Tìm ra lửa góp phần vào sự tiến hóa của loài người. Ảnh: The Conversation. |
Sự khác biệt chủ yếu giữa con người và các loài động vật khác là chúng ta sử dụng công cụ.
Công cụ bằng đá xuất hiện
Những công cụ cổ nhất mà chúng ta biết được tìm thấy ở châu Phi, đã ra đời cách đây hơn hai triệu năm.
Chúng chỉ đơn giản là những cục đá đã được ghè vào một viên đá khác để tạo thành cạnh sắc dùng cho việc cắt thịt hay chặt gỗ. Những người làm ra chúng cũng có thể đã làm công cụ bằng gỗ, nhưng không có cái nào còn sót lại.
Trải qua quãng thời gian hơn một triệu năm, những công cụ bằng đá thô sơ đầu tiên đã phát triển thành những lưỡi sắc có hình dạng đẹp mắt. Đá tốt nhất để làm công cụ là đá lửa.
Những người chế tạo chúng đã ghè đẽo bề mặt của một viên đá lửa lớn cho đến khi các cạnh bên của nó trở nên sắc để cắt hoặc cạo, còn một đầu được đẽo nhọn để đâm. Đầu cùn còn lại vừa khít với bàn tay, đó là lý do các lưỡi sắc này được gọi là rìu tay.
Phát hiện lửa và làm mũi khoan
Con người đã khám phá ra giá trị của lửa từ rất lâu trước khi biết cách tạo ra nó. Những đám lửa có thể xuất hiện tự nhiên do ma sát, sét đánh hoặc ánh nắng Mặt trời chiếu qua một giọt nước.
Những người đầu tiên sử dụng lửa chỉ biết giữ cho những ngọn lửa tự nhiên này tiếp tục cháy. Họ dùng lửa để sưởi ấm và nấu chín thức ăn. Hơn nữa, lửa còn được dùng để phát quang bụi rậm và cây cối, để cỏ mọc dày hơn, thu hút các loài thú đến để con người săn bắt và ăn thịt.
Người cổ đại đã tận dụng mọi thứ xung quanh mình, bao gồm cả đá, để làm công cụ và khai thác khoáng sản. Sau một thời gian, những tảng đá hữu dụng trên mặt đất đều đã được sử dụng hết thì người ta phải đào xuống đất để tìm những gì họ muốn. Những mỏ đầu tiên chỉ là các hố cạn, nhưng rồi cuối cùng những người thợ mỏ cũng phải đào sâu xuống dưới lòng đất.
Một trong những loại khoáng sản mà họ tìm kiếm là đất son đỏ, được sử dụng làm chất màu cho các nghi lễ và cho những bức tranh trong hang động. Hầm mỏ lâu đời nhất mà chúng ta biết đến được sử dụng để khai thác đất son đỏ. Nó nằm ở Bomvu Ridge thuộc Swaziland, châu Phi.
Khoảng năm 35.000 TCN, những mũi khoan cổ nhất có lẽ là các viên đá có đầu nhọn được con người xoay giữa lòng bàn tay. Sau này, những chiếc que được xoay tròn theo cách tương tự để tạo ra lửa.
Con người cũng phát hiện ra rằng họ có thể xoay mũi khoan nhanh hơn bằng cách quấn một sợi dây xung quanh nó, buộc hai đầu của sợi dây vào cánh cung gỗ, rồi kéo cánh cung qua lại. Chiếc khoan này vẫn được sử dụng ở một số nơi trên thế giới cho đến tận gần đây.
You must be logged in to post a comment Login