Điều kiện ánh sáng tốt sẽ kéo dài vài phút nữa trước khi tàu Apollo 8 bay vào vùng tối. (Nhìn chung, phi hành đoàn sẽ có một giờ có ánh sáng phù hợp để chụp ảnh trong mỗi hai giờ quanh Mặt Trăng). 40 phút nữa, con tàu sẽ bay về mặt sau của Mặt Trăng và lại mất liên lạc với Trái Đất.
Apollo 8 đã bay hết một vòng đầu; ở vòng tiếp theo, họ sẽ lần đầu tiên phát sóng truyền hình từ Mặt Trăng. Đó là một chương trình truyền hình buổi sáng ở Mỹ, hàng triệu người Mỹ và trên toàn thế giới sẽ theo dõi. Tại nhà, vợ của các phi hành gia đã kéo các con ngồi trước tivi. Đêm qua, họ không thể nào ngủ được.
Phi hành đoàn Apollo 8. Ảnh: NASA. |
Khoảng 7h30 sáng ngày 24/12, tín hiệu thử nghiệm nhấp nháy trên màn hình tivi và một đốm sáng lắc lư xuất hiện. Khi máy quay đã cố định, đốm này trở thành một hình cầu đều với những đường tròn mờ gần như vô hình trên bề mặt. Cũng có thể đó chỉ là những đường thẳng, hoặc do người xem tưởng tượng ra. Nhưng khi Anders hướng máy ảnh ra cửa sổ để có tầm nhìn rõ hơn, ngay cả các khán giả nhỏ tuổi nhất cũng biết đó là gì.
Mặt Trăng.
“Nói đi Bill”, Lovell đóng vai làm người dẫn chương trình và nhắc, “anh thấy màu sắc Mặt Trăng từ vị trí này ra sao?”
Cả thế giới đang chờ đợi một mô tả đầy chất thơ. Nhưng khi nhìn xuống, bề mặt Mặt Trăng khiến Anders nhớ đến bờ biển La Jolla Shores ở San Diego, nơi mà ông và Valerie từng nướng kẹo dẻo và chơi bóng chuyền thời trẻ. Ông sẽ tả nó như thế.
“Mặt Trăng có màu trắng xám, giống như cát ở bãi biển bẩn cùng rất nhiều dấu chân in trên đó”.
Khi bay qua nhiều địa điểm khác nhau, Anders chỉnh máy quay để có cái nhìn rõ hơn. Sau một hồi, bức tranh trở nên rõ nét. Sau đó, Anders không chỉ mô tả các hố va chạm ông thấy mà còn gọi chúng bằng tên do chính mình đặt.
Ông nói rằng Apollo 8 đã bay qua các hố va chạm mang tên Mueller, Bassett, See (Bassett và See là hai phi hành gia thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay năm 1966), Borman, Lovell, Anders, Collins và tên của nhiều người khác nữa.
[…]
Sau 12 phút phát sóng, tàu Apollo 8 biến mất và màn hình tivi trở nên tối đen. Ngay cả khi đã ngừng quay phim, các phi hành gia vẫn không ngừng miêu tả Mặt Trăng.
Hình ảnh trong chương trình truyền hình phát từ Mặt Trăng ngày 24/12/1968. Ảnh chụp màn hình. |
“Góc nhìn từ độ cao này thật tuyệt diệu”, Lovell nói với CapCom Jerry Carr. “Chẳng có gì khó để nhận ra các điểm chúng tôi đã thấy trên bản đồ”.
Chốc lát sau, Lovell đã đến được nơi mà ông mong chờ từ lâu. “Tôi có thể thấy rõ điểm hạ cánh tiềm năng thứ hai, đỉnh Marilyn”. “Rõ”, Carr xác nhận.
Lúc còn ở Trái Đất, Lovell đã hứa với vợ sẽ đặt tên bà cho một ngọn núi. Giờ đây, ông đã thực hiện lời hứa đó từ Mặt Trăng.
Một giờ sau khi băng qua đỉnh Marilyn, Apollo 8 lại biến mất ở phía tây của Mặt Trăng để hoàn tất vòng bay thứ hai. Phi hành đoàn chuẩn bị khởi động lại SPS – lần này chỉ trong vài giây – để làm tròn quỹ đạo bay của con tàu.
Cho đến giờ, họ đang bay theo hình elip với độ cao dao động từ 111 km đến 314 km. Nếu thành công, họ sẽ chuyển sang quỹ đạo tròn ở độ cao không đổi, chỉ cách bề mặt Mặt Trăng 111 km.
Như thường lệ, khi màn hình nhấp nháy số 99, phi hành đoàn nhấn nút khởi động động cơ. 11 giây sau, động cơ ngừng lại. Theo tính toán của máy tính trên tàu, Apollo 8 giờ đã bay theo quỹ đạo tròn ở độ cao 111 km trên bề mặt Mặt Trăng. Và nó sẽ ở lại đó vĩnh viễn, trừ phi SPS khởi động lại lần nữa theo lịch trình trong 16 giờ tới. Đó là điều khiến Borman lo sợ.
Khi Apollo 8 đang bay quanh Mặt Trăng, Borman phụ trách lái tàu. Trong một chuyến bay trên Trái Đất, nhiệm vụ đó nghĩa là điều khiển bánh lái, đổi hướng bay, chuyển độ cao và cả tá hoạt động khác.
Trên Mặt Trăng, khi đường bay của Apollo 8 đã bị khóa bởi cơ chế quỹ đạo, nhiệm vụ trở thành định hướng cho con tàu để các phi hành gia khác thực hiện nhiệm vụ được giao. Cho tới giờ, con tàu đang bay ngược. Đó là điều cần thiết để SPS làm chậm con tàu và đưa nó vào quỹ đạo Mặt Trăng rồi chuyển thành quỹ đạo tròn.
Nhưng hiện tại, theo như kế hoạch bay, Borman sẽ quay con tàu xiên xuống dưới cho đến khi mũi Apollo 8 vuông góc với bề mặt Mặt Trăng.
Ở góc nhìn này, Anders bắt đầu chụp một loạt ảnh nổi theo chiều dọc – hai bức về cùng một vật nhưng ở vị trí khác nhau đôi chút – giúp NASA dựng bản đồ chi tiết bề mặt Mặt Trăng, gồm cả đường bay hoạch định cho các nhiệm vụ đổ bộ trong tương lai. Ông tập trung vào việc chụp ảnh bất cứ khi nào đủ ánh sáng, nhưng cũng không quên giám sát con tàu cùng các hệ thống của nó.
Công việc của Lovell là nghiên cứu địa hình và quan trắc để chụp ảnh các điểm hạ cánh tiềm năng trên Mặt Trăng. Qua kính lục phân, sau khi nhắm một vị trí hay vật thể (nhiều trong số các vị trí đó đã được NASA chọn trước), ông sẽ nhấn một nút trên bảng điều khiển trước mặt để ghi lại vị trí tàu vũ trụ và góc độ với điểm đó.
Việc thu thập tọa độ chính xác của những điểm này giúp NASA vẽ chi tiết bản đồ Mặt Trăng, cải thiện sự hiểu biết về hình dạng Mặt Trăng và xây dựng các biểu đồ biến thiên của trường hấp dẫn nhằm phục vụ các sứ mệnh trong tương lai.