Liên tiếp các vụ sách giả được phát giác trong thời gian gần đây làm nóng lại vấn đề bảo vệ bản quyền. Công nghệ phát triển khiến các hình thức in lậu sách trở nên tinh vi, sách lậu trên mạng Internet khó kiểm soát. Mỗi người đều phải tự nâng cao nhận thức để bảo vệ mình trước sách giả.
Nỗi lo sách giả tăng trước thềm năm học mới
Cuối tháng sáu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an phối hợp các đơn vị triệt phá đường dây in, gia công, tiêu thụ khoảng 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả.
Cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ, niêm phong hàng triệu cuốn sách giáo khoa thành phẩm giả sách của NXB Giáo dục Việt Nam. Đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan.
Đến cuối tháng bảy, cơ quan chức năng đột kích hai cơ sở in, gia công và phát hiện khoảng 50.000 sách giáo khoa, tài liệu học tiếng Anh… có dấu hiệu in ấn trái phép.
Đó là hai trong nhiều vụ in ấn, tiêu thụ sách lậu vốn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản, in và phát hành. Càng gần vào năm học mới, sách vở, đặc biệt là sách giáo khoa, bị làm giả, phát hành lậu nhiều.
Sách giả, vi phạm bản quyền ảnh hưởng trước tiên tới người làm sách chân chính và tác giả. 14 năm trước, ông Nguyễn Mạnh Hùng đang làm phó giám đốc một công ty công nghệ lớn, quyết tâm mở ra Thái Hà Books.
“Lập công ty sách, biết là khó nhưng tôi không ngờ lại phải đương đầu với sách lậu phức tạp như thế. Sách lậu làm mất doanh thu, mất lợi nhuận rất lớn. Nhiều lúc tôi còn cảm thấy mình bị xúc phạm nữa”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đáng lo ngại hơn, tình trạng vi phạm bản quyền làm xấu hình ảnh của giới làm sách trong nước với cộng đồng sách thế giới. Với tư cách Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, TS Nguyễn Mạnh Hùng dự nhiều hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ giao lưu trực tiếp với các nhà xuất bản, tác giả nước ngoài.
TS Hùng thỉnh thoảng nhận được khuyến cáo của đối tác nước ngoài rằng sẽ xem xét không bán bản quyền sách cho Việt Nam vì bị vi phạm nhiều.
Sách lậu ngoài việc gây thiệt hại cho tác giả, người làm sách chân chính, còn để lại hệ lụy khó lường cho người sử dụng. Ông Nguyễn Chí Bính, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, nhận định sách giả có hình thức trình bày kém và có rủi ro về nội dung. Chất lượng “bên trong” cuốn sách giáo khoa giả là điều đáng báo động.
“Điều đáng lo ngại nhất là học sinh sử dụng sách in lậu với những sai sót về màu sắc, đường nét, nội dung, dẫn đến sai lệch về kiến thức thu nhận”, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nói.
Hiện nay, Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các Thông tư, Nghị định đưa ra quy định pháp luật nhằm bảo vệ bản quyền, đồng thời quản lý các cơ sở in, phát hành nhằm ngăn chặn sách lậu. Tuy vậy, sự phát triển của công nghệ, việc trao đổi thông tin, giao nhận hàng hóa thuận tiện đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức in – phát hành sách giả hoạt động ngày càng tinh vi. Trên môi trường số, tình trạng vi phạm bản quyền càng khó kiểm soát.
Sách lậu như căn bệnh dai dẳng chưa tìm được thuốc chữa của ngành sách. Lâu nay, khi nhắc tới vấn đề nhức nhối này, nhiều người thường nghĩ việc ngăn chặn sách giả, sách lậu là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, ý thức bản quyền của mỗi người cũng là một yếu tố quan trọng trong chống sách lậu.
Một đơn vị phát hành nêu cách phân biệt sách thật với sách giả để khuyến nghị tới bạn đọc. Ảnh: Đ. A. |
Cần nâng cao nhận thức về bản quyền
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn rất nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thực thi pháp luật chưa tốt và ý thức về bản quyền của mọi người chưa cao.
“Những kẻ hám lợi làm sách lậu, sách giả, bản chất là đi cướp sức lực trí tuệ của đội ngũ trí thức. Một góc khác, có một số người nhiễm ‘bệnh’ thích xài chùa, thích miễn phí, thích đi xin, không thích trả tiền. Có một số thích hàng ‘bổ và quý nhưng lại ít tiền’. Có một bộ phận người dân chưa biết xấu hổ khi dùng hàng trộm cắp, và thậm chí còn cổ xúy cho trộm cắp, trong đó có ăn cắp tri thức, bản quyền”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Câu chuyện của công ty truyện tranh Comicola là minh chứng cho nhận định của TS Nguyễn Mạnh Hùng. Trước đây, Comicola từng mua bản quyền một truyện tranh đang “hot” về để phát hành. Mua bản quyền xong, công ty phát hiện truyện đang bị đăng tải trên một trang web không bản quyền. Công ty đã tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ bản quyền truyện mà mình mất công sức, tiền bạc mua về.
Một số người thích xài chùa, thích đọc miễn phí, thích đi xin, không thích trả tiền. Có một bộ phận chưa biết xấu hổ khi dùng sách lậu.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Khi trang web đăng truyện lậu phải gỡ truyện xuống, Comicola nhận được những phản hồi không mong muốn. Trong đó có ý kiến gọi việc mua bản quyền rồi tiến hành bảo vệ bản quyền là “chơi dơ”, “thấy truyện đang hot thì lấy về rồi chặn bên khác”. Nguyễn Khánh Dương – người sáng lập Comicola – cay đắng: “Tôi còn bị tẩy chay vì bán truyện bản quyền”.
Rõ ràng thói quen “đọc chùa”, “đọc miễn phí” vẫn tồn tại trong một bộ phận độc giả. Bên cạnh đó, trước mê trận sách giả làm tinh vi như sách thật, nhiều người không biết mà mắc lừa, mua phải sách giả.
Rosie Nguyễn – tác giả Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? (cuốn sách best-seller) bị làm giả và phát tán lậu nhiều trên mạng – nói mỗi tác giả có thể góp phần giúp độc giả nâng cao nhận thức về bản quyền, chia sẻ với họ cách thức phân biệt sách giả, sách thật, giúp người đọc tự bảo vệ quyền lợi của mình.
“Các tác giả hãy cùng lên tiếng, kêu gọi bạn đọc ủng hộ sách thật và những người làm sách chân chính, đồng thời báo cáo các trang bán sách giả hoặc ebook lậu”, Rosie Nguyễn nói.
Nhà báo Trương Anh Ngọc là một người đọc nhiều sách và thường chia sẻ về những cuốn sách hay trên mạng. Anh nói việc ngăn chặn vi phạm bản quyền phụ thuộc nhiều vào ý thức của người đọc.
“Không thể nói rằng vì không ngăn chặn được sách giả, nên tôi thấy sách giả sẽ mua. Điều đó không khác gì bảo vì cửa hàng không có nhân viên bảo vệ, tôi thích thì tôi lấy đồ”, Trương Anh Ngọc nói.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng một trong các biện pháp bảo vệ bản quyền hiện nay là phải truyền thông để bạn đọc hiểu và tiến đến nhận thức về bản quyền. Khi mỗi người đều nêu cao ý thức bảo vệ bản quyền, đó chính là liều vaccine chống căn bệnh trầm khá có tên “sách lậu”.