Các chuyên gia dự báo AI sẽ trở thành siêu trí tuệ. Nguồn: economictimes. |
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI) đã đạt được những thành tựu nổi bật và ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định AI cũng có những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Quan trọng là con người kiểm soát AI như thế nào.
Những cuốn sách sau đây không chỉ phân tích và làm rõ những khía cạnh khác nhau của AI, mà còn đưa ra dự báo về tương lai cũng như tác động của chúng lên đời sống con người.
Siêu trí tuệ
Não bộ của con người sở hữu nhiều năng lực mạnh mẽ mà các loài động vật khác không có được, và những năng lực này đã đưa chúng ta lên vị trí độc tôn.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển theo cấp số nhân của khoa học công nghệ, nhiều câu hỏi về trí thông minh nhân tạo được đặt ra: Liệu một ngày nào đó, AI sẽ giúp máy móc sẽ sở hữu bộ não ngang tầm, hay thậm chí là mạnh mẽ hơn chúng ta?
Cuộc sống sẽ bị chi phối bởi trí tuệ máy, giống cách mà chúng ta đang chi phối các loài khác không? Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được “sự bùng nổ trí tuệ” đó?
Trong cuốn Siêu Trí tuệ, tác giả Nick Bostrom dẫn dắt chúng ta đến gần hơn với đáp án cho câu hỏi này.
Theo tác giả sách, hiện tại, trí tuệ của máy móc vẫn còn thua xa con người, nhưng một ngày nào đó, chúng sẽ phát triển thành siêu trí tuệ, theo những cách thức sau đây: Trí tuệ nhân tạo (chế tạo một hệ thống lấy học máy làm nền tảng và nhắm đến mục tiêu đạt được trí tuệ tổng thể); Giả lập hoàn chỉnh não bộ (tạo ra phần mềm thông minh bằng cách quét và lập mô hình cấu trúc tính toán của não bộ sinh học); Nhận thức sinh học (tăng cường chức năng của bộ não sinh học); Giao diện người-máy (cấy ghép nhằm tạo ra sự kết nối và trao đổi thông tin giữa người và máy); Các mạng lưới và tổ chức (tăng cường từng bước mạng lưới kết nối trí não của nhiều cá nhân đơn lẻ với nhau và với các dạng máy móc hỗ trợ).
Khi siêu trí tuệ ở một dạng thức nào đó xuất hiện, chúng ta có thể nói về một sự bùng nổ trí tuệ, nghĩa là một loạt sự phát triển mạnh mẽ trên diện rộng của trí tuệ máy trong một thời gian ngắn.
10 bài học ngắn về AI và robot
Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới mà máy tính đang thống trị thế giới. Dữ liệu tràn ngập trong mọi thứ chúng ta làm. Robot sản xuất và chế tạo sản phẩm trong nhà máy. Nhà cửa được vi tính hóa; ta có thể nói chuyện với các trợ lý ảo và nhận lại được những câu trả lời chi tiết, rõ ràng. Ở hậu trường, AI đang vận hành mọi thứ. Trí tuệ nhân tạo giờ đây không chỉ là xu hướng chủ đạo mà còn được coi là một trong những thành tựu công nghệ quan trọng bậc nhất từng được tạo ra.
Sách 10 bài học ngắn về AI và robot sẽ diễn giải cho người đọc về sự ra đời, cách thức hoạt động và ý nghĩa của AI. Tác giả không cung cấp mô tả kỹ thuật chi tiết, không giải thích từng kỹ thuật AI đơn lẻ và cũng không liệt kê các nhà tiên phong về AI.
Với cuốn sách này, độc giả sẽ bắt đầu một hành trình ngắn qua thế giới của máy tính, robot và mô phỏng não bộ.
Hành trình này đôi khi giống một chuyến tàu lượn siêu tốc, vì AI cũng có những bước thăng trầm. Nó đã trải qua một cuộc đời dài đáng kinh ngạc và phải chịu đựng nỗi thất vọng cũng như sự phấn khích mà thành công mang lại. Nó được tạo ra để khiến thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn, nhưng trong một số trường hợp, nó chịu trách nhiệm cho một số vấn đề cơ bản.
Life 3.0
Nội dung chính của Life 3.0 bàn về Trí tuệ nhân tạo và những ảnh hưởng của nó tới đời sống con người. AI là lĩnh vực đang ngày càng phát triển và tiềm năng, đích đến, hay kết quả cuối cùng của quá trình này hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Nội dung cuốn sách được chia thành 3 phần chính:
Tiến trình phát triển của công nghệ và những dự đoán của tác giả về tương lai công nghệ: công nghệ trong những năm tới sẽ có kết cục đáng lạc quan hay hoài nghi? Những hiểu lầm thường gặp khi chúng ta nghĩ về AI là gì?
Những ảnh hưởng của công nghệ trong tương lai đối với nhiều mặt trong cuộc sống con người: việc làm, giao thông vận tải, truyền thông, pháp luật, chiến tranh, tội phạm, khả năng khai thác năng lượng, AI hay con người làm chủ…
Một số khía cạnh khoa học hiện còn gây tranh cãi khi bàn về đặc điểm của trí tuệ nhân tạo (AI có mục tiêu hay ý thức không?), việc sử dụng tài nguyên vũ trụ, cái kết của vũ trụ…
Qua những phân tích, tác giả cũng nhấn mạnh: AI là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của thời đại, cần được quan tâm và đầu tư nghiên cứu cũng như sự đồng lòng của giới khoa học, để những kết quả của AI có ích cho nhân loại. Đi kèm đó là câu chuyện về những gì mà chính tác giả và những người ủng hộ đã và đang làm để góp phần xây dựng cộng đồng nghiên cứu “AI có ích” đó.
Độc giả sẽ được đi từ những phân tích dễ hình dung về các viễn cảnh khả thi trong tương lai đến những kiến thức sâu hơn về trí tuệ nhân tạo; từ đó có cái nhìn của riêng mình về tương lai nhân loại và những gì bản thân có thể làm để góp phần đảm bảo đó là một tương lai tốt đẹp.
Năm 2062 – thời đại trí thông minh nhân tạo.
Năm 2062 – thời đại trí thông minh nhân tạo của, Toby Walsh đã xem xét tác động của trí thông minh nhân tạo đến xã hội loài người ở nhiều phương diện, từ việc làm, kinh tế cho đến chiến tranh, chính trị, cuộc sống hàng ngày và thậm chí cả cái chết của con người. Đồng thời, sách giải đáp những câu hỏi như: Tự động hóa có lấy đi công việc của người lao động không? Robot sẽ có ý thức và lên nắm quyền trong mọi lĩnh vực?…
You must be logged in to post a comment Login