Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố của tác giả Lê Hy Tùng (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) công bố bản dịch (do cố Đại tá, nhà văn Lê Kim thực hiện) những bức thư tay bằng tiếng Pháp của hoàng hậu Nam Phương (73 bức).
Những bức thư này góp phần soi rọi chân dung của Nam Phương hoàng hậu và cựu hoàng Bảo Đại khi tiết lộ thông tin ít biết về đời sống cá nhân, tâm tư, tình cảm, cũng như mối quan hệ giữa cựu hoàng và bà Nam Phương kể từ thời điểm ông sống ở Hong Kong, Trung Quốc cho đến tháng 3/1954. Ngoài ra những bức thư này còn tiết lộ một phần nào đó những sở thích của Nam Phương hoàng hậu.
Hoàng hậu Nam Phương và một bức thư gửi cho cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh: Tư liệu trong sách. |
Luôn nhớ về những món ăn dân dã quê nhà
Năm 1947, bà Nam Phương đưa các con sang Pháp định cư và sống những năm tháng còn lại trên đất khách. Sống ở nơi đất khách quê người, xa cách cựu hoàng nhiều năm và phải gánh vác nhiều việc khác của chồng, Nam Phương không ít lần bày tỏ nỗi niềm về cuộc sống có phần lặng lẽ, đơn điệu của mình.
“Bản thân em luôn như sống đáy vực thẳm của sự hoang mang. Em không sao tìm lại được niềm tin và hy vọng nữa”. (Thư ngày 13/5/1949). “Em chẳng còn gì để kể với Mình cuộc sống quá đơn điệu của bản thân em nữa”. (Thư ngày 16/6/1949).
Một số bức thư còn cho thấy Nam Phương hầu như lúc nào cũng có tâm trạng buồn: “Em không muốn để các nghệ sĩ chụp ảnh chân dung, vì nhiều người cho rằng khuôn mặt sẽ thiếu gợi cảm. Nhưng, nếu những nếp nhăn luôn biểu lộ sự buồn rầu khi nhìn thấy thì đâu phải lỗi tại em?”. (Thư ngày 4/7/1949).
“Mình đừng ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng em không viết thư cho mình. Em muốn được như một con thú rừng bị thương đang chui vào đáy hang để lặng lẽ đau đớn một mình. (Thư ngày 20/9/1949).
Một số bức còn cho biết tâm trạng của Nam Phương và các con khi không có cựu hoàng ở bên cạnh vào những dịp quan trọng: “Em rất buồn vì Mình không thể về với em và các con nhân dịp lễ Giáng sinh. Em dự định sẽ tổ chức một bữa tiệc Noel thật đầm ấm cho mình. Than ôi! Một lần nữa em lại phải đơn độc dẫn các con đi dự lễ đón Chúa Hài đồng và gửi tất cả mọi cầu mong dưới chân chúa”. (Thư ngày 19/12/1949).
Mặc dù cuộc sống có phần lặng lẽ, Nam Phương vẫn cố gắng duy trì nếp sống mang văn hóa truyền thống, từ giáo dục con cái, đến sinh hoạt thường nhật. Trong các bức thư gửi cho cựu hoàng, dù chỉ là những chi tiết phụ, hầu hết nằm ở cuối thư hoặc ở phần tái bút, nhưng cho thấy bà luôn nhớ về những món ăn dân dã nơi quê nhà.
“Burer vừa mang đến em hai chục trái măng cụt. Em nghĩ là do mẫu hậu đã truyền lệnh gửi quà cho em. Xin đa tạ!”. (Thư ngày 13/5/1949).
“Khi nào thuận tiện mình nhớ gửi cho em một tá đũa bằng tre dùng khi có việc ở Cannes”. (Thư ngày 6/11/1949).
“Mình nhớ gửi vài chai nước mắm và gạo sang đây cho em bằng đường tàu biển từ Sài Gòn”. (Thư ngày 6/2/1950).
“Bính đã chuyển tới em nấm và gạo của bà Hữu ở Paris gửi biếu. Có cả nem và lạp xường và em thưởng thức ngay trong sáng nay”. (Thư ngày 13/12/1950).
“Ngày hôm kia vợ chồng ông Hữu và các con đến nhà mình ăn cơm. […] Họ mang đến cho em bánh Trung thu, nước mắm của mẫu hậu nhờ chuyển và cả chả lụa nữa”. (Thư ngày 1/9/1949).
Điều đặc biệt hầu hết thực phẩm (quà quê hương) bà Nam Phương đều viết bằng tiếng Việt, chẳng hạn như bánh tráng khoai và bánh hỏi phơi khô, nước mắm, bánh Trung Thu, chả lụa.
Không chỉ luôn nhớ về những món ăn dân dã nơi quê nhà, Nam Phương còn dạy con nấu cơm và biết yêu thích các món ăn này. Trong thư viết ngày 3/7/1949 gửi cựu hoàng, bà viết: “Nếu Mình xuống Sài Gòn, xin Mình nói giúp với bà Hữu đặt cho em ít bánh tráng khoai và bánh hỏi phơi khô vì các con thích những thứ này lắm.
Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố và quyển album chứa thư gốc. Ảnh: Q.M. |
Quan tâm việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con
Bên cạnh những món ăn dân dã nơi quê nhà, Nam Phương còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho các con. Trong thư gửi cho cựu hoàng ngày 20/7/1949, bà đã đề nghị Bảo Đại tìm gia sư cho con mình.
“Bino rất muốn học lại chữ Nho và tiếng dân tộc của chúng ta để khỏi quên hoàn toàn. Ngài thấy có nên hỏi thầy dòng Dorithée – Xavier Giám đốc trường Dòng Adran ở Đà Lạt giới thiệu một người nào đó giảng dạy cho con hay không” (Thư ngày 27/6/1949).
“Em đang chờ đợi các gia sư do Mình giới thiệu. Em rất muốn họ ở đây ngay trong nhà mình”. (Thư ngày 20/7/1949).
Trong thư ngày 19/10/1952, bà cũng than phiền với cựu hoàng về tình hình dạy tiếng Việt không được đều đặn. Bà cũng mong tìm được người phụ đạo tiếng Việt cho con mình “phải có kiến thức văn hóa như Trần Trọng Kim vậy để giảng dạy cho nó về nền văn hóa Việt và có thể đi ra ngoài phố mà không bị sự khinh rẻ của đồng hương”. (Thư ngày 5/12/1953).
Không chỉ luôn nhớ những món ăn dân dã quê hương, hướng con học tiếng Việt và văn hóa truyền thống, Nam Phương còn rất muốn khôi phục tủ sách Việt ngữ trong gia đình.
Trong thư ngày 1/11/1951 gửi cựu Hoàng Bảo Đại, bà viết: “Mình đã làm em vô cùng sung sướng khi giao Long khôi phục lại tủ sách Việt ngữ cho em, gồm cả thơ, tiểu thuyết, truyện sử… và tất cả những cuốn sách em có trong cung An Định đã bị những kẻ hầu hạ Mẫu hậu lấy hết rồi. Em hoài vọng về nền văn học của nước nhà. Xin Mình hãy giúp em mua lại những tủ sách của các quan chức thuộc địa cũ nhằm khôi phục lại bộ sách của em bao gồm tất cả các sách nói về Đông Dương”.
Qua chi tiết trên có thể thấy Nam Phương rất ham thích đọc sách để làm giàu kiến thức của mình. Có một chi tiết lý thú là chính nhờ đọc nhiều sách mà bà còn phát hiện ra cả những chỗ sai trong sách giáo khoa của con.
“Xin Mình hãy bảo Đệ kể chuyện em vớ được một cuốn sách giáo khoa khi vào một hiệu sách ở Paris mua vở viết cho các con. Đó là cuốn Thế giới toàn cảnh của tác giả Renaud de Jouvenel do nhà xuất bản ở địa chỉ 33 André des Arts, quận 6, Paris ấn hành ngày 15.6.1949 tại xí nghiệp in Chaise số 20 Bergère, Paris. Hãy đọc trang 240 viết về Nam Kỳ, và điều đó được giảng dạy trong một số trường học công. Em rất bực mình và đã gửi thông báo cho Đệ để ông ta làm văn bản kháng nghị lên Bộ Các nước liên kết đòi rút tài liệu này ra khỏi các trường học”. (Thư ngày 18/01/1952).
You must be logged in to post a comment Login