Ký ức, bi kịch, sự hối tiếc, giết người, bí ẩn gia đình, tập tục mê tín, tình dục, nhân dạng… Đó là những chủ đề trong Vùng đất quỷ tha ma bắt, những câu chuyện bị đè nén chỉ trực chờ được bung ra khi độc giả mở sách.
Trả lời phỏng vấn của Zing, tác giả Kevin Chen (Trần Tư Hoành) cho biết ông viết cuốn sách này với nguồn cảm hứng từ chính gia đình và quê hương ông. Với cuốn tiểu thuyết này, nhà văn đối mặt với chính gia đình mình, nền văn hóa của mình và đặc biệt là với “vùng đất quỷ tha ma bắt” trong tâm trí mình.
Viết sách từ sự cay nghiệt đủ độ
– Nguồn cảm hứng để ông viết nên tác phẩm này là gì, thưa ông?
– Trước hết, cho phép tôi nói qua về gia đình và quê hương tôi. Tôi sinh ra ở một vùng đất nhỏ tên là Yongjing, dịch ra đúng nghĩa đen là Eternal – Vĩnh (yong) và Peace – Tĩnh (jing). Mong mỏi có một mụn con trai, cha mẹ tôi đã thử đến 7 lần mà chưa thành. Sau 7 mụn con gái bất đắc dĩ, cuối cùng anh trai tôi và tôi cũng ra đời.
Là đứa con thứ chín trong một gia đình đông anh em như vậy, tôi luôn nhận thức được rằng gia đình mình chính là một nguồn tư liệu cho những câu chuyện lý thú. Chúng tôi rất ồn ào và kịch tính. Có quá nhiều chuyện hay ho để kể.
Nhà văn Kevin Chen. Ảnh: NVCC. |
Thế là tôi quyết định viết một cuốn tiểu thuyết dựa trên (một cách phóng khoáng) chính gia đình mình. Năm 33 tuổi, tôi bắt đầu viết nhưng mãi không xong nổi. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Chỉ đơn giản là tôi không hoàn thiện được.
Năm 43 tuổi, tôi quay lại với tập bản thảo. Lần này, tôi viết được. Tôi nhận ra rằng cuối cùng, tôi cũng đủ “cay nghiệt” để viết. Thực lòng tôi không biết cách già đi sao cho duyên. Tôi cay nghiệt hơn theo năm tháng. Mà cũng chẳng sao cả. Sự cay nghiệt ấy đã giúp tôi viết tốt, giúp tôi hoàn thành Vùng đất quỷ tha ma bắt.
Xã Vĩnh Tĩnh đóng một vai lớn trong tác phẩm này. Tôi từng cố chạy thoát khỏi vùng đất nhỏ ấy vì tôi thấy ngột ngạt; tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ quay lại nữa. Tôi chạy đến Đài Bắc để học cao học, rồi bay sang Berlin. Nhưng sau tất cả, tôi không trốn được việc về thăm nhà. Với cuốn tiểu thuyết này, tôi tự thách thức bản thân mình “về nhà”.
– Ông nói ông rời vùng quê của mình vì cảm thấy ngột ngạt. Tôi có thể mạn phép hỏi ông lý do của sự ngột ngạt đó?
– Tôi sinh ra trong một gia đình rất bảo thủ. Họ tin rằng con trai thì phải cưới vợ, phải có nhiều con để nối dõi tông đường. Việc tôi là một người đồng tính nam bị nhìn nhận như một sự phá hoại đối với gia tộc. Tôi đã chật vật suốt nhiều năm mới biết chấp nhận và yêu thương bản thân. Tôi đã luôn nghĩ rằng mình bị thiếu sót hoặc bị nguyền rủa.
– Nhân vật chính trong sách là một người thuộc cộng đồng LGBT. Đây có phải một nỗ lực làm tăng độ nhận diện cho cộng đồng này trên văn đàn?
– Viết nên một nhân vật chính thuộc cộng đồng LGBT, một nhân vật phải chịu nạn phân biệt đối xử và bị áp bức chính là một nỗ lực của tôi để làm tăng độ nhận diện cho cộng đồng LGBT trên văn đàn.
Hơn thế, tôi tạo ra nhân vật này như một cách để giải phóng bản thân khỏi cảm giác tội lỗi. Tôi tin rằng những ngôn từ tôi viết ra đã giải phóng tôi. Tôi rất vui khi biết nhiều độc giả của tôi cũng cảm thấy như vậy sau khi đọc cuốn tiểu thuyết.
Tôi tin những nhân vật mang tính đại diện như vậy sẽ làm tăng độ nhận diện cho cộng đồng của họ. Khi người ta nhìn thấy, người ta không thể phớt lờ. Tôi là người đồng tính. Tôi ở ngay đây thôi. Hãy lắng nghe câu chuyện của tôi và bạn sẽ hiểu rằng sau cùng, chúng ta đều là những con người đang vật vã như nhau. Chúng ta đều khao khát tình yêu và mong được giải thoát.
Vùng đất quỷ tha ma bắt lọt top 10 văn học quốc tế năm 2022 do Library Journal bình chọn. Ảnh: N.N. |
Mối quan hệ phức tạp với văn hóa bản địa
– Yếu tố văn hóa đóng vai trò thế nào trong cuốn sách của ông?
– Yếu tố văn hóa rất quan trọng đối với Vùng đất quỷ tha ma bắt. Câu chuyện trong cuốn sách diễn ra chỉ trong 24 giờ. Mọi chuyện xảy ra trong một ngày đặc biệt tại một vùng đất quỷ tha ma bắt ở quê tôi. Nơi tôi sinh ra, có rất nhiều tập tục, lễ nghi, nhiều mê tín dị đoan. Những yếu tố này tạo nên bầu khí quyển của cuốn sách, định hình cuốn sách.
Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện tác phẩm này có thể được dịch ra tiếng nước ngoài, nên khi viết, tôi tập trung hoàn toàn vào văn hóa bản địa, nền văn hóa thân thuộc với tôi.
Đến khi tác phẩm bắt đầu gặt hái thành công trên thị trường quốc tế, tôi bắt đầu suy nghĩ về khả năng vượt biên của những yếu tố văn hóa này.
Năm ngoái, sau khi bản dịch tiếng Anh được ra mắt, tôi đến New York và Washington để quảng bá, dự tọa đàm giao lưu và lập tức nhận được những phản hồi từ độc giả Mỹ. Tôi nhận ra yếu tố văn hóa không hề cản trở độc giả đọc sách mà thực ra, chúng mở cửa cho độc giả hiểu hơn về thế giới.
– Đọc sách ông, tôi cảm giác ông có một mối quan hệ yêu-ghét bất phân đối với nền văn hóa nơi quê nhà.
– Chắc chắn đấy là một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét. Tôi thừa nhận.
– Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông có cảm thấy ông đã hòa giải được với nền văn hóa ấy không?
– Tiểu thuyết là một nền tảng tuyệt vời để tôi bộc lộ cơn giận của mình và, tất nhiên, cả tình yêu nữa. Liệu tôi đã làm hòa với nền văn hóa ấy chưa? Thực lòng tôi không mong cầu điều đó.
Hòa giải nghe có vẻ như là một giải pháp tốt cho mọi vấn đề. Nhưng tôi không thực sự nghĩ thế. Tôi tin chúng ta cần đối chấp quá khứ. Chính sự đối chấp, chứ không phải hòa giải, là điểm then chốt khiến cho cuốn sách thú vị.
– Ông mong truyền tải thông điệp gì qua tác phẩm này?
– Tôi thực lòng không nghĩ đến khía cạnh thông điệp khi sáng tác. Vài ngày sau khi sách được xuất bản, tôi bắt đầu nhận được những phản hồi rất xúc động từ độc giả. Tôi rất ngỡ ngàng. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhận được email từ độc giả. Họ kể tôi nghe cuốn sách đã tác động họ như thế nào. Họ đã khóc rồi lại cười. Và sau những giọt nước mắt, họ cảm thấy dường như thanh thản hơn.
Tôi muốn khuyến khích độc giả tự chìm đắm vào con chữ và diễn giải câu chuyện theo cách riêng của họ. Đó vừa là vùng đất quỷ tha ma bắt của tôi, vừa là của mọi bạn đọc.
Kevin Chen
Sự thật là tôi chỉ muốn kể một câu chuyện hay. Tôi luôn cố thiết lập một mối liên hệ với chính ngòi bút của mình. Tôi cố không rao giảng đạo lý hay cố truyền tải một thông điệp vĩ mô nào. Tôi muốn khuyến khích độc giả tự chìm đắm vào con chữ và diễn giải câu chuyện theo cách riêng của họ. Đó vừa là vùng đất quỷ tha ma bắt của tôi, vừa là của mọi bạn đọc.
– Ông muốn gửi gắm điều gì tới bạn đọc Việt?
– Ở thành phố Berlin, nơi tôi sống, cộng đồng người Việt là cộng đồng người châu Á lớn nhất. Tôi thực lòng say mê ẩm thực Việt Nam và luôn muốn đến thăm Việt Nam để thưởng thức các món ăn gốc tại địa phương. Nói cho cùng, ẩm thực là một điểm xuất phát tuyệt vời để dấn thân vào một nền văn hóa. Tôi cũng muốn thử nghe nhạc, đọc sách, xem phim và học một vài câu tiếng Việt.
Thực ra tôi đã lên kế hoạch đến thăm Việt Nam nhưng mà đại dịch Covid-19 ập đến và tôi phải hủy chuyến đi ấy.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuốn tiểu thuyết của tôi lại được đặt chân đến Việt Nam trước tôi. Tôi không biết tí tiếng Việt nào, nên tôi phải dựa vào những công cụ dịch ngớ ngẩn trên mạng để đọc những gì độc giả Việt Nam viết về cuốn sách. Cho đến giờ thì tôi nhận được toàn đánh giá tích cực. Tôi rất biết ơn.
– Ông có kế hoạch đến thăm Việt Nam trong thời gian tới không?
– Có chứ. Thực ra, tôi đang tính hè này sẽ đến Viêt Nam đây. Dù vậy, tôi vẫn đang đợi một vài email để sắp xếp lịch trình cho thuận tiện. Một khi lịch trình mùa hè đã chốt, tôi sẽ bắt đầu tìm đặt vé máy bay. Tôi rất ngóng đợi đến ngày tôi được chụp một bức ảnh với cuốn tiểu thuyết của mình ở Việt Nam.
– Theo ông, độc giả Việt Nam có thể gặp phải rào cản văn hóa nào khi tiếp cận tác phẩm không?
– Tôi tin chắc rằng sẽ có những rào cản văn hóa nhất định. Nhưng bản thân tôi không ngại những rào cản. Rào cản tồn tại để gây trở ngại nhưng cũng để thôi thúc chúng ta “nhảy vọt” qua nó. Tôi tin rằng bản thân việc đọc sách đã là một hoạt động đòi hỏi độc giả vượt qua nhiều trở ngại.
Chúng ta chớ nên dừng lại khi nhìn thấy một ngọn núi. Hãy tìm cách leo lên hoặc đi vòng.
Hơn thế, tôi tin rằng chúng ta ai cũng có một (hoặc nhiều) “vùng đất quỷ tha ma bắt” trong tâm trí mình, bất kể chúng ta đến từ đâu. Đó có thể là quê hương, một cuộc hôn nhân tồi tệ, một mối quan hệ độc hại hoặc một không gian hẹp. Tất cả chúng ta đều khao khát một nơi tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều có nhu cầu chạy trốn. Khát vọng đó sẽ là sức mạnh phá bỏ các rào cản văn hóa.
Tác giả Kevin Chen (Trần Tư Hoành) sinh năm 1976 là một nhà văn, dịch giả, diễn viên sinh ra trên đảo Đài Loan. Ông hiện làm cho tạp chí Performing Arts Reviews (Đánh giá Nghệ thuật Biểu diễn) tại Đức.
Trong sự nghiệp viết văn, ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, đoạt nhiều giải thưởng như Giải nhất hạng mục truyện ngắn của Giải văn học Lâm Vinh Tam, Giải tiểu thuyết của năm Cửu Ca…
Với cuốn tiểu thuyết Vùng đất quỷ tha ma bắt, Kevin Chen đoạt được 2 giải thưởng văn học danh giá của Đài Loan là giải Kim Điển (Viện Văn học) và giải Kim Đỉnh (cơ quan văn hóa). Sau khi được dịch và giới thiệu sang Mỹ, cuốn sách lọt top 10 văn học quốc tế năm 2022 do Library Journal bình chọn.
You must be logged in to post a comment Login