Vợ chồng nghệ sĩ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Ảnh: Tư liệu. |
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn – tên của tập di cảo chính là một câu thơ trong bài Có một thời như thế của nhà thơ Xuân Quỳnh, nằm trong khổ thơ sau:
“Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia / Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn / Trang nhật ký xé trăm lần lại viết / Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau”.
Câu thơ gợi nhớ đến những điều vĩnh hằng, trường tồn và sâu rộng, tựa những vần thơ của nữ thi sĩ, in dấu ấn trong nền văn học nước nhà.
Người biên soạn cuốn sách, PGS Lưu Khánh Thơ – chính là em gái của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Do vậy, bà tiếp cận được nhiều tư liệu riêng tư, chưa từng được công bố trước đây, gồm có: nhật ký viết cho con trai Lưu Tuấn Anh, một số bức thư Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ gửi cho nhau trong những năm cuối đời, thư Xuân Quỳnh gửi cho con trai út Lưu Quỳnh Thơ (Mí) khi đi công tác tại Liên Xô.
Với cái nhìn thân tình, PGS Lưu Khánh Thơ cũng chia sẻ thêm một vài kỷ niệm về những năm đầu yêu nhau nhiều trắc trở của cặp vợ chồng tài hoa.
Sách Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn. Ảnh: Y.N. |
“Quỳnh thương yêu…”
Nhiều năm nay, bức thư tình Lưu Quang Vũ viết gửi Xuân Quỳnh được lưu truyền rộng rãi trên mạng đã khiến nhiều người xúc động. Bức thư ấy cũng nằm trong tập di cảo này. Cùng đó, PGS Lưu Khánh Thơ công bố gần 30 trang thư tình khác của 2 vợ chồng, 12 trang thư Xuân Quỳnh gửi con và một vài trang thư của gia đình.
Với thư tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, bà Lưu Khánh Thơ trích một số thư hai người gửi nhau những năm cuối đời bởi “với một tập sách, không thể công bố được nhiều bức thư riêng”.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã khẳng định rằng những bài thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ viết tặng nhau đã làm thành một đối thoại tình yêu đẹp của thế hệ. Đối thoại tình yêu ấy thể hiện trong những bức thư khi chia xa, được sắp xếp đan xen nhau theo trình tự thời gian, kể lại một chuyện tình thật đẹp, thật nồng nàn và sâu sắc.
PGS Lưu Khánh Thơ so sánh những bức tình của vợ chồng thi sĩ như “một huyền thoại của thời hiện đại”.
Những bức thư không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương mà còn thể hiện cả những trăn trở, suy tư về công việc sáng tạo nghệ thuật. Trong một bức thư, Lưu Quang Vũ viết: “Nhiều việc muốn làm quá, anh rất sốt ruột, sức khỏe thì có hạn. Anh cũng muốn làm xong mọi ‘com măng’ (tức ‘đơn đặt hàng’) để thư thả mà làm thơ. Anh muốn viết khác đi, hay hơn và chắc rằng sẽ viết được”.
Có những khi, người nghệ sĩ cảm thấy tự ti, nhỏ bé trước những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại. Xuân Quỳnh giãi bày trong một bức thư: “Đứng trước nền văn hóa cao vời vợi của họ mình thấy mình như đứng trước biển: vô nghĩa và nhỏ nhặt”.
Và rồi, cũng trong bức thư viết ngày 8/6/1978, nhà thơ bộc bạch nỗi lòng khi yêu một người nghệ sĩ khác: “Đôi khi em nghĩ quẩn là ‘có khi em phải bỏ anh đi để em không phải mang nỗi tủi nhục là không xứng với anh’. Nhưng em không có can đảm. Em yêu anh và em đã nhập cuộc đời em vào cuộc đời anh, bây giờ đối với em đó chỉ là một cuộc đời thôi, cắt đi làm sao nổi”.
Tài năng là vậy, nhưng cả 2 nghệ sĩ đều viết ra những dòng tự thú đầy tự ti. Nhìn ở một khía cạnh khác, những chia sẻ này bộc lộ khao khát được phát triển trong sáng tạo nghệ thuật của họ. Thay vì so sánh, công chúng xưa nay vẫn nhìn nhận Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như 2 người nghệ sĩ tài năng, có phong cách và bản sắc riêng.
Những trang viết giản dị thuật lại cuộc đời người nghệ sĩ
Trong bức thư tình nổi tiếng Lưu Quang Vũ gửi vợ, ông viết: “Nếu chúng ta là kẻ không có tài chi lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người”.
Một trang viết của nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh: Tư liệu. |
Di sản nghệ thuật của cả Xuân Quỳnh lẫn Lưu Quang Vũ đều đã được thời gian kiểm chứng. Những lời bộc bạch khiêm nhường kia đã đúng một điểm, cặp vợ chồng (đặc biệt là Xuân Quỳnh) đã để lại được những trang tư liệu quý giá về cuộc sống giản đơn mà ấm áp của họ, những trang viết khiến nhiều độc giả phải thổn thức.
PGS Lưu Khánh Thơ cho biết bà biên soạn Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn để giúp công chúng hiểu về nhà thơ Xuân Quỳnh rõ ràng hơn.
Trong cuốn sách này có đăng hơn trăm trang nhật ký của Xuân Quỳnh ghi lại chi tiết quá trình mang thai, sinh con rồi nuôi con. Những trang viết này cho thấy tình thương yêu hết lòng và sự hy sinh vô bờ bến của nữ nhà thơ khi nuôi con trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Những chi tiết cụ thể, những cảm xúc trần trụi, cuộc đời Xuân Quỳnh hiện lên như những thước phim qua các trang nhật ký, tạo thành một bộ phim chính kịch về một lát cắt cuộc đời người nghệ sĩ.
Sang tới phần ghi chép về Vĩnh Linh, về chiến tranh chống Mỹ, độc giả lại được thấy một mặt khác của Xuân Quỳnh, mạnh mẽ và can trường. Soạn giả Lưu Khánh Thơ nhận xét: “Những ghi chép cụ thể, tươi nguyên sự sống qua con mắt và tấm lòng của một nhà thơ nữ thông minh tinh tế tự bản thân nó đã nói lên được những điều sâu sắc và ý nghĩa về những năm tháng hào hùng và bi tráng của dân tộc Việt Nam”.
Cuốn sách tạo điều kiện cho độc giả tiếp cận nhà thơ Xuân Quỳnh không chỉ qua thơ ca của bà mà qua những trang viết, những ghi chép gần gũi, tình cảm. Những điều Xuân Quỳnh viết, mỗi phần một giá trị riêng, vẫn nồng nàn hơi thở nghệ thuật, tựa những sáng tác văn chương mà nhà thơ đã giấu kín cho riêng mình.
You must be logged in to post a comment Login