“Sự nóng lên toàn cầu đe dọa lên các hệ thống khí hậu, đẩy nhiệt độ lên cao hơn trên đất liền và biển, cũng như thay đổi lượng mưa và địa điểm mưa. Các hình thái thời tiết bị thay đổi, làm trầm trọng hơn các thảm họa như hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, lốc xoáy, mất đa dạng sinh học và bão tố”, tác giả Daisy Kendrick viết như vậy trong cuốn sách của mình.
Là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Ocean Generation (tổ chức hoạt động nhằm can thiệp và đổi mới mô hình từ thiện thông thường), Daisy Kendrick nghiên cứu và chỉ ra tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời hướng dẫn bạn đọc cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho môi trường sống hiện nay trong cuốn Khí hậu đang biến đổi, sao chúng ta lại không?.
Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán ở nhiều khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Reuters. |
Biến đổi khí hậu là vấn đề “nóng” toàn cầu
Những tin tức về biến đổi khí hậu và hệ quả của nó được các hãng thông tấn, truyền thông lần lượt đưa tin trên thế giới như: Nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan có thể xảy ra thường xuyên hơn, Mỹ hứng chịu trận lốc xoáy chết người, Vanuatu ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu…
Mới đây, cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đưa ra nghiên cứu mới cho thấy nồng độ CO2 trong khí quyển vào tháng 5 vừa qua đã đạt ngưỡng 420 ppm, cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là nồng độ cao chưa từng thấy trong khoảng 4 triệu năm qua.
Có thể thấy ô nhiễm môi trường những năm gần đây là vấn đề “nóng” và ngày một trở nên trầm trọng, thu hút sự quan tâm không chỉ từ các cấp chính phủ mà với tất cả cá nhân đang sống trên Trái Đất.
Các nhà khoa học đã kết luận rằng khí thải do con người tạo ra như carbon dioxide hay methane là một trong những nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu. Nạn chặt phá rừng cũng có cùng tác hại. Sự nóng lên toàn cầu là lý do khiến mực nước biển dâng cao, đe dọa nhiều tới các quốc gia có toàn bộ diện tích là đảo nhỏ.
Trong cuốn sách của mình, Daisy Kendrick khẳng định các thảm họa do biến đổi khí hậu đã đi đến điểm giới hạn và sắp vượt quá mức mà Trái Đất “không thể chịu đựng vì sự sống được nữa”. Trong đó, ô nhiễm không khí được coi là “kẻ sát nhân thầm lặng”, đặc biệt là với những người sống ở thành phố.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong bầu không khí hiện nay, con người không chỉ bị tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, mà mỗi năm còn có khoảng 7 triệu người trở thành nạn nhân của những cái chết mà nguyên nhân là ô nhiễm không khí.
Không chỉ thế, sự nóng lên toàn cầu đang đe dọa trực tiếp lên hệ thống khí hậu, làm cho nhiệt độ trên đất liền và biển đang tăng cao. Điều này còn tạo ra những thay đổi về lượng mưa và địa điểm mưa.
Khí hậu biến đổi, con người thì sao?
Khi viết cuốn sách Khí hậu đang biến đổi, sao chúng ta lại không?, tác giả không chỉ đơn giản muốn thuyết phục bạn đọc tin vào tình trạng hiển nhiên của biến đổi khí hậu, mà còn cung cấp thông tin về những gì đang bóp nghẹt tương lai của chúng ta, đồng thời cổ vũ tinh thần lạc quan và đưa ra góc nhìn nhân văn trong câu chuyện về biến đổi khí hậu.
Theo đó, độc giả sẽ được hướng dẫn để nhìn nhận rõ hơn vấn đề mang tính toàn cầu này trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ quần áo, món đồ nhựa, thực phẩm mà bạn dùng cho tới cách sử dụng sức mạnh của truyền thông, công nghệ để lên tiếng và kêu gọi hành động.
Biến đổi khí hậu là vấn đề “nóng” toàn cầu. Do đó, trên thế giới, các cuộc thương thảo về chủ đề này cũng liên tiếp được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp. Có thể kể đến như Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất Río de Janeiro (Brazil, năm 1992), hội nghị tại Copenhagen (Đan Mạch, năm 2009), hội nghị tại Durban (Nam Phi, năm 2011)…
Trong chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững 2030 (Liên Hợp Quốc, năm 2015), các quốc gia trong tổ chức này đã đề ra 17 mục tiêu, trong đó có các mục tiêu liên quan tới môi trường, khí hậu như: Hành động vì khí hậu, tài nguyên và môi trường trên đất liền, các thành phố và cộng đồng bền vững.
Cuốn sách viết về chủ đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Ảnh: Thu Huệ. |
Trong cuốn sách của mình, Daisy Kendrick đã khéo léo đan xen những câu chuyện truyền cảm hứng cùng nhiều số liệu thống kê đáng giật mình và giải pháp “thay thế xanh” dễ dàng áp dụng dành cho các cá nhân biết quan tâm tới ngôi nhà chung mang tên Trái Đất.
Theo tác giả, những hành động của con người, bao gồm thói quen tiêu dùng, sinh hoạt đều có tác động nhất định tới môi trường. Thay vì tiếp tục xả rác thải với tốc độ tăng vọt, chúng ta hãy lắng nghe những lời cảnh báo. Thay vì xả rác bừa bãi, chúng ta hãy hạn chế tốc độ mua sắm.
“Mỗi lần quẹt thẻ và mua hàng là một lần hiệu ứng dây chuyền xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới, trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần gia tăng biến đổi khí hậu. Chúng ta cần thay đổi các thói quen của mình và đừng bao giờ đánh mất hy vọng rằng một hành động nhỏ nếu được nhân rộng lên bởi hàng triệu người sẽ tạo ra tác động tích cực”, Daisy Kendrick nhấn mạnh.