Hội chợ sách quốc tế Venezuela lần thứ 17 vừa khép lại sau 10 ngày với hơn 800 hoạt động trực tuyến và trực tiếp. Một số tọa đàm giao lưu, giới thiệu về Việt Nam được diễn ra với sự góp mặt của các diễn giả đại điện cho giới văn học, văn hóa và ngành xuất bản Việt Nam.
Bên cạnh việc mang đến “không gian Việt Nam” do Đại sứ Việt Nam tại Venezuela Lê Viết Duyên dẫn đầu đoàn, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều hoạt động trực tuyến trong khuôn khổ sự kiện này.
Theo đó, các tọa đàm về chủ đề “Văn học Việt Nam”, “Ngành xuất bản Việt Nam”, “Văn hóa Việt Nam” và “Kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam” liên tiếp diễn ra. Chương trình có sự góp mặt của bà Tatiana Pugh – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam – cùng một số quan chức đại diện Venezuela.
Các diễn giả lần lượt tham dự tọa đàm gồm: PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS Trần Đoàn Lâm – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới; PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Venezuela; ông Lê Duy Truyền, nguyên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Venezuela.
“Không gian Việt Nam” – nơi trưng bày một số ấn phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha, tranh, ảnh, đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam – thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc Venezuela. Ảnh: Fanpage NXB Thế Giới. |
Xuất bản là cầu nối giúp hai quốc gia hiểu nhau hơn
Xoay quanh chủ đề “Ngành xuất bản Việt Nam”, TS Trần Đoàn Lâm – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới – có những chia sẻ chung về lịch sử ngành xuất bản trong nước cũng như vai trò của xuất bản phẩm đối với quan hệ giữa hai quốc gia.
Mở đầu tọa đàm, ông đánh giá Hội chợ sách quốc tế Venezuela là sự kiện có ý nghĩa không chỉ với ngành xuất bản Venezuela mà còn lan rộng ra toàn cầu.
“Khi các nhà xuất bản ở Việt Nam lần lượt ra đời, dù cuộc chiến lúc bấy giờ còn cam go, người dân Việt Nam vẫn yêu thích đọc sách. Minh chứng là có nhiều cuốn sách được tái bản liên tiếp, lên tới hàng chục nghìn bản in”, ông Lâm nói.
Hiện nay, Việt nam có gần 60 đơn vị xuất bản. Nhiều công ty phát hành sách, cụ thể có khoảng 1.500 cơ sở in và 13.700 nhà sách trải dài khắp nước.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng sách giảm, nhưng đây cũng là tiền đề để thúc đẩy phát hành điện tử. “Có 9 đơn vị xuất bản ở Việt Nam tham gia làm ebook, cho ra đời khoảng 2.000 đầu ebook”, ông Lâm thông tin.
Nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới cũng cho biết Chính phủ luôn hỗ trợ để ngành sách phát triển. Hàng năm, lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia được tổ chức trọng thể, các hội sách lớn ở Hà Nội và TP.HCM thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc, Ngày Sách Việt Nam (21/4) cũng là lễ hội lớn cho người yêu sách.
Khi biết tin Việt Nam là quốc gia khách mời danh dự tại Hội chợ sách quốc tế Venezuela, TS Trần Đoàn Lâm cho rằng hai bên có thể chia sẻ nhiều điểm chung: “Sự có mặt của Việt Nam cho thấy hai đất nước cách xa về địa lý, nhưng đều có chung niềm yêu thích đọc sách và sở hữu nhiều trang sử tương đồng, cùng khát vọng tự do, độc lập”.
Theo ông Lâm, sách giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị và xuất bản là phương tiện để truyền tải kiến thức giúp nâng cao dân trí của hai nước.
Thông qua những xuất bản phẩm, người Venezuela chúng tôi có thể hiểu hơn về tư tưởng, con người đất nước Việt Nam.
Bà Tatiana Pugh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam
Tham dự tọa đàm, ông Carolus Wimmer, Chủ tịch Hội Hữu nghị Venezuela – Việt Nam, cũng cho rằng đây là cơ hội để người dân đất nước ông tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, từ lịch sử chữ viết, quá trình in ấn đến sự phát triển của ngành xuất bản.
“Xuất bản là một mảng rất quan trọng để hiểu về văn học và văn hóa của một quốc gia. Phát triển ngành xuất bản chính là một cách thức quan trọng để truyền bá kiến thức đến người dân cả hai nước”, ông Carolus Wimmer nhấn mạnh.
Có mặt tại buổi giao lưu trực tuyến, bà Tatiana Pugh – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam – gửi lời cảm ơn đến đơn vị xuất bản của Việt Nam đã hỗ trợ Venezuela trong việc xuất bản một số ấn phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Văn học là nền tảng văn hóa của dân tộc. Ngành xuất bản Việt Nam có nhiều thành tựu đáng kể. Trong các tác phẩm được đọc, tôi cảm nhận người Việt đã thấm nhuần tư tưởng của những bậc vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Thông qua những ấn phẩm ấy, người Venezuela chúng tôi có thể hiểu hơn về tư tưởng, con người đất nước các bạn”, bà Tatiana Pugh bày tỏ.
Một số hoạt động khác
Không gian buổi giao lưu tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành xuất bản Việt Nam”. Ảnh: FILVEN. |
Có mặt tại buổi lễ khai mạc Hội chợ sách quốc tế Venezuela hôm 4/11, đại sứ Lê Viết Duyên và Tổng thống nước Cộng hòa Bolivar Venezuela – Nicolás Maduro Moros – đều bày tỏ hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều đầu sách của Việt Nam và Venezuela đến với độc giả hai nước.
Trong 10 ngày diễn ra sự kiện vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela phối hợp Ban tổ chức Hội chợ sách quốc tế Venezuela thực hiện nhiều hoạt động khác như: Giới thiệu sách, giao lưu văn hóa, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới những người bạn Venezuela.
Bên cạnh đó, ông Lê Duy Truyền, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Venezuela, đã có bài phát biểu trực tuyến với chủ đề “Văn hóa Việt Nam”, bàn về những nét đặc trưng trong lịch sử, tín ngưỡng và ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Ông khẳng định Việt Nam có một “nền văn hóa thống nhất trong sự đa dạng”. Nền văn hóa ấy có cội nguồn, gốc rễ từ những điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội với nhiều khác biệt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, tọa đàm “Kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam” có sự góp mặt của PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Venezuela. Trước đó, chủ đề “Văn học Việt Nam” có sự tham gia của hai diễn giả là PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.