Một trích đoạn tranh của họa sĩ Marco Battaglini. Ảnh: Mixed Media Painting. |
Khi Darwin mô tả hiện tượng tiến hóa sinh học trong cuốn sách Nguồn gốc các loài của ông, đa số các bằng chứng của ông được rút ra từ các đặc điểm giải phẫu. Ông cho rằng hầu hết cấu trúc của động vật và thực vật đều tiến hóa và chúng có xu hướng biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông cũng cho rằng động lực chính đằng sau sự thay đổi trong quá trình tiến hóa chính là chọn lọc tự nhiên.
Darwin sử dụng thuật ngữ này để ám chỉ rằng các loài thực vật và động vật có những đặc điểm thích nghi khác nhau về giải phẫu; một số đặc điểm thích nghi nào đó có thể cho phép các cá thể có khả năng chống chọi để sinh tồn và sinh sản thành công hơn các cá thể khác. Và vì thế, các đặc điểm thích nghi đó sẽ tăng tần số xuất hiện trong quần thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các nhà sinh học sau này đã chỉ ra rằng những lập luận của Darwin về giải phẫu học cũng có thể ứng dụng cho sinh lý học và hóa sinh: Những đặc điểm sinh lý và hóa sinh của một loài động vật hoặc thực vật cũng thích nghi với từng phương thức sống và tiến hóa để đối phó với các điều kiện của môi trường.
Gần đây hơn, các nhà sinh học tiến hóa đã cho thấy những hệ thống xã hội của động vật cũng tiến hóa và thích nghi. Thậm chí giữa các loài động vật có mối quan hệ gần gũi, một số sống đơn độc, một số khác sống thành từng nhóm nhỏ và một số khác nữa lại sống thành từng nhóm lớn. Hệ quả của tập tính xã hội là sự sống sót và sinh sản. Ví dụ, tùy thuộc vào nguồn thức ăn của một loài nào đó là tập trung hay rải rác, loài đó có phải đối mặt với những nguy hiểm từ thú ăn thịt hay không mà việc sống đơn độc hoặc thành từng nhóm có thể tốt hơn cho việc tăng cường khả năng sống sót và sinh sản của chúng.
Những giả thiết tương tự cũng được áp dụng cho bản năng tình dục. Một vài đặc tính tình dục có thể có lợi thế cho việc sinh tồn và sinh sản hơn những đặc điểm khác, phụ thuộc vào nguồn cung cấp thức ăn của từng loài, sự đối mặt với những loài ăn thịt chúng và những đặc điểm sinh học khác.
Tại điểm này, tôi sẽ đề cập đến một ví dụ về một tập tính mà mới đầu tưởng như hoàn toàn trái ngược với logic tiến hóa: Tập tính ăn thịt đồng loại sau quan hệ tình dục.
Con đực của một số loài nhện và bọ ngựa thường bị bạn tình của chúng ăn thịt ngay sau khi hoặc thậm chí ngay khi nó đang giao phối với con cái. Việc ăn thịt đồng loại này rõ ràng có sự chấp thuận của con đực vì khi tiếp cận con cái, con đực không hề có ý định chạy trốn và thậm chí còn nghiêng phần đầu và ngực của chúng về phía miệng con cái để nó có thể nhai gần như toàn bộ phần thân của chúng trong khi phần bụng vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ đưa tinh trùng vào cơ thể con cái.
Nếu chúng ta nghĩ rằng chọn lọc tự nhiên là sự tối đa hóa tỉ lệ sống sót, những kiểu tự sát cho đồng loại ăn thịt như vậy sẽ thật là vô nghĩa. Thực ra, chọn lọc tự nhiên là tăng tối đa khả năng truyền thụ gen và sự sinh tồn trong đại đa số trường hợp chỉ là một chiến lược nhằm đem lại nhiều cơ hội hơn để truyền thụ gen sau này.
Giả sử rằng có những cơ hội truyền gen nảy sinh một cách không lường trước được và không thường xuyên, số lượng con được sinh ra trong những cơ hội đó tỉ lệ thuận với điều kiện dinh dưỡng của con cái. Đó là trường hợp của một số loài nhện và bọ ngựa sống trong một quần thể có mật độ thấp. Một con đực phải may mắn lắm mới gặp được con cái và sự may mắn đó không thể xảy ra hai lần.
Chiến lược của con đực lúc này là tạo ra được càng nhiều con mang gen của nó càng tốt trong cuộc gặp gỡ may mắn đó. Lượng dinh dưỡng mà con cái dự trữ được càng lớn, nó càng có thể truyền nhiều calo và protein vào trứng.
Nếu con đực bỏ đi sau khi giao phối, nó có thể không tìm được một con cái nào khác và sự sống sót của nó sau đó sẽ trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, con đực có thể giúp con cái sinh được nhiều trứng mang gen của nó hơn bằng việc khuyến khích con cái ăn nó.
Hơn nữa, một con nhện cái với cái miệng bị chi phối bởi việc nhai cơ thể con đực sẽ cho phép quá trình giao phối được tiến hành dài hơn, kết quả là sẽ có nhiều tinh trùng được truyền sang và nhiều trứng được thụ tinh hơn.
Logic trong tiến hóa của con nhện đực là hoàn hảo và chỉ kì quặc với chúng ta bởi những đặc điểm sinh học khác của con người khiến cho tình dục ăn thịt đồng loại hoàn toàn không có lợi. Đại đa số đàn ông có nhiều hơn một cơ hội trong cuộc đời để giao phối; hơn thế nữa, mỗi người phụ nữ được chăm sóc tốt cũng thường chỉ sinh một đứa trẻ tại một thời điểm, hoặc có thể chỉ là sinh đôi; và một người phụ nữ sẽ không thể tiêu hóa hết cơ thể một người đàn ông trong một lúc để tăng cường mức dinh dưỡng trong quá trình thụ thai.
Ví dụ này minh họa cho việc phụ thuộc của chiến lược tiến hóa tình dục vào cả các tiêu chí sinh thái và sinh học của loài; cả hai đặc điểm này đều rất khác nhau giữa các loài. Tình dục ăn thịt đồng loại ở các loài nhện và bọ ngựa diễn ra bởi các yếu tố sinh thái ở mật độ quần thể và mức độ gặp gỡ hiếm hoi cũng như các yếu tố sinh học trong khả năng tiêu hóa một lượng thức ăn lớn để tăng cường một cách đáng kể lượng trứng đẻ ra của con cái.
Những tiêu chí sinh thái có thể thay đổi chỉ trong một đêm khi một cá thể chiếm lấy một chỗ cư trú mới nhưng những cá thể đó lại thừa hưởng những đặc tính sinh học từ các thế hệ trước, thứ chỉ có thể thay đổi một cách chậm chạp thông qua chọn lọc tự nhiên.
Vì vậy, sẽ là thiếu sót nếu chỉ xem xét đến nơi cư trú và phương thức sống của một loài nào đó, phác thảo trên giấy một tập hợp các đặc tính tình dục có thể phù hợp với nơi cư trú và phương thức sống đó, rồi ngạc nhiên khi những đặc tính tình dục được cho là tối ưu đó lại không tiến hóa. Thay vào đó, sự tiến hóa về sinh dục phải tuân thủ nghiêm ngặt những yếu tố di truyền và lịch sử tiến hóa trước đó.
Ví dụ, ở đa số các loài cá, con cái đẻ trứng và con đực sẽ thụ tinh những quả trứng đó bên ngoài cơ thể con cái, thế nhưng ở các loài động vật có vú có nhau thai và các loài thú có túi, con cái sẽ sinh ra một con thay vì đẻ ra những quả trứng và tất cả các loài động vật có vú đều có sự thụ tinh trong (tinh trùng của con đực được đưa vào trong cơ thể con cái).
Việc sinh con non và sự thụ tinh trong liên quan đến rất nhiều đặc điểm thích nghi sinh học và nhiều gen khác nhau mà các loài động vật có vú có nhau thai và các loài có túi phải tuân thủ nghiêm ngặt trong hàng chục triệu năm. Những đặc điểm di truyền này sẽ giúp chúng ta giải thích tại sao không có loài động vật có vú nào chỉ có con đực chăm sóc con non, mặc dù chúng có thể sống trong cùng ổ sinh thái với các loài cá và ếch nhái, những loài mà chỉ có con đực thực hiện nghĩa vụ chăm sóc con.
Qua đây, chúng ta có thể định nghĩa lại vấn đề về bản năng tình dục kì lạ của con người. Trong vòng 7 triệu năm gần đây, các đặc điểm giải phẫu sinh dục của con người đã được tách biệt với người họ hàng gần nhất của chúng ta, các loài tinh tinh, dưới một góc độ nào đó, các đặc điểm sinh lý được tách biệt sâu hơn và tập tính tình dục của chúng ta còn được tách biệt nhiều hơn nữa. Những điểm khác biệt đó phản ánh sự khác biệt về nơi sống và phương thức sống của con người và tinh tinh. Những điểm khác biệt đó cũng bị hạn chế bởi những yếu tố di truyền.
You must be logged in to post a comment Login