Hai công ty tư nhân hàng đầu trong ngành hàng không vũ trụ, SpaceX và Blue Origin, có nguyên tắc và cách thức hoạt động tương đối trái ngược nhau.
Điều này đã được Christian Davenport làm rõ và so sánh như một cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa trong cuốn sách Những bá chủ không gian.
Thỏ và rùa
Elon Musk và Jeff Bezos, hai tỷ phú với hai phong cách rất khác biệt, là những người đi đầu trong việc làm sống lại chương trình không gian Mỹ.
Đầy táo bạo, Musk luôn tiến về phía trước, những thành công và thất bại của ông luôn là tâm điểm của sự chú ý. Ngược lại, Bezos kín kẽ và thận trọng, dự án tên lửa của ông luôn phủ lớp màn bí mật.
Khi Blue Origin ra đời, Jeff Bezos đã giữ bí mật tuyệt đối, gần như không nói cho bất cứ ai biết kế hoạch của công ty. Công ty không có tên trong danh bạ điện thoại. Các nhân viên nói với hàng xóm rằng họ đang tham gia dự án nghiên cứu khoa học.
Thành lập từ năm 2000 nhưng đến năm 2006, Blue Origin vẫn là tổ chức được che đậy, lảng tránh báo chí và thậm chí được giữ kín với cả đồng nghiệp trong ngành.
Elon Musk (trái) và Jeff Bezos. Ảnh: Christina Animashaun/Vox. |
Tôn chỉ của công ty là cứ đi chậm mà chắc, “bạn chỉ cán đích nhanh hơn nếu đi từng bước một” với biểu tượng là một đôi rùa hướng về các ngôi sao cùng khẩu hiệu Gradatim Ferociter. Nó có nghĩa là “từng bước, đầy mạnh mẽ”.
Theo Bezos, hàng không là ngành mạo hiểm và nhiều rủi ro, Blue Origin cần thời gian dài để đạt được sứ mệnh của nó. Vậy nên, họ làm việc một cách cẩn trọng, cải tiến dần dần và giữ ổn định các khoản đầu tư. Đi bước nhỏ, thường xuyên sẽ tạo ra tốc độ nhanh hơn và sớm có kết quả.
Ngược lại với Bezos, Elon Musk lại thể hiện rõ tính cách của một chú thỏ hiếu thắng. Ra đời sau Blue Origin 2 năm, nhưng SpaceX của Musk khiến người ta phải nhắc đến liên tục. SpaceX chính là Musk, nhanh chóng, mạnh mẽ và chạy hết tốc lực.
Không có tiềm lực tài chính mạnh như Bezos khi tự chi tiền túi cho Blue Origin, ban đầu, Musk bỏ ra 100 triệu USD vào SpaceX. Sau đó, ông tìm cách kêu gọi đầu tư và đấu thầu các hợp đồng lớn của NASA.
Suốt nhiều năm, Musk và đội ngũ SpaceX xuất hiện ở các cuộc hội thảo, gào thét rằng hãy cho họ một cơ hội để cạnh tranh công bằng trong các dự án của chính phủ. Họ có thể làm được điều đó một cách đáng tin cậy, nhanh hơn nhiều so với NASA với mức giá chỉ bằng một phần mười.
Không có ai ồn ào hơn Musk. Khi công khai kế hoạch và dự định của SpaceX cho công chúng, kể cả khi chưa hề biết kết quả, ông thích thú với cơ hội được chứng tỏ bản thân, chứng minh rằng đội ngũ của SpaceX hoàn toàn có thể làm được. Musk có thể là con thỏ ngạo mạn và đôi khi hơi khó chịu, nhưng gan dạ và táo bạo.
Elon Musk. Ảnh: Brendan Smialowski / AFP. |
“Chúng tôi không phải anh em sinh đôi”
Trên thực tế, dù rất khác nhau về cách thức vận hành công ty, thậm chí còn có những cuộc tranh luận gay gắt trên Twitter, cũng như kiện tụng, Jeff Bezos và Elon Musk có khá nhiều điểm tương đồng.
Thuở nhỏ, Musk thích đọc sách. Một trong những cuốn sách ảnh hưởng nhất cuộc đời ông là Bí kíp quá giang vào ngân hà của Douglas Adams. Ông sớm nhận ra tầm quan trọng của năng lượng Mặt Trời và tự đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó tắt lịm? Hay một tiểu hành tinh va vào Trái Đất?
Phương án tốt nhất là chinh phục Hỏa tinh. Ông không trông chờ các chương trình của NASA hay chính phủ, mà tự mình chế tạo tàu vũ trụ của riêng mình.
Mục tiêu của Musk không chỉ là nhanh chóng thiết kế ra tên lửa và tàu vũ trụ mà còn phải tiết kiệm hết mức có thể.
Ngoài việc sản xuất các thiết bị máy móc trên chính đất Mỹ, SpaceX còn nghĩ đến cải tiến công nghệ, ví dụ như thay thế màn hình cảm ứng thay các phím bấm, sử dụng bộ đồ bảo hộ bớt cồng kềnh để giảm chi phí. Quan trọng hơn cả là tái sử dụng động cơ đẩy và cả con tàu khi hạ cánh thành công tại điểm xác định trước.
Musk và đội kỹ sư không muốn sau mỗi lần phóng, họ lại phải nhặt xác con tàu ngoài đại dương. Việc đó không khác gì vứt bỏ hàng chục triệu USD xuống biển.
Jeff Bezos cũng có suy nghĩ như vậy. Từ trước đến nay, các tên lửa hầu như chỉ được dùng một lần. Các tầng đầu tiên, sau khi phóng trọng tải vào quỹ đạo, sẽ tách ra rồi rơi đâm xuống biển, không bao giờ được dùng lại. Chúng giống như những con ong mật hy sinh mạng sống khi dùng ngòi đốt một lần huy hoàng.
Nhưng nếu Blue Origin tìm được cách giúp cho tên lửa có thể bay đi, bay lại, thay vì bị rơi xuống đáy đại dương, đó sẽ là thành công vượt bậc trong việc tiết kiệm tiền bạc.
Sinh ra trong gia đình có ông nội là cựu thiếu tá hải quân, phục vụ trong Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và sống ở nông trại rộng lớn, nơi có thể ngước nhìn lên bầu trời thăm thẳm, Bezos sớm bộc lộ niềm yêu thích với vũ trụ.
Cậu bé khi ấy thích xem Du hành giữa các vì sao, từng nghiên cứu bài luận về loài ruồi nhà trong không gian xuất sắc đến mức giành được chuyến tham quan Trung tâm Hàng không Vũ trụ Marshall của NASA ở Huntsville, Alabama.
Đến khi Blue Origin được thành lập, niềm mơ ước không gian của Bezos mới thành hiện thực. Sứ mệnh của Blue Origin được thể hiện ngay trên chính tên gọi của nó. “Blue” đại diện cho “cái chấm màu xanh nhạt”, chính là Trái đất. “Origin” mang ý nghĩa nơi loài người bắt đầu.
Trọng tâm duy nhất của Bezos là con người trên không gian. Ông muốn đưa con người lên không gian.
Jeff Bezos. Ảnh: CNN. |
Khi được hỏi về Musk, Bezos nói rằng: “Chúng tôi có những suy nghĩ tương đồng về nhiều thứ, nhưng không phải là anh em sinh đôi trong việc khái niệm hóa tương lai”.
Bezos muốn đến Hỏa tinh và “tất cả nơi khác”, đặc biệt là Mặt Trăng. Bezos cho rằng nếu biến Mặt Trăng thành nhà của con người, sau đó, sẽ tiếp cận Hỏa tinh dễ dàng hơn.
Còn mục tiêu của Musk từ đầu đến cuối vẫn là Hỏa tinh, và cố gắng biến nó thành nơi mà loài người có thể sinh sống.
Nếu Musk và Bezos cuối cùng đưa được loài người đi xa hơn vào vũ trụ, xây dựng hệ thống đường dẫn đến các vì sao, họ hẳn sẽ phải cúi xuống lấy đà bên cạnh nhau ở vạch xuất phát, sẵn sàng và chạy.
Họ thật sự cần đến nhau, cùng nhìn vào mục tiêu xa thẳm trên bầu trời, đồng thời cũng nhìn vào nhau, để có động lực phát triển hơn nữa.
Khi đọc đến trang cuối của Những bá chủ không gian, chúng ta thấy cả Bezos và Musk đã đạt được thành tựu lớn. Cuối năm 2019, Blue Origin phóng thử thành công lần thứ sáu với tên lửa tái sử dụng được New Shepard, bước gần hơn tới việc đưa hành khách vào không gian.
Còn SpaceX, cuối tháng 5 vừa qua, đã phóng thành công tên lửa Falcon 9, đưa con tàu Crew Dragon chở các phi hành gia lên quỹ đạo.
Bên cạnh Jeff Bezos và Elon Musk, người đọc còn có cơ hội hiểu rõ thêm về công ty hàng không khác được nhắc đến như Virgin Galactic của Richard Branson, Vulcan Inc. của Paul Allen.
Cuốn sách là nguồn tư liệu ghi chép, tổng hợp và phân tích kỹ về cuộc đua của các tỷ phú trong ngành hàng không, cũng như một giai đoạn phát triển công nghệ vượt bậc của nước Mỹ nói riêng, thế giới nói chung.
Cuộc chạy đua của Musk và Bezos rút cuộc không phải giữa cá nhân. Nó là cuộc đua giữa con người và vũ trụ. Có thể việc chinh phục không gian trong tương lai tới cần nhiều hơn thời gian, tiền bạc, nỗ lực của cả hai bên, nhưng chúng ta có niềm tin vào những điều phi thường sẽ xảy ra sắp tới.