Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.
Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền sự ra đời, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta, vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay, Đảng và Chính phủ đã ủy cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo quân đội ta”.
Tài năng và đức độ người “Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam thể hiện trên một số dấu ấn nổi bật sau:
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh.
Để xây dựng lực lượng vũ trang cho công cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp sớm tổ chức lực lượng vũ trang tập trung.
Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách.
Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ huy đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần, tạo khí thế, tinh thần đấu tranh cách mạng cho lực lượng vũ trang và toàn dân. Trên cương vị là Tư lệnh lực lượng vũ trang cách mạng, đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang phát huy vai trò nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh: TTXVN. |
Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đồng chí đã tham mưu cho Trung ương Đảng phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân (dân quân tự vệ du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực), trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của bộ đội chủ lực; đồng thời, trực tiếp tổ chức mở rộng, phát triển lực lượng vũ trang cả về số lượng, chất lượng, quy mô tổ chức, trình độ, khả năng chiến đấu; chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, tiến hành nhiều trận đánh quan trọng quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ đội chủ lực không ngừng phát triển, lớn mạnh, thành lập các đại đoàn, phối hợp bộ đội địa phương, dân quân du kích, tạo sức mạnh tổng hợp tổ chức các chiến dịch có tính chất quyết định về chiến lược, tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch.
Với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng – Bí thư Quân ủy Trung ương, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, tướng Giáp đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy thắng lợi nhiều chiến dịch quan trọng, như: Việt Bắc (1947), Biên giới, Trung du (1950), Đồng bằng, Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng – Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng tham mưu cho Trung ương Đảng và trực tiếp xây dựng, phát triển quân đội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tổ chức Bộ Tư lệnh Miền, kết hợp thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (chủ lực Miền), bộ đội địa phương với việc đưa các sư đoàn chủ lực miền Bắc cơ động vào tăng cường, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đồng thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp kiến nghị với Trung ương và chỉ đạo khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại; gửi cán bộ sang học tập tại Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhằm bổ sung lực lượng, nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng để chuẩn bị khung cán bộ chỉ huy cấp binh đoàn, quân đoàn; xây dựng các Quân chủng Phòng không – Không quân, Hải quân; Binh chủng Đặc công…
Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đề xuất thành lập các quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) nhằm tăng cường sức mạnh quân sự đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, thực hiện những trận đánh quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là minh chứng khẳng định đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sáng tạo, chính xác, phù hợp yêu cầu chiến trường, đáp ứng đòi hỏi khách quan của quy luật phát triển quân đội thời điểm đó.
Thực tiễn khẳng định ông không chỉ giỏi cầm quân mà còn có tài tổ chức quân đội; từ Đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ, vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ tiến lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, các binh đoàn, quân đoàn chủ lực lớn, các quân chủng, binh chủng.
Từ lúc chỉ biết sử dụng giáo mác, lựu đạn đến biết sử dụng xe tăng, pháo binh, tên lửa, máy bay; từ nghệ thuật đánh du kích nhỏ lẻ, phát triển lên chiến tranh chính quy, hiện đại, đánh hiệp đồng quân, binh chủng; vận động thần tốc, đánh nhanh, thắng nhanh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện và xây dựng quân đội thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.