả khẳng định.
Để vượt qua những rào cản trì trệ, hướng dẫn về “hỗ trợ hành vi”, “cú hích” được đưa ra. Qua nghiên cứu nhiều doanh nghiệp, tác phẩm chỉ ra “các giám đốc điều hành đều tin rằng đổi mới là chìa khóa thành công trong tương lai”. Nhưng để biến mong muốn thành hiện thực không phải là điều dễ dàng khi phải đối mặt với sự sợ hãi, trì trệ.
Sợ hãi bị thất bại, trì trệ của mô hình cũ – “chiến lược bóng tối” cản trở văn hóa đổi mới, sáng tạo. Muốn phá băng cần thay đổi thói quen. Dẫn chứng cho việc phá vỡ “chiến lược bóng tối” là trường hợp ngân hàng DBS tại Singapore. Từ ngân hàng bị người tiêu dùng đặt cho biệt danh mỉa mai Dam Bloody Slows (quá chậm chạp) trong giao dịch rút tiền, DBS thực hiện sự đổi mới, vượt qua trì trệ để trở thành ngân hàng kỹ thuật số tốt nhất thế giới năm 2016, ngân hàng tốt nhất thế giới năm 2019…
Một trong những trì trệ cản trở sự đổi mới, là thói quen đã thành hình từ lâu. Để thay đổi “hãy làm cho nó trở nên đơn giản nhất có thể” ngay khi bắt đầu, không phá bỏ hoàn toàn mà thay đổi, kết nối các thói quen hiện có. Vẫn với DBS, trong văn hóa đổi mới, ngân hàng này kích thích sự tò mò bằng Học bổng Gandalf.
Thay vì phát triển năng lực lãnh đạo bằng việc học trên lớp cho các nhân viên được chọn, ngân hàng dùng Học bổng Gandalf để bất kỳ nhân viên nào cũng có thể đăng ký nhận 1.000 đôla Singapore chi tiêu cho một khóa học, đọc sách hoặc hội nghị. Điều kiện là người đó phải chia sẻ hoặc dạy lại đồng nghiệp những gì họ đã khám phá được qua suất học bổng. Với cách thức này, DBS ước tính mỗi đôla chi cho học bổng tác động tích cực đến nhân viên nhiều hơn 30 lần so với cách chi thông thường.
DBS mạnh dạn đổi mới từ những trì trệ để trở thành ngân hàng tốt nhất thế giới năm 2019. Ảnh: Đình Ba. |
Những cách thức dẫn lối thành công
Trong việc xây dựng nền móng và tạo nên văn hóa đổi mới, công ty phải thực hiện cuộc đua nước rút ở giai đoạn cuối để mô hình văn hóa đổi mới lan tỏa, bén rễ trong bộ máy. Việc này thực hiện theo nhiều cấp độ, từ quy mô hẹp trong nhóm, bộ phận, phòng ban; tiến tới cấp độ mở rộng nhiều hơn. Bước cuối là lan tỏa giá trị văn hóa mới đến toàn bộ hệ thống để văn hóa đổi mới dần chiếm lĩnh hoạt động của bộ máy, thành thói quen mới.
Phần tiếp theo dành phần lớn dung lượng mở ra các cách thức, công cụ xoay quanh BEAN qua các giai đoạn từ khám phá cơ hội; lập kế hoạch cho các ý tưởng; đến đánh giá và kiểm tra ý tưởng; tiến tới tiến hành thực hiện. Lồng vào những cách thức, công cụ là những dẫn chứng từ thực tiễn của các doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện và thành công.
Khám phá cơ hội là giai đoạn đầu của hành trình tiến tới nền văn hóa đổi mới. Trường hợp công ty nông nghiệp bán hóa chất diệt cỏ cho nông dân ở Bangladesh là một ví dụ. Nhân viên tiếp thị sản phẩm không chỉ ra được lợi ích của việc dùng hóa chất diệt cỏ cho lúa tốt hơn thế nào so với việc thuê nhân công làm thủ công nông dân đang áp dụng. Nhưng cơ hội không dừng lại ở đó. Tuy người nông dân không thấy gì khác biệt về giá tiền, lợi ích quy đổi, nhưng vợ ông lại là người quản lý tài chính, đã rất vất vả khi phải chuẩn bị những suất ăn điểm tâm sáng lúc 4 giờ cho nhân công cũng như quản lý lao động. Với loại thuốc diệt cỏ mới, là khoản đầu tư lâu dài và mất ít thời gian.
Cơ hội tuy không nằm ở người nông dân, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, lại vẫn có cơ hội khác mở ra, với người vợ. Điểm này ứng với lời tiểu thuyết gia trinh thám người Anh đã phát biểu, “bàn làm việc là một nơi nguy hiểm để bạn nhìn ra thế giới”. Cơ hội không nằm trên bàn làm việc, không ở trong văn phòng, mà là sự thâm nhập, tìm kiếm trong thực tiễn. Việc khám phá, nắm bắt và tìm cơ hội trong mọi thời điểm của công việc, không bao giờ là thừa.
Trải nghiệm từ việc áp dụng tác phẩm này, Thomas Fischer, Chủ tịch của Mann+Hummel đã bày tỏ: “Với tư cách là một doanh nghiệp bị thách thức bởi sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi tiêu dùng và thị trường, chúng tôi đã tìm cách để chuyển hóa thành một tổ chức tập trung vào khách hàng hơn. Cách tiếp cận được mô tả trong Ăn, Ngủ, Sáng tạo đã cho chúng tôi những hiểu biết sâu sắc, sự tập trung và nguồn cảm hứng để tạo ra và hun đúc nên một nền văn hóa đổi mới. Một cuốn sách táo bạo và hữu ích”.
Đó chỉ là một trong nhiều cảm nhận về tác phẩm của các chuyên gia, nhà doanh nghiệp đã đọc lần mở những trang sách hữu ích này.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
You must be logged in to post a comment Login