Những chuyến xe mang tên “Ánh sáng tri thức” của tỉnh Hậu Giang đã đến nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn, mang hàng nghìn đầu sách đến với học sinh vùng nông thôn – nơi còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với sách.
Đối với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, hình ảnh ô tô lưu động “Ánh sáng tri thức” đưa sách về các vùng nông thôn đã trở nên quen thuộc. Đúng như tên gọi của nó, mỗi chuyến xe đến với các trường học mang theo những cuốn sách hay, giá trị, bổ ích và luôn được các em háo hức đón đợi.
Có mặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Vị Thanh) mới đây, chúng tôi ghi nhận không khí sôi nổi, hào hứng và sự thích thú của các em học sinh đối với xe Thư viện lưu động. Được cán bộ thư viện hướng dẫn, mỗi em tự chọn cho mình một cuốn sách ưng ý nhất rồi tập trung ngồi đọc.
“Thư viện lưu động” đưa sách đến gần với học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. |
Em Nguyễn Thị Huỳnh Như, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh chia sẻ: “Em cảm thấy rất phấn khích và vui khi xe thư viện về trường của em. Em có thể đọc được những quyển sách hay như truyện cổ tích và sách về lịch sử thời đánh giặc của ông cha ta. Em mong rằng, sắp tới xe thư viện có thể về trường em thêm nhiều lần nữa để cho em và các bạn có thể chọn những quyển sách hay để đọc”.
Tương tự, em Trần Thanh Hiền, học sinh lớp 5A bộc bạch: “Thư viện lưu động về trường, ngoài được đọc nhiều sách hay em và các bạn còn được chơi các trò chơi vui nhộn. Em thích nhất là trò chơi “Rung chuông vàng”. Qua trò chơi em nhớ thêm nhiều kiến thức trong sách mà mình đọc”.
So với mô hình thư viện truyền thống, điểm khác biệt của mô hình này là cách thức phục vụ linh hoạt, học sinh có thể đọc sách ngay tại trường trong một không gian mở cùng với các trò chơi, giúp các em phát triển sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách.
Thầy Lê Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Thời gian qua, các trường học trên địa bàn đều tổ chức hoạt động khuyến khích các em học sinh nâng cao khả năng tự đọc, tự tìm hiểu. Thông thường các em sẽ có những giờ đọc sách ở trên lớp hay ở thư viện trường nhưng được đọc sách dưới sân trường, cùng tìm hiểu những cuốn sách mới của xe ôtô thư viện, các em rất hào hứng, tham gia rất khí thế. Các trường đều mong muốn Thư viện tỉnh tiếp tục duy trì hình thức đọc, không gian đọc đa dạng qua Thư viện lưu động để góp phần thúc đẩy việc đọc sách tại các trường học”.
Mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện đã góp phần trang bị thêm kiến thức trong học tập, giải trí, kỹ năng sống, nâng cao vốn hiểu biết. Với số lượng sách phong phú, chất lượng sách tốt, hay, người đọc được tiếp cận tri thức dưới nhiều hình thức, như: Đọc truyền thống, truy cập Internet, nghe nhìn qua tivi…
Tuy mới được triển khai thực hiện nhưng những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáp ứng được nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin của mọi người dân, nhất là những vùng khó khăn, giúp họ có thể tiếp cận nguồn sách báo và công nghệ thông tin miễn phí. Trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh tổ chức 20-25 cuộc tuyên truyền xe thư viện lưu động đa phương tiện đến các địa phương, trường học trong tỉnh.
Để mỗi chuyến xe “Ánh sáng tri thức” lan tỏa niềm đam mê với sách đến đông đảo học sinh, các cán bộ thư viện tỉnh luôn đổi mới cách dẫn dắt, tìm kiếm các trò chơi vừa gần gũi, vừa sáng tạo nhằm kết nối, tạo sự thu hút đối với học sinh. Qua đó, các em yêu thích sách hơn và dần dần hình thành thói quen đọc sách mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt, nhằm phát huy hiệu quả của mô hình thư viện lưu động, nhà trường còn phối hợp với thư viện lồng ghép giữa đọc sách với các phương pháp giáo dục STEM (tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học), sau phần đọc sách sẽ có các câu hỏi đố vui, hoặc kể về câu chuyện các học sinh lĩnh hội được sau khi đọc sách…
Các em học sinh thích thú khi được đọc nhiều sách trong không gian mở tại sân trường. |
Cùng mô hình phục vụ lưu động, Thư viện tỉnh Hậu Giang còn triển khai một số mô hình khác như: Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Thiếu nhi “Chúng em yêu sách” định kỳ 2 lần/tháng với nhiều hoạt động vẽ tranh, tô màu tranh vẽ, trò chơi về sách; mô hình “Tủ sách sẻ chia”: Thành lập tủ sách từ bạn đọc tặng, để chia sẻ, bạn đọc được mang sách về nhà để nghiên cứu. Vận động các tổ chức, cá nhân tặng sách lại cho tủ sách “sẻ chia” nhằm lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng với phương châm “Hãy cho đi và nhận lại”. Mô hình “Tủ sách Bác Hồ”, “Gởi trao tri thức”, để phục vụ bạn đọc theo yêu cầu, theo địa chỉ…
Từ sự nỗ lực đó, năm qua, hệ thống thư viện công cộng tỉnh đã phục vụ gần 823.000 lượt, đạt hơn 100% kế hoạch. Trong đó, Thư viện tỉnh phục vụ hơn 160.000 lượt bạn đọc và thư viện cơ sở là hơn 662.000 lượt.
Bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: “Năm nay, tỉnh có nhiều sự kiện lớn, nên chúng tôi đã chuẩn bị để phục vụ bằng những đợt triển lãm sách tại chỗ và lưu động; phát huy những mô hình bước đầu đạt được thành công để mở rộng phạm vi phục vụ. Trước mắt sẽ có kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam vào tháng 4 tới, trong toàn hệ thống thư viện công cộng của tỉnh, đặc biệt có loạt hoạt động tạo điểm nhấn tại Thư viện tỉnh. Cùng đó là việc tổ chức tốt cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, tạo sân chơi và sự lan tỏa cho lực lượng học sinh, sinh viên trong tỉnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Trong xu hướng ngày càng ít người tìm đọc sách trực tiếp tại thư viện, việc đi tìm độc giả qua mô hình Thư viện lưu động của tỉnh Hậu Giang là cách hiệu quả để thư viện có thể phát huy vốn sách, lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng.
You must be logged in to post a comment Login