Nổi lên trong làng văn trẻ khi đoạt giải ba cuộc thi Văn học tuổi 20, Hiền Trang được biết tới nhờ tài viết văn, dịch thuật, khả năng ăn nói trước đám đông và những bài báo mang phong cách bình văn chương, luận nghệ thuật.
Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, Dưới mái hiên đêm những khách lạ,Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi… là những tác phẩm tiêu biểu giúp người yêu văn chương nhớ tới cô.
Hiền Trang vừa hoàn thiện bản thảo một truyện dài và một tập truyện ngắn. Thời điểm dịch bệnh cho phép cô có sự tĩnh tại để chìm đắm trong văn chương hơn. Những tác phẩm ấy mang hy vọng cả tác giả và độc giả, có thể “nhảy vào một thế giới của ngôn từ và cái đẹp”.
Nhà văn Hiền Trang. Ảnh: NVCC. |
Cuốn sách hay sẽ đưa bạn đọc vào thế giới của nó
– Trong những cuốn sách sắp ra mắt, Hiền Trang muốn nhắn nhủ thông điệp gì tới độc giả?
– Một năm rưỡi qua, tôi viết không ngừng. Thời điểm dịch bệnh, tôi vẫn làm thêm khá nhiều việc và đọc sách nhiều hơn. Nó vừa là sở thích, vừa là công việc (tôi nhận viết điểm sách cho một trang báo). Tôi đọc những gì mình “vơ” được, từ các tựa sách về văn chương, toán học, âm nhạc, đến vũ trụ, thần thoại…
Ba năm nay, tôi đã phải viết đi viết lại cuốn truyện dài sắp ra mắt của mình. Nó xoay quanh thế giới nơi âm nhạc và nghệ thuật dần biến mất.
Còn về dự án truyện ngắn, có thể coi đó là lời kể của một học sinh từng thất bại trong môn Văn ở nhà trường. Bây giờ, cô ấy xin phép được viết lại những câu chuyện kinh điển của văn học Việt Nam theo một cách riêng.
Tôi cho rằng văn chương không nên được viết ra để nhắn nhủ gì hết. Nó không cần nói cho người đọc điều gì cả. Xét cho cùng, ta yêu Harry Potter không phải vì J.K. Rowling dạy dỗ một chân lý nào về tình bạn hay lòng dũng cảm, mà vì bà cho chúng ta được sống trong một thế giới không có thật.
Tôi nghĩ một cuốn sách hay sẽ đưa ta vào thế giới của nó, động lực duy nhất của nó là kể chuyện chứ không phải áp đặt cách nhìn thế giới. Nhà văn không cần thuyết giảng điều gì cho ai.
Dưới mái hiên đêm những khách lạ là một trong những tác phẩm của Hiền Trang. Ảnh: NVCC. |
– Theo bạn, khi viết một tác phẩm, nhà văn có nhất thiết phải lấy ý tưởng từ cuộc sống hàng ngày?
– Trên website của mình, tôi đề: “Muốn làm tri kỷ của thằng hề, lại trở thành bạn đường của vua Lear”. Câu nói đó phần nào mang hàm ý trả lời cho câu hỏi của bạn.
Vở Vua Lear của Shakespeare kể về vị vua già mù quáng đuổi con gái chính trực nhất, rồi phát điên sau khi bị hai người con còn lại phản bội. Khi nhìn lại, ngài chỉ còn duy một chàng hề luôn cười hềnh hệch trước mọi sự.
Tôi cho rằng nhà văn đứng giữa thể trạng của vua Lear điên rồ và chú hề minh mẫn. Họ ngước mắt lên để thấy đêm sao huy hoàng, nhưng đôi chân họ mãi chỉ dính liền với trần thế.
Đôi khi, cuộc sống của người viết và câu chuyện trong tác phẩm của họ trái ngược nhau. Điều đó không có nghĩa là tác giả sống hoặc viết giả dối. Bởi viết văn là chắt lọc những gì thiện lương nhất, tốt đẹp nhất trong con người tác giả.
Nếu nhà văn viết chỉ để chạy theo một hiện thực nào đó, thì đó không phải văn chương. Ví dụ hiện nay, có những người kêu gọi chúng tôi hãy viết một tác phẩm văn học về dịch bệnh, họ nói hiện thực ngoài kia đang ngồn ngộn thế mà, sao nhà văn không viết?
Tôi quan niệm, nghệ thuật, nhất là văn chương, không nhất thiết luôn luôn phải bắt chước cuộc đời. Ngược lại, ở một số trường hợp, cuộc đời sẽ bắt chước nghệ thuật.
– Từng đoạt giải trong cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20, Hiền Trang có coi đó là bàn đạp để tiến xa hơn?
– So với nhiều cuộc thi khác, tôi cho rằng Văn học tuổi 20 có sự cởi mở hơn. Nơi đó chấp nhận và cổ vũ những đề tài phi hiện thực khi sự sáng tạo vượt ngưỡng thông lệ, và có chỗ cho những người “ngoại đạo” – không xuất thân từ trường viết văn – như tôi.
Cuộc thi đem lại cho tôi nhiều điều. Quan trọng hơn giải thưởng chính là độc giả. Một số nhà văn, nhà báo, trí thức gạo cội mà tôi kính trọng cũng thử đọc tác phẩm, và viết lời bình tích cực về nó. Đó là điều vô giá đối với tôi.
Tôi chưa nghĩ mình đã thành công. Khi bắt đầu công việc, tôi chỉ nghĩ mình muốn viết ra câu chuyện này, nếu không kể ra thì tôi không chịu được mất. Đến giờ vẫn thế, tôi tiếp tục viết vì nghĩ câu chuyện ấy xứng đáng có một hình hài.
Ngoài viết văn, Hiền Trang còn liên tục đọc sách, vừa vì sở thích, vừa để phục vụ nghề viết báo cho mảng văn chương, nghệ thuật. Ảnh: NVCC. |
Sáng tác văn chương là quá trình dài
– Là cây bút viết văn và báo, Hiền Trang gặp khó khăn gì khi phải thực hiện song song hai công việc đó?
– Tôi lớn lên trong một gia đình ba đời làm báo nên hiểu làm báo thực thụ là thế nào. Tôi chỉ viết các bài có tính chất bình luận, không phải lăn xả như các phóng viên chân chính, nên không nghĩ mình là nhà báo.
Những đề tài tôi viết cho phép mình có những đoạn văn tung tẩy. Có thể bởi tôi chủ yếu viết báo giấy và những tạp chí đọc chậm nên biên tập viên và độc giả dễ chấp nhận sự tự do, phóng khoáng trong phong cách viết.
Báo chí dạy tôi nhiều điều, nhất là tính kỷ luật, đến ngày phải có bài, không thể trông chờ vào cảm hứng. Sáng tác văn chương thực ra cũng không khác nhiều. Nhà văn không mộng mơ như mọi người nghĩ đâu, họ làm việc bài bản và kỷ luật lắm.
Tất nhiên, tư duy báo chí phải đi đôi với tính thời sự. Còn văn chương là sự tích tụ, nung nấu lâu dài. Viết báo, bên cạnh việc cho tôi một lượng độc giả nhất định, còn cho tôi thêm nhuận bút để hỗ trợ cho nghề viết văn và nuôi sống bản thân.
– Bạn hiện làm nhiều công việc một lúc, phải chăng thù lao từ nghề viết văn vẫn khiến bạn phải bươn trải?
– Tản Đà từng nói: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Điều đó đến giờ vẫn không sai. Nhuận bút của mỗi tác phẩm giống như một món quà nhỏ thôi, nên tôi không coi việc viết văn là công cụ kiếm sống, nhưng không vì thế mà tôi không nghiêm túc trong nghề này.
Tôi không được đào tạo qua trường viết văn, nhưng muốn đem vào văn chương những điều hơi khác lạ một chút. Điểm thú vị nhất của văn chương là không có rào cản cho những ai muốn gia nhập.
Tôi viết nhiều thứ khác ngoài văn chương (viết báo, truyền thông, dịch sách) nên tôi được sống trong nhiều thế giới.
Tôi cũng không thích làm một nhà văn toàn thời gian, như vậy thì chán quá! Tôi thích bỏ trứng vào nhiều giỏ, bởi quả trứng nào cũng có thể nở ra những điều bất ngờ.