Một số bộ sách tranh nước ngoài ấn tượng được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam thời gian qua. |
“Khiêm tốn nhưng quá đỗi lôi cuốn”
Ở một ngôi làng ven biển,Nếu em là đêm và Một là đã nhiều là bộ 3 cuốn sách tranh của tác giả thiếu nhi gốc Việt – Văn Thị Mượn – vừa được Crabit Kidbooks và Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Tên tuổi tác giả còn khá xa lạ với độc giả Việt nhưng tại Mỹ, Văn Thị Mượn đã phát hành nhiều tựa sách tranh và được trao nhiều giải thưởng về văn học thiếu nhi.
Tờ New York Times từng nhận định Ở một ngôi làng ven biển là “một bộ sách tranh khiêm tốn nhưng quá đỗi lôi cuốn”. Tác phẩm này còn gây bất ngờ với cách kể kiệm lời, thay vào đó là tranh minh họa truyền tải cảm xúc và dẫn dắt câu chuyện giàu mỹ cảm.
“Ở một ngôi làng ven biển lấy cảm hứng từ cha tôi và làng chài An Bằng, miền Trung Việt Nam. Chiến tranh cắt ngang cuộc đời chài lưới của cha, sau khi tới Mỹ, ông trở lại với nghề cũ, đánh cá và câu tôm. Cha tôi lênh đênh trên biển, mẹ tôi gồng gánh việc nhà khó nhọc và nuôi dạy 9 người con. Cũng như gia đình trong cuốn sách, người ở nhà thường lo âu không biết cha đang ở đâu, có bắt được nhiều tôm, cá và khi nào cha sẽ về nhà, có mạnh khỏe hay không”, từ Berkeley (Mỹ), tác giả chia sẻ.
“Trong căn nhà nhỏ, một gia đình đang ngóng đợi”, “Trong căn nhà, cao trên những con sóng, một chái bếp”, “Bên thiếu phụ, bé mơ màng, miệng ngáp tròn, ngọ nguậy…”. 2 trang sách tranh chỉ có 1 câu văn như vậy, nhưng toàn bộ cuộc sống của 1 gia đình làng chài, của ký ức ly hương, của thiên nhiên và con người… đều được truyền tải đến người đọc.
Tranh trở thành linh hồn cho sách với điểm tựa là những câu văn ngắn gọn, súc tích nhưng cấu trúc chặt chẽ, ngôn từ chắt lọc và cũng rất giàu nhạc tính. Bộ tranh do họa sĩ April Chu minh họa. Nhờ cách làm sách tranh rất mới, Ở một ngôi làng ven biển từng tạo tiếng vang trên thị trường sách tranh ở Mỹ thời điểm ra đời.
Tác giả bày tỏ trong những quyển sách tranh từng đọc, cô đã tìm thấy sự giao thoa tuyệt đẹp giữa nghệ thuật, thơ ca và cả sự hài hước. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của cô. Với Nếu em là đêm (tranh: Kelly Pousette) và Một đã là nhiều (tranh: Pierre Pratt) cũng thế.
Dù chọn đưa vào sách những đề tài gần gũi với trẻ nhỏ về gia đình, thiên nhiên, loài vật nhưng cách kể mới mẻ còn cho người đọc khám phá nhiều hơn, khơi gợi trí tưởng tượng nhiều hơn. Các tác phẩm nhờ thế mà có sức hấp dẫn kỳ lạ, thu hút bạn đọc và đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Một thế giới trong trẻo
Khi tranh không chỉ góp phần minh họa mà đóng vai trò quan trọng song song, thậm chí có phần trội hơn cả lời kể, những bộ sách tranh đã trở nên ấn tượng đặc biệt. Trong số những bộ sách tranh được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam thời gian qua, Miền dâu dại là 1 tác phẩm như vậy.
Tác giả Jill Barklem đồng thời cũng là họa sĩ nên phần lời và tranh được kết hợp trong cùng một thi cảm sáng tác. Miền dâu dại vẽ nên bức tranh đồng quê nước Anh tuyệt đẹp suốt 4 mùa, với các tập: Chuyện khi xuân sang, Chuyện khi hạ tới, Chuyện khi thu đến và Chuyện khi đông về.
Thông qua câu chuyện về cộng đồng chuột sống chan hòa với nhau, Miền dâu dại kể về thiên nhiên, tình cảm gia đình, làng xóm cùng tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau của cộng đồng. Câu chuyện dễ thương, nhân văn cùng với những bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt, lễ hội được vẽ bằng gam màu tươi sáng, trong trẻo, tinh tế, ấn tượng. Nâu Nâu thị thành, Xanh Xanh đồng quê (tác giả: Mo Willems, minh họa: Jon J Muth, dịch giả: Hoài Anh) từng được trao giải thưởng Sách quốc gia 2021) cho thấy rõ “sức mạnh” của tranh.
Câu chuyện kể về tình bạn thuần khiết của chú chó thị thành và một chú ếch ở đồng quê. Nâu Nâu thị thành, Xanh Xanh đồng quê truyền tải thông điệp về tình bạn, sự chia sẻ và khả năng, sức mạnh riêng của mỗi loài, mỗi cá nhân. Với phần lời đơn giản nhưng phần tranh dễ thương, cuốn sách đã ghi dấu ấn vượt trội hơn nhiều tựa/bộ sách tranh phát hành cùng thời điểm.
Một số tác phẩm sách tranh nước ngoài ấn tượng được phát hành tại Việt Nam thời gian qua còn có: Dì Rumphius (tác giả – minh họa: Barbara Cooney), Người bán hạnh phúc (lời: Davide Calì, tranh: Marco Somà, Crabit Kidbooks và Nhà xuất bản Hà Nội); Những người bạn (lời: Aihara Hiroyuki, họa sĩ: Đốm Đốm, Nhà xuất bản Kim Đồng)…
Ngược lại, trong nước cũng đã có những bộ sách tranh đặc sắc: Những nàng công chúa bí ẩn (Bích Khoa), Hành trình đầu tiên (Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên), Câu chuyện dòng sông (Thủy Nguyên), Chang hoang dã (lời: Trang Nguyễn, tranh: Jeet Zdũng, đã bán bản quyền cho nhiều quốc gia, Nhà xuất bản Kim Đồng); Đủng đỉnh trăng đi (lời: Chiều Xuân – Líu Lo, họa sĩ: Hân Phạm, Lionbooks và Nhà xuất bản Dân Trí, đã bán bản quyền sang Đức)…
Theo chia sẻ của nhiều nhà làm sách, sách tranh luôn là lựa chọn ưu tiên của nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài khi mua bản quyền sách thiếu nhi các nước. Khác với truyện tranh (comic) và sách có minh họa, sách tranh là thể loại mà nội dung lẫn phần tranh đều chiếm vị trí ngang nhau trong tác phẩm, họa sĩ có thể đóng vai trò là người đồng sáng tạo. Sách tranh Việt Nam chỉ mới tiệm cận với xu hướng chung của thế giới vài năm gần đây.
Thể loại này hiện được nhiều đơn vị đầu tư chăm chút, dần dần tạo được dấu ấn. Hy vọng rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều dự án sách tranh “made in Vietnam” được ra đời và bước ra thế giới trên con đường đầy tiềm năng và nhiều tín hiệu lạc quan này.
You must be logged in to post a comment Login