Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên “phỏng vấn” nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư – Ảnh: VIỄN SỰ
“Vượt qua khó khăn, sống giản dị, đóng góp những công lao không biết lấy gì đong đếm, sự nghiệp đồ sộ 102 năm của cụ Đình Tư có lẽ là độc nhất vô nhị” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ cảm xúc trong cuộc “phỏng vấn” với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.
Đặc biệt hơn nữa, người mà bí thư Thành ủy nói đến, đã phấn đấu từ một người vá xe đạp, làm nên những kỳ tích trong nghiên cứu lịch sử.
Được sự đồng ý của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Tuổi Trẻ Online đã ghi lại cuộc “phỏng vấn” thú vị này.
Từ người vá xe đạp đến nhà nghiên cứu lịch sử
Bí thư Nguyễn Văn Nên:Ở miền Bắc gọi người cao tuổi bằng cụ nhưng tụi con thích kêu bằng bác cho thân thuộc. Giờ tụi con đến thăm chúc mừng thọ bác 102 tuổi, chúc bác nhiều sức khỏe và muốn nghe bác kể về câu chuyện kinh nghiệm sống để tụi con từ đó phấn đấu hơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Tôi nay cũng lớn tuổi rồi nhưng vẫn chăm rèn sức khỏe, hằng ngày tôi đều tập thể dục buổi sáng và đi lên đi xuống cầu thang nhà. Trước còn khỏe thì đi được 20 vòng, còn giờ yếu hơn thì 10 vòng.
Hiện nay tôi đang viết mấy quyển sách, trước đây thì có thể viết giấy nhưng bây giờ tay yếu rồi thì chỉ có thể gõ chữ trên máy vi tính. Tôi dành khá nhiều thời gian mỗi ngày trên máy tính để nghiên cứu và viết sách.
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Với một người làm nghiên cứu về lịch sử thì tuổi trẻ của bác thế nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Tuổi trẻ của tôi thì gian khổ do nhà nghèo, bỏ học đến hai lần. Khi tôi đang đi cày ruộng thì thấy bạn bè chung làng đi học về, mình đứng dưới ruộng thấy rất tủi thân, nên đã về nhà kêu bán hết của hồi môn cưới vợ để góp tiền cho tôi đi học. Khi học ở Vinh (Nghệ An), vừa thi xong kỳ Đệ nhất thì gia đình làm ăn mất mùa không thể tiếp tục học. May sao hiệu trưởng thấy tôi học tốt nên đã vận động thầy cô đóng góp để tôi không bỏ ngang.
Ông già tôi ngày xưa làm cai tổng nhưng ông rất thanh liêm. Ngày xưa những người làm cai tổng thường chỉ được vài ba năm là bị kiện, nhưng cha tôi làm tới 20 năm. Nhiều người thắc mắc là làm công việc này thời Pháp thuộc mà được tới 20 năm thì cũng phục vụ họ nhiều lắm. Nhưng thật ra chỉ vì không có ai thưa kiện. Nhưng lúc này cha đã về hưu, nên không đủ điều kiện, tôi lại bỏ học, thấy tương lai mờ mịt quá mà buồn tủi cho mình.
Thời gian đó Cách mạng Tháng Tám bùng nổ và chúng tôi đi theo, sau này tôi về Nha Trang sống. Trong thời gian này tôi tiếp tục học và tranh thủ viết sách, bắt đầu viết.
Sau thời gian giải phóng thì lúc đó gia đình tôi cực lắm. Vì tuổi già không có lương hưu, tôi phải ra ngoài đường để sửa xe đạp. Vừa hành nghề vừa theo đuổi tiếp đam mê. Tôi lại viết được cuốn “Loạn 12 sứ quân”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham quan căn gác nhỏ – nơi làm việc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư – Ảnh: VIỄN SỰ
Mong ước sớm xong hồi ký “Một kiếp người”
Bí thư Nguyễn Văn Nên:Từ khi nào bác có ý định viết quyển sách về tên đường của TP.HCM?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Tôi chỉ bắt đầu nghỉ nghề vá xe, dành thời gian nghiên cứu khi con tôi học xong đại học và đi làm. Lúc đó ở TP ta có việc đổi tên 100 con đường, nhưng lý lịch của các vị được đặt tên đường đó không được phổ biến, khiến người dân không thể nhớ nổi. Tôi mới nghĩ cần phải có quyển sách viết về các tên đường của TP.HCM, để phục vụ dân chúng.
Tôi đã dùng chiếc xe đạp mini mà tôi có đi khắp các nẻo đường của TP.HCM để nghiên cứu từng tên đường, xem nó từ đâu đến đâu, dài khoảng bao nhiêu, hai bên đường thì có những gì, cơ quan nào. Sau khi quyển sách của tôi được in ra thì cơ quan chức năng cho một trưởng phòng xuống trực tiếp nhà tôi, mời tôi vào trong Hội đồng đặt tên đường TP. Thời gian tôi ở trong hội đồng đó cũng đặt được gần 1.000 tên đường.
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Có những con người thật đặc biệt, hành nghề vá xe đạp bên đường nhưng cũng làm nên những điều kỳ tích của lịch sử. Sau cuốn sách về tên đường thì bác bắt đầu nghiên cứu những gì?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Sau này tôi có viết cuốn từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ đoạt được giải bạc của Hội Xuất bản Việt Nam. Sau đó tôi mới viết tiếp cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, được giải A sách quốc gia. Hiện giờ tôi đang viết Từ điển địa danh hành chính Trung Bộ, Bắc Bộ và Tây Nguyên.
Còn một quyển cuối cùng nữa là hồi ký nhưng tôi thì chẳng có công trạng gì, chỉ là hồi ký về “Một kiếp người” ba chìm bảy nổi của tôi. Tôi viết để người dân về sau thấy có người cùng cảnh ngộ mà thấy được sự sẻ chia. Dự định hoàn thành cuốn này nữa thì mới đi theo ông bà.
Góc sau căn gác nhỏ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành để trồng cây và nuôi một con gà, ông nói với Bí thư Thành ủy rằng thỉnh thoảng nghe tiếng gà ông đỡ nhớ quê hương, nhớ thời thơ ấu của mình – Ảnh: VIỄN SỰ.
Viết sử phải luôn khách quan
Bí thư Nguyễn Văn Nên:Khi nghiên cứu về sử, đến hiện nay thì bác có tranh luận gì về sử học hay không?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Quan niệm của tôi sử học là khách quan, lịch sử thì cứ đi theo điều kiện chủ quan và khách quan thời điểm diễn ra. Ngày xưa có những vị sử quan vua bắt phải viết thế này thế nọ, nhưng họ từ chối và bảo lịch sử là phải viết sự thật. Tôi bây giờ cũng quan niệm như vậy, mình đừng nói theo ý chủ quan của mình, sau này hậu thế hiểu sai mất quá khứ. Nhân vô thập toàn, chỗ nào đáng khen thì khen, còn đáng chê thì phải chê.
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Những chặng đường mà bác đi qua là cực kỳ hiếm trên cuộc đời này chứ không chỉ riêng TP. Có một bài hát mang tên “Thành phố gì kỳ”, bởi có những nhân vật “gì kỳ”, quý hiếm mà lại rất đơn giản trong cuộc sống. Hiện tại thì bác mong muốn nhất điều gì?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Tôi chỉ mong có được sức khỏe để có thể tiếp tục thực hiện và hoàn thành các công trình còn lại. Viết cho xong những tư liệu phục vụ nhân dân rồi mới đến hồi ký dành riêng cho bản thân mình.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại Thanh Chương, Nghệ An. Ông tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả qua những nghiên cứu, biên khảo công phu có giá trị về mặt tư liệu lịch sử.
Năm 1996, ông là ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường TP.HCM cũng là người đề xuất đặt cho TP hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa.
Tính đến nay, ông đã có khoảng 60 đầu sách được xuất bản, các công trình từ trước năm 1975 như: Non nước Phú Yên (1964), Địa chí Khánh Hòa (1972), Non nước Ninh Thuận (1974), và các công trình về sau như: Đường phố nội thành TP.HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân…