Năm 2021, dịch bệnh ảnh hưởng mọi mặt, nhưng đời sống văn chương vẫn tiếp nối. Các xu hướng, vấn đề của văn chương Việt đã được đề cập trong tọa đàm trực tuyến “Văn học Việt Nam – một năm nhìn lại”. Tọa đàm do khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV6) tổ chức trực tuyến.
Tác phẩm mới dừng lại ở ghi chép, phản ánh đại dịch
Ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn – cho rằng đại dịch đã bao trùm đời sống trong hai năm qua, thay đổi thế giới, thay đổi con người và tác động tới giới cầm bút.
“Covid-19 có thể chấm dứt nhưng tư duy, cảm xúc của con người đã thay đổi rất lớn. Sau đây, chúng ta cần suy nghĩ, đặt bút và viết về số phận con người trong đại dịch”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều tác phẩm viết về Covid-19 đã được xuất bản. Trong đó, ông biết tới những bản thảo tiểu thuyết, trường ca với đề tài đại dịch.
Cùng quan điểm, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam ghi nhận các tác phẩm trong năm 2021 cho thấy nỗ lực của người cầm bút khi viết về đề tài chống dịch. Tuy nhiên, ông cho rằng văn học viết về đề tài này cơ bản dừng lại ở dạng ghi chép, ghi nhận. Giới phê bình, bạn đọc tạm bằng lòng với chất lượng văn chương như hiện tại và hy vọng thời gian tới sẽ có những sản phẩm đáng trông đợi hơn về đề tài đại dịch.
Khoảng thời gian mà nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng cần thiết để cho ra đời tác phẩm chất lượng, có chiều sâu về đề tài đại dịch là 5-7 năm.
“Virus corona chẳng có gì nhiều để ta phải viết, nó chỉ có vài mô tả sinh học, cơ chế lan truyền, lây nhiễm… Đó không phải chuyện của văn chương. Chuyện của văn chương là nó gây ra điều gì cho đời sống con người, cá nhân, cộng đồng, vết thương nó gây ra như thế nào, khiến xã hội, con người có biến đổi gì”, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nói.
Sách 120 ngày mây thì thầm với gió – Ghi chép từ cuộc chiến sống còn xua đuổi Cô Vy. Ảnh: NXB Trẻ. |
TS ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ cũng cho rằng tác phẩm văn học không chỉ minh họa cho đề tài thời sự mà phải hướng tới giá trị cốt lõi muôn đời. Hiện nay chưa có tác phẩm lớn về đề tài Covid-19. Nhưng đại dịch tạo đề tài, dữ liệu để nhà văn suy nghĩ, khai thác.
“Tôi tin sau này sẽ có những tác phẩm lớn, mang dấu ấn sâu đậm thời đại Covid-19”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói. Theo ông, cần một khoảng thời gian lắng sâu để người cầm bút đủ chiêm nghiệm.
“Không phải ta cầm bút nói về con vi trùng, mà văn học phải cất lên tiếng nói về con người. Qua đại dịch, rất nhiều điều ẩn sâu bên trong chúng ta đã biểu lộ. Không ai muốn, nhưng đại dịch đã xảy ra, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách sống, đặc biệt thay đổi cách viết của các nhà văn trẻ trong khởi đầu sự nghiệp của họ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói về tính chất riêng của văn chương khi thể hiện, phản ánh thời cuộc.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch – Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) – cho rằng trong hai năm Covid-19 xảy ra, có những cây bút mới bước vào nghề viết và chọn đề tài đại dịch.
Ông đánh giá cao truyện ngắn lấy bối cảnh Covid-19 của cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang. Trưởng khoa Văn học mong chờ tác phẩm lớn: “Khi dịch hạch xảy ra, Albert Camus đã viết một kiệt tác. Điều đó cho thấy trong biến cố vẫn có những tác phẩm lớn xuất hiện”.
Tiểu thuyết Một ví dụ xoàng. Ảnh: T.Đ. |
Những tác phẩm văn học nổi bật trong năm qua
Tại tọa đàm, các nhà phê bình, đại diện giới văn chương, xuất bản cũng nói về những tác phẩm nổi bật trong năm qua.
Nhiều diễn giả nhắc tới tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương. Vẫn là một Nguyễn Bình Phương độc đáo, góc cạnh nhưng cuốn tiểu thuyết thứ mười trong sự nghiệp của nhà văn quân đội có cấu trúc sáng rõ, đơn giản hơn từ mạch kể, kết cấu. Cuốn sách khiến người đọc suy tư vào chiều sâu của kiếp người. Chính vẻ ngoài tưởng như đơn giản này cho thấy sự cao tay hơn trong bút pháp nhà văn.
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng Nắng Thổ Tang là tiểu thuyết đáng chú ý trong năm qua. Tác phẩm của nhà văn trẻ Đinh Phương là bước phát triển vượt bậc so với tiểu thuyết đầu tay của anh – Nhụy khúc.
“Đây là tác giả sẽ đi đường dài và đạt nhiều thành tựu mà ta có thể trông đợi”, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nói.
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đánh giá cao lối viết nhuần nhuyễn và chất lượng tác phẩm văn chương của cây bút trẻ.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch chọn tập truyện Chuyến bay tháng ba của Lê Khải Việt. “Tác giả có sự trưởng thành khiến tôi khâm phục về kỹ thuật, có lối viết về chiến tranh độc đáo”, ông Thạch đánh giá.
Sách Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi. Ảnh: T.Đ. |
Ở lĩnh vực thơ, ba tác phẩm được các diễn giả nhắc tới: Tập Văn học vết thâm của Nguyễn Thúy Hạnh với giọng thơ đặc biệt; tập Yao viết về người Dao của Lý Hữu Lương và tập Ly ca của Đỗ Doãn Phương.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng lĩnh vực nghiên cứu, phê bình năm qua phong phú. Ông đánh giá cao Nevermore – Hồi ức đau buồn bất tận của Hoàng Tố Mai. Đây là một chuyên khảo về thế giới nghệ thuật của Edgar Poe.
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng sách nghiên cứu văn chương nổi bật năm qua là cuốn Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi của TS Đoàn Ánh Dương. Đây là biên khảo về văn học và xã hội Việt Nam sau Đổi mới.
Trong khi đó, một số diễn giả bình chọn chính sách của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam – Từ trang sách đến gương mặt văn chương. PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng những tác phẩm phê bình theo sát hơi thở văn chương như vậy có vai trò quan trọng, giúp nhận diện văn chương đương thời.
Lĩnh vực văn học dịch có nhiều tác phẩm hay của văn chương thế giới được xuất bản tiếng Việt năm 2021. Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chọn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, tiểu thuyết của Ocean Vương, Khánh Nguyên dịch. Tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng văn chương và thành công thương mại ở thị trường xuất bản tiếng Anh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng trong bối cảnh chúng ta “nhập siêu” văn học hiện nay, những tác phẩm văn chương Việt dịch ra ngoại ngữ rất đáng quý. Ông đánh giá cao bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh mới được xuất bản. Đó là bản dịch sáng tạo của Nguyễn Bình, sinh viên đang học ngành thiên văn học.