Trong Kiêu hãnh và Định kiến của Jane Austen, khi người thừa kế William Collins đến thăm gia đình ông chú họ Bennet với hy vọng có thể kết hôn được cùng một trong các cô gái nhà này, ông Bennet phát hiện ra người cháu trai mình thật tầm thường, nhưng vẫn lịch sự mời anh tham dự tiệc trà với các cô con gái.
Sinh hoạt đọc sách vốn là truyền thống của gia đình Bennet. Sau khi uống trà, ông mời Collins đọc một cuốn sách cho cánh phụ nữ, và Collins sẵn sàng đồng ý.
Nhưng khi thấy quyển sách phải đọc có ký hiệu của thư viện lưu hành, đấy lại là một cuốn tiểu thuyết, anh đã trả lại sách, than thở rằng chẳng bao giờ đọc tiểu thuyết cả, và anh sẽ chọn một cuốn sách khác để đọc cho các quý cô. Rốt cuộc anh chọn cuốn của Fordyce – Những bài giảng dành cho quý cô – để đọc cho các cô em họ.
Cô út Lydia nhà Bennet không thèm lịch sự, lập tức thô lỗ ngắt ngang ngay khi Collins vừa đọc được ba trang. Cảm thấy bị xúc phạm, Collins lên giọng “dạy dỗ”: “Tôi nhận thấy mấy cô gái trẻ ít chú ý đến sách vở với giá trị đặc trưng, mặc dù sách được viết riêng cho các cô. Phải nói là tôi rất ngạc nhiên đấy, vì tôi tin rằng sự giáo huấn này là rất cần cho các cô đây”.
Đọc sách như cách tiếp cận đối tượng, thử thách về mặt xã hội, tình yêu
Chúng ta phải thấy rằng ở đây, Collins là một giáo sĩ kiêu căng ngạo mạn và giáo điều, theo lẽ thường anh cũng có sở thích đọc sách riêng, nhưng việc anh dùng lời lẽ sáo rỗng để giáo dục các cô gái về sở thích đọc sách của họ thì đương nhiên anh sẽ không bao giờ nhận được sự yêu quý của các cô gái nhà Bennet.
Nhưng vì sao Collins lại khó chịu ngay khi nhìn thấy ký hiệu quyển sách được mượn từ thư viện lưu hành? Thư viện lưu hành (circulating library) – là loại thư viện cho mượn và cho thuê, xuất hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 1725, và trở nên phổ biến ở nhiều thập niên sau đó, là một nơi quan trọng để người đọc có thể mượn sách chỉ với một khoản phí nhỏ, loại sách đặc biệt phổ biến là tiểu thuyết.
Chúng ta cũng có thể hiểu nôm na hình thức đó giống tiệm cho thuê truyện bây giờ. Nhưng tầng lớp trung lưu Anh quốc dạo ấy cực kỳ coi thường thư viện lưu hành, bởi kể cả khi cho mượn và cho thuê tính phí không khác là bao với thư viện công cộng nhưng họ đánh giá trên mục đích hoạt động của thư viện.
Thư viện lưu hành mục đích chính thu lợi về tài chính, kiếm chác trên sách vở, khác với các thư viện công cộng truyền thống là nhằm mục đích chia sẻ các tác phẩm văn học và học thuật với người đọc, mục đích là phi lợi nhuận.
Sách Kiêu hãnh và định kiến. Ảnh: Đông A. |
Gia đình Bennet cũng có thư viện, nhưng có vẻ như bộ sưu tập sách không phong phú, ít nhất là không thể so sánh với bộ sưu tập sách mà gia tộc Darcy truyền lại qua nhiều thế hệ. Nên việc chị em nhà Bennet mượn/thuê một cuốn tiểu thuyết trong thư viện lưu hành hẳn là chuyện bình thường, nhưng với con mắt của các “nhà đạo đức” thời ấy thì không bình thường chút nào.
Cuối thế kỷ 18, tiểu thuyết trở nên phổ biến. Cánh chị em mê đọc tiểu thuyết, nhưng không phải ai cũng đủ tiền để mua tiểu thuyết, bởi sách ở thời điểm này có giá rất cao. Tiểu thuyết có sức hấp dẫn rộng rãi vì chúng dễ đọc hơn, đơn giản hơn các loại sách vở kinh viện. Tuy nhiên, tiểu thuyết không có được sự đón nhận nồng nhiệt.
Tiểu thuyết cũng bắt nguồn từ một số khía cạnh thực tế, và chính điều này làm cho tiểu thuyết trở nên hấp dẫn và dễ liên tưởng, nhưng bên cạnh đó, tiểu thuyết có câu chuyện, và câu chuyện lại phải cuốn hút và giật gân thường thoát ly khỏi đời thực, hoặc cổ vũ cho những cốt truyện trái khoáy.
Các học giả và giới trí thức cho rằng đọc tiểu thuyết có hại và vô ích, đặc biệt đối với phụ nữ, tiểu thuyết đầy cám dỗ tình dục cùng những tưởng tượng khác xa hiện thực sẽ có hại cho mặt đạo đức và tinh thần của chị em.
Tiểu thuyết sẽ làm người đọc không thể phân biệt được đâu là yếu tố hiện thực và đâu là yếu tố hư cấu hoàn toàn, và nó sẽ khiến người ta có những kỳ vọng không thực tế về cuộc sống. Các thư viện lưu hành đã bị chỉ trích rất nhiều vào thời kỳ này, vì đây là nơi cung cấp tiểu thuyết cho chị em là chính.
Thế nên việc Collins chọn sách Những bài giảng dành cho quý cô của Fordyce – cuốn sách dạy phụ nữ trẻ các chuẩn mực về cách cư xử, đầy những lời răn dạy về đạo đức cư xử cũng không có gì lạ. Sách của Fordyce được xem là loại sách nghiêm túc, vì thế cuốn sách này thường được bày ở phòng khách để bất kỳ ai tới chơi cũng nhìn thấy, một cách khoe khéo léo trình độ đọc của chủ nhà, trong khi những cuốn tiểu thuyết được xếp hạng kém, và chỉ đáng để chị em dấm dúi đọc ở phòng ngủ.
Có cô gái nào đủ can đảm lấy một ông chồng không cho vợ đọc tiểu thuyết, suốt ngày ép vợ đọc sách dạy đời cơ chứ?
Darcy, người tình trong mộng của nhiều chị em, lại rất khác. Anh biết rất rõ rằng đọc sách là một phương tiện để tiếp cận phụ nữ và thử thách nhau về mặt xã hội, thậm chí cả tình yêu.
Tại một buổi khiêu vũ, nữ chính Elizabeth Bennet vì hiểu lầm nam chính và đang rất khó chịu với Darcy, thế nhưng nàng vẫn nhận lời mời khiêu vũ của chàng. Trên sàn nhảy, Darcy hỏi Elizabeth: “Cô nghĩ sao về sách?” “Sách à? Ồ không. Tôi chắc chúng ta không bao giờ đọc cùng loại sách, hoặc đọc với cùng chung cảm xúc”. “Tiếc rằng cô lại nghĩ như thế, nhưng nếu vậy, ít nhất ta không thiếu đề tài. Chúng ta có thể so sánh các quan điểm khác nhau”.
Với Darcy, người vợ lý tưởng cần phải đa năng, ngoài giỏi âm nhạc, ca hát, hội họa, khiêu vũ, phải biết cách nói chuyện, cư xử, nhưng điều quan trọng nhất là “phải đọc nhiều sách, trau dồi kiến thức”.
Nói như thời nay chúng ta vẫn nói là mẫu người “lên được phòng khách, xuống được phòng bếp”. Thật ra có anh đàn ông nào mà không thích mẫu người vợ như Darcy thích chứ? Nhưng rõ ràng, đọc sách sẽ là một cơ hội tốt để các cặp giao tiếp.
Hình ảnh trong phim chuyển thể Kiêu hãnh và định kiến. Ảnh: Focus Features. |
Đọc sách như một thú vui cao cấp
Darcy thích đọc sách, và hẳn là anh cũng thích nói về sách, không chỉ vì một quý tộc giàu có nhàn hạ, mà còn vì anh ấy có sách để đọc – gia sản của gia đình Darcy có một thư viện được tích lũy qua nhiều thế hệ. Như lời khen ngợi của Caroline Bingley: “Tôi luôn lấy làm ngạc nhiên khi cha tôi để lại quá ít sách. Darcy, ở Pemberly có một thư viện đáng giá lắm đúng không anh?”. “Cũng được, đấy là công trình của nhiều thế hệ”. “Và anh cũng góp phần vào bộ sưu tập, anh luôn luôn thích mua sách”. “Tôi không thể hiểu nổi việc bỏ bê tủ sách gia đình trong thời buổi hiện nay”.
Tất nhiên, những lời khen ngợi của Caroline Bingley đối với trang viên và thư viện gia đình Darcy chỉ để lấy lòng anh, để được anh cưới làm vợ, nhưng thật không may, trong tác phẩm của Austen, cô Caroline Bingley chỉ là nữ phụ, nữ phụ sẽ bị hào quang nữ chính lấn át là điều tất yếu.
Nhân vật Elizabeth Bennet (do Keira Knightley thủ vai) trong phim Kiêu hãnh và Định kiến (2005). |
Ngoài việc không thể chia sẻ niềm vui mua sách, sưu tầm sách và đọc sách với nam chính, cô còn biến mình trở thành cô nàng giả tạo, và hợm hĩnh. Trong chương 11 của Kiêu hãnh và Định kiến, tác giả đã tạo ra một bối cảnh cho nam chính và nữ phụ đọc cùng nhau. Đáng lẽ đây là cơ hội tốt để Caroline câu được sự chú ý của Darcy bằng cách đọc sách, chia sẻ cảm nhận về sách vở, nhưng khổ cái, nữ phụ chỉ thích khiêu vũ và giải trí, không thích đọc sách.
Caroline làm bộ thích đọc sách, lại còn cố tình chọn đọc tập hai của cuốn sách Darcy đang đọc, nhưng đâu dễ mà đọc hết được quyển sách chứ? Người đọc tinh ý sẽ nhận ra ngay trò khôn vặt của Caroline. Vì ở chương 8 trước đó, khi “nữ chính” vào phòng khách lúc “nữ phụ” Caroline Bingley đang chơi bài cùng mọi người, khi được mời chơi, cô đã từ chối. Cô nói chỉ muốn tìm một cuốn sách để đọc giải trí.
Ông Hurst ngạc nhiên hỏi: “Cô thích đọc sách hơn chơi bài à? Thật là lập dị”. “Cô Elizabeth Bennet ghét chơi bài. Cô ấy rất giỏi đọc sách và không còn thú vui nào khác”, Caroline Bingley châm chọc. Elizabeth thốt lên: “Tôi không xứng đáng với câu khen ngợi hay phê bình như thế. Tôi không giỏi đọc sách, tôi còn có nhiều thứ giải trí khác”.
Chính tại đây, Elizabeth đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của Darcy, nữ chính đã tạo được hào quang cho riêng mình. Cô ấy thích đọc và có thể đọc, nhưng bên cạnh đọc cô còn nhiều sở thích khác. Thông điệp mà Elizabeth muốn truyền đạt ở đây hẳn là: “cô Bingley bảo tôi đọc nhiều ý chê tôi mọt sách khô khan khó tính như bà già, tôi có nhiều sở thích khác nhé, đọc chỉ là một trong các sở thích cao cấp của tôi thôi, tôi cũng thú vị lắm đấy nhé”.
Đối với Austen, sách và đọc sách là một phần quan trọng trong thế giới của cô và thế giới mà cô viết. Đối với một gia đình nề nếp như Bennet trong Kiêu hãnh và Định kiến, việc đọc sách cùng nhau trong gia đình là một cách để giết thời gian và giải trí, và việc đọc sách này còn để giáo dục thế hệ sau, truyền đạt cảm xúc và thể hiện sự hiếu thuận với cha mẹ.
Và với Jane Austen, đọc sách cũng là một vấn đề đạo đức giúp người ta nhận định nhân cách một con người, việc đọc hay không đọc, đọc gì và đọc như thế nào là những vấn đề xã hội và lãng mạn quan trọng, liên quan đến việc bạn chọn ai và ai chọn bạn.