Ngày 16/9/1987, Diego Maradona dẫn đoàn quân Napoli của mình đến Madrid để đối mặt với Real trong trận đấu đầu tiên của CLB tại Cup châu Âu. Vài tháng trước đó, bằng phong độ hủy diệt, siêu sao người Argentina đã giúp Napoli đoạt Scudetto lần đầu trong lịch sử và không có một màn ra mắt ở Cup châu Âu nào đẹp hơn việc đối mặt với CLB vĩ đại nhất của bóng đá thế giới.
Thế nhưng, mỉa mai thay, đó là một trận đấu không có bất cứ khán giả nào đến sân. UEFA do quá lo ngại sự kích động của đám ultra bên phía Real ở 2 trận bán kết gặp Bayern Munich mùa trước, đã quyết định hai đội phải thi đấu trong một sân bóng kín.
Và giữa sự mênh mông đến rợn người của sân Bernabeu khổng lồ, trong trận đấu thứ 100 của mình tại Cup châu Âu, Real đánh bại Napoli với tỉ số 2-0 trước khi hòa tiếp 1-1 ở Italy để điền tên mình vào vòng 2. Đó cũng là lúc mà một người đàn ông có ảnh hưởng cực lớn tới bóng đá hiện đại lên tiếng. Tên của ông là Silvio Berlusconi.
Vị chủ tịch Milan không hề vui vẻ chút nào khi chứng kiến trận đấu diễn ra giữa Real và Napoli. Ông cho rằng thật phi lí nếu duy trì tình trạng bốc thăm ngẫu nhiên của Cup C1, điều sẽ khiến những ứng viên vô địch sớm gặp nhau và buộc phải loại nhau. Lấy chính mùa 1987-1988 là bằng chứng khi Real đã phải lần lượt gặp Napoli ở vòng 1, đương kim vô địch Porto ở vòng 2 trước khi gặp tiếp á quân Bayern Munich ở tứ kết.
Chiếc cup UEFA Champions League. Nguồn: uefa. |
Berlusconi kêu gọi một giải pháp để các đội mạnh không phải đụng nhau quá sớm như thế, thậm chí, họ cần được đá nhiều hơn nữa, thay vì 2 trận là phải ra về chỉ vì phong độ suy giảm trong một đêm nào đó. Như Maradona và Napoli ở ngày 16/9 này chẳng hạn. Những lời kêu gọi của ông nhanh chóng được nhiều ông chủ các CLB lớn khác đồng tình và họ bắt đầu nghĩ về một “siêu giải đấu” nơi những vòng cuối là trận chiến giữa các đội bóng hùng mạnh nhất.
Thật tuyệt nếu điều đó xảy ra!
Tất nhiên, đứng về mặt thương mại, người ta biết rõ rằng nếu các trận chung kết, bán kết hay cả tứ kết nữa diễn ra giữa các CLB như Real, Milan, Bayern, Barcelona, Juventus, MU hay Liverpool thì chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý lớn hơn nhiều những trận cầu như giữa Forest với Malmo hay Aston Villa với Hamburg.
Song, luật bốc thăm của Cup C1 suốt hàng chục năm đã khiến hầu như mùa nào cũng có tình trạng các đội mạnh phải “huynh đệ tương tàn” ngay từ những vòng đầu tiên, điển hình là mùa 1979-1980 khi nhánh Hamburg gom toàn “ngáo ộp” còn nhánh bên Forest chỉ gồm những tên tuổi ít tiếng tăm và cuối cùng, đội có lá thăm “thơm” hơn (Forest) lại là đội giành cup vô địch.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của World Soccer vào năm 1991, Berlusconi đã chỉ trích mạnh mẽ “Thể thức hiện tại của Cup châu Âu là một sự lạc hậu mang tính lịch sử. Doanh thu chẳng có ý nghĩa gì nếu một CLB như Milan bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Đó hoàn toàn không phải là một tư duy hiện đại”.
Ông chủ của Milan cũng cho rằng rất phi lí nếu các đội bóng lớn nhất không thường xuyên gặp nhau trong những trận cầu đỉnh cao. Mỗi năm chỉ 5-6 trận như vậy quả là quá ít ỏi và đối với cổ động viên, nó không đủ thỏa mãn đam mê. Nói theo kiểu Beckenbauer thì “đá thế làm sao mà nâng cao trình độ cho được”!
Cuốn sách về lịch sử Cup C1. Ảnh: T.H. |
Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ ban đầu của Gabriel Hanot, cha đẻ của Cup châu Âu. Ngay từ khi Cup châu Âu chỉ ở trên mặt giấy, Hanot đã nhận định rằng một giải đấu giữa những đội bóng danh tiếng nhất lục địa sẽ là thỏi nam châm thu hút mọi tầng lớp khán giả.
Tuy nhiên, nhiều lý do trong đó chủ yếu là tài chính và sự khó khăn khi di chuyển giữa các quốc gia, ý định ấy đã bị xếp xó trong rất nhiều năm và Hanot đành hài lòng nhìn các đội bóng đá theo thể thức Cup cho đến tận cuối đời.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, Berlusconi đã liên hệ với Chủ tịch Real Ramon Mendoza. Khác với tiền nhiệm kiệt xuất Bernabeu, Mendoza cảm thấy không cần thiết phải thay đổi thể thức.
Tại sao phải thay đổi khi Real đã có thành công liên tiếp ở thể thức cũ? Không nản lòng, ông chủ Milan quay sang thuyết phục nhóm các CLB khác và nhận được sự ủng hộ rất lớn của Alex Flynn, một chuyên gia lừng danh về bóng đá.
Chính Flynn từng trình bày các luận điểm về “siêu giải đấu” tại một hội nghị về thể thao và khi toàn văn được đăng lên tạp chí Times, nó bỗng chốc trở thành tâm điểm của giới túc cầu. Ngay lập tức, Berlusconi liên hệ với Flynn và yêu cầu ông lên kế hoạch.
“Tôi cho rằng siêu giải đấu này phải dựa trên thành tích, truyền thống và khả năng thu hút truyền hình của các đội bóng. Nó phải là một giải đấu dành cho truyền hình. Dự tính của tôi là một giải đấu có khoảng 18 CLB trong đó chắc chắn phải có 2 đội đến từ Anh, Italy và Tây Ban Nha”, Flynn nhớ lại về tình hình lúc ấy.
Berlusconi hoàn toàn tán đồng và gửi kế hoạch tới UEFA. Tổ chức bóng đá khổng lồ này không hài lòng khi một gã chủ tịch CLB lại định làm thay việc của họ. UEFA từ chối và Berlusconi dọa sẽ ly khai, đồng thời lôi kéo các đội bóng khác làm theo, để tự xây dựng một “siêu giải đấu” của riêng mình.
Lúc này, đứng trước tình thế nan giải, UEFA cảm thấy rất chông chênh. Họ vừa muốn giữ cấu trúc cổ điển vốn đã kéo dài suốt hơn 30 năm, vừa muốn thỏa mãn yêu sách của các CLB lớn, nhất là khi chủ tịch Real Mendoza cuối cùng cũng bị thuyết phục và ngả theo phe Berlusconi.
Tháng 8/1991, các thành viên UEFA đã nhóm họp và thông qua nghị quyết về việc thay đổi bộ mặt và thể thức của Cup châu Âu theo đề xuất của chính Mendoza và giám đốc thể thao của Rangers Campbell Ogilvie, người là một nhà quản lý xuất chúng và về sau trở thành Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Scotland.
Thay vì tiến hành theo thể thức Cup, tức đá loại trực tiếp từ đầu đến cuối giải đấu, UEFA quyết định 8 đội lọt vào vòng tứ kết sẽ được chia làm 2 nhóm đấu vòng tròn chọn ra 2 đội nhất mỗi nhóm để đá trận chung kết. Sự thay đổi này ngay lập tức đã làm gia tăng số trận đấu ở Cup châu Âu.
Ở mùa 1990-1991, với 31 đội, số trận chỉ là 59. Nhưng ở mùa sau, với 32 đội, con số này đã tăng lên tới 73 trận. UEFA cũng tiến hành hợp tác với TEAM, một đơn vị xây dựng thương hiệu danh tiếng, để chuẩn bị cho giải đấu mới.
UEFA Champions League đã chính thức hình thành.