Không chỉ định hướng công việc cho người trẻ, cuốn sách còn trả lời câu hỏi: Làm thế nào để xây đắp giá trị riêng khi còn là sinh viên hay thậm chí khi đã ra trường vài năm nhưng vẫn hoay loay tìm việc?
Cuốn sách Từ trường học đến trường đời bao gồm 10 chương với 90 lời khuyên, là những kinh nghiệm mà tác giả đúc kết được trên hành trình tìm kiếm một công việc “trong thế giới thực” sau khi nhận bằng thạc sĩ.
Sách Từ trường học đến trường đời. Ảnh: Phan Phan. |
Hãy bắt đầu ở chính nơi bạn đang đứng
Đây là lời khuyên số #1 trong cuốn sách và cũng là sự hướng dẫn người trẻ xác định “vị trí” hiện tại của bản thân để tiếp tục tham khảo những lời khuyên tiếp theo, từ đó lên kế hoạch cho một sự nghiệp tốt.
Theo tác giả Lindsey, không bao giờ quá sớm hay quá muộn để bắt đầu và điều cần bắt đầu trước tiên là “lên kế hoạch tìm hiểu hiện tại bạn đang đứng ở đâu”. “Chiến thuật thông minh nhất dành cho bất kỳ người tìm việc nào là chấp nhận và trân trọng xuất phát điểm của mình”.
Sai lầm nghiêm trọng nhất mà người trẻ có thể mắc phải khi chuẩn bị cho sự nghiệp và tìm việc là không hành động. Đây là trải nghiệm của chính tác giả, khi bà đã dành cả tháng ở trong nhà của bố mẹ sau khi trở về từ chương trình học thạc sĩ. Tác giả chỉ tìm thấy các cơ hội khi bắt đầu “gọi một số cuộc điện thoại, gặp gỡ và ăn trưa với một số người và gửi hồ sơ ứng tuyển”.
Bất cứ khi nào bạn mắc kẹt, chán nản, sợ hãi, không biết bắt đầu từ đâu, hoang mang, nhụt chí hoặc quá tải, để giải quyết tình trạng này, theo kinh nghiệm của Lindsey, câu trả lời luôn luôn là hành động. Chỉ cần bạn làm gì đó, mọi thứ sẽ dần tiến triển.
Một thực tế phải công nhận, đó là mặc dù đã lấy bằng cử nhân thậm chí bằng thạc sĩ, không phải ai cũng biết cách viết một email đúng mực và chuyên nghiệp. Trong cuốn sách này, tác giả Lindsey đưa ra những “luật bất thành văn” khi gửi email để trở nên chuyên nghiệp và đạt được hiệu quả mong muốn.
Những “lỗi” khó chấp nhận trong nội dung email mà nhiều sinh viên gặp phải là không viết hoa và dùng dấu câu không đúng cách, sử dụng biểu tượng cảm xúc, dùng từ viết tắt hay dùng dấu chấm than quá nhiều… Đây là những vấn đề mà tác giả Lindsey nhắn nhủ người trẻ phải khắc phục.
Một lưu ý quan trọng là sau khi bạn đã có tiêu đề thư, một nội dung tốt nhất có thể, bạn mới nên gõ địa chỉ email của người nhận. Lưu ý này sẽ giải nguy cho bạn trong trường hợp bạn vô tình nhấn nhầm nút gửi hoặc nhận ra gửi thư cho nhầm người vào phút chót.
Tác giả Lindsey Pollak. Ảnh: lindseypollak. |
Đánh giá đúng mức tầm quan trọng của sơ yếu lý lịch
Điều không kém phần quan trọng giúp bạn nhận được một công việc hấp dẫn, là bạn phải trình bày những thành tựu của mình trên giấy và trên mạng.
Theo tác giả Lindsey, “sơ yếu lý lịch không thể tự mình đem đến cho bạn một công việc, nhưng bạn cần có nó để bước qua cánh cửa và được nhận vào làm”.
Quan trọng hơn, “bạn nên nhận thức được rằng sơ yếu lý lịch có thể làm mất cơ hội của bạn – nếu nó lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp, thiếu thuyết phụcBà và có nhiều lỗi chính tả hoặc đánh máy”.
Bên cạnh những thông tin trên giấy, hình ảnh trên mạng của người tìm việc cũng quan trọng không kém. Bằng chứng là theo một khảo sát của Microsoft, có đến “70% các nhà tuyển dụng đã từ chối ứng viên vì những thông tin họ tìm thấy trên mạng Internet về ứng viên đó”.
Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tác giả Từ trường học đến trường đời không hướng dẫn cách viết một sơ yếu lý lịch mà giúp người đọc “cách thổi luồng sinh khí mới vào bản sơ yếu lý lịch bình thường nhất”.
Theo đó, để có một bản sơ yếu lý lịch ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn cần lưu ý đến các thủ thuật như: Cẩn thận với thông tin liên lạc, hãy bao gồm mục tiêu nghề nghiệp, điều chỉnh sơ yếu lý lịch phù hợp với các công việc và ngành nghề khác nhau, chỉ liệt kê điểm trung bình từ 3.0 trở lên, lượng hóa mọi thứ, hạn chế sự sáng tạo của bạn…
Ngoài ra, trong cuốn sách này tác giả cũng giúp những người trẻ nhận diện bản thân, cách xây dựng các mối quan hệ, cách bồi đắp kinh nghiệm thực tế, cách tìm kiếm và nắm bắt cơ hội…
Và có lẽ, dù bạn có nỗ lực ra sao, thì bất kỳ sự nghiệp nào cũng trải qua thăng trầm. Vì vậy, tác giả cuốn sách muốn nhắn gửi đến những người trẻ đang trong quãng thời gian đầy hoài nghi với tương lại rằng không ai kỳ vọng bạn phải biết tất cả mọi thứ, hãy nhờ giúp đỡ khi cần.
Và “đừng kiềm chế nhiệt huyết của bạn”, bởi “mọi người đều có thể đạt được những giấc mơ nghề nghiệp khác thường và điên cuồng nhất của họ”. “Bạn chẳng có gì phải sợ”.
Lindsey Pollak là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy trên bảng xếp hạng của New York Times. Bà cũng là một trong những chuyên gia về thế hệ Thiên niên kỷ (thế hệ Y) và môi trường làm việc đa thế hệ ngày nay.