Theo từ điển Oxford, hội chứng sợ bị bỏ lỡ, FOMO (Fear of Missing Out), là áp lực xã hội vì nhận thấy rằng bản thân bị loại khỏi một trải nghiệm chung tích cực hoặc đáng nhớ, cảm giác lo lắng không mong muốn vì nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị hơn mình.
FOMO ngày càng phổ biến do sự khuếch đại của mạng xã hội, gây ra những hệ lụy tâm lý đáng sợ, thậm chí là trầm cảm.
Sách Đừng sợ lỡ cuộc chơi. Ảnh: Q. H. |
“Bạn bè đều đẹp đẽ, sao cuộc sống của tôi lại tệ hại?”
Trong thế giới ảo, bất kỳ ai cũng có thể biến trang cá nhân của mình trở nên đáng sống với hình ảnh về những trải nghiệm bất tận.
“Bạn có thể dùng bộ lọc để chỉnh sửa hình ảnh ổ bánh mì nướng bơ, tô điểm cho nó bằng vài ứng dụng để thuyết phục thế giới, và có lẽ cả chính bản thân nữa, rằng bạn vừa đăng bức ảnh ổ bánh mì tuyệt vời nhất từ trước đến nay”, Patrick J. McGinnis – “cha đẻ” của thuật ngữ FOMO – viết trong Đừng sợ lỡ cuộc chơi.
Khi bạn bè chia sẻ một trải nghiệm hấp dẫn, đẹp đẽ trên trang cá nhân, bạn có thấy bứt rứt? Theo sau đó là nỗi buồn, sự tiếc nuối và bất an rằng cuộc sống của mình sao có vẻ tệ hại hơn người khác nhiều?
FOMO khiến người ta kiệt sức và căng thẳng vì cố gắng ôm hết trải nghiệm vào người. Theo báo cáo của Psychology Today, những người mắc FOMO thường dễ bị chán nản, tổn thương lòng tự trọng, cô đơn và mặc cảm hơn, đặc biệt khi họ tin rằng mình không thành công bằng bạn bè cùng trang lứa. Chính vì mạng xã hội là công cụ đắc lực thúc đẩy FOMO nên bị cáo buộc có thể gây ra căng thẳng, đố kị và trầm cảm.
Không dừng lại ở bất an tâm lý, Patrick chỉ ra, FOMO có thể dẫn người ta đến những sai lầm chí mạng trong công việc và cuộc sống. Cơn sốt bitcoin là một ví dụ minh họa cập nhật nhất cho điều này.
“Mọi người đều ‘ăn nên làm ra’ bằng cách mua bán bitcoin, tại sao tôi không thể?” là câu hỏi gây bứt rứt của vô số nhà đầu tư. Thế là người ta vung tiền cho bitcoin ngay cả trước khi hiểu nó thực sự là gì. “Năm 2017, nhờ sự thúc đẩy của FOMO mà giá trị bitcoin đã tăng đến đỉnh điểm là 200 tỷ USD”, Patrick viết.
Có những quyết định sự nghiệp sai lầm đến từ nỗi sợ FOMO. Nhiều người kiệt sức trong cuộc chiến khiến bản thân không ngừng hay ho, quên mất mình muốn gì và điều gì thực sự ý nghĩa. Thực tế, không ai có thể chiến thắng trong trò chơi “cuộc đời tuyệt vời nhất”, vì cuộc sống hàng nghìn biến số và trải nghiệm khác nhau.
Nếu cứ không ngừng chạy theo trải nghiệm của người khác, ngưỡng mộ xuýt xoa, thèm thuồng và bắt chước theo, thì có khác gì cuộc đời nhân bản hoặc chắp vá?
Trích sách Đừng sợ lỡ cuộc chơi. Ảnh: First News. |
Thoát khỏi FOMO
Không ai muốn sống một cuộc đời bị nỗi lo lắng và e sợ điều khiển. Đó là lý do ta cần đứng lên tuyên chiến với chúng. Đừng sợ lỡ cuộc chơi không chỉ là liều vaccine ngừa bệnh hữu hiệu mà còn là toa thuốc trị bệnh để bạn mau chóng vượt qua hội chứng này.
Patrick J. McGinnis cho biết đã “xây dựng một đội quân các chuyên gia” giúp anh làm sáng tỏ và đa dạng hóa góc nhìn về hội chứng FOMO, cũng như cách thoát khỏi nó. Trên kênh podcast FOMO sapiens, tác giả tiến hành phỏng vấn những nhân vật thú vị thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng, như: Thần kinh học, tâm lý học, kinh doanh, đầu tư mạo hiểm, mạng xã hội, sức khỏe…
Trong cuốn sách, Patrick đưa ra nhiều câu hỏi thiết thực với thang điểm cụ thể để bạn đọc tự đánh giá xác định mức độ mắc hội chứng FOMO của bản thân: “Tôi nhất định phải hiểu những câu đùa của bạn tôi có ý nghĩa là gì”; “Trong kỳ nghỉ, tôi vẫn tiếp tục theo dõi xem bạn bè mình đang làm gì”; “Tôi lo lắng khi phát hiện ra bạn bè đang vui vẻ mà không có tôi”…
Sau đó, Patrick cung cấp 2 nhóm chiến lược cốt lõi để bạn đọc vượt qua FOMO:
1. Lựa chọn điều bạn thật sự muốn. Bao gồm: Biết điều gì quan trọng đối với bạn, sắp xếp thứ tự ưu tiên của các mục tiêu và sau đó thực hiện bằng những giải pháp khả thi giúp bạn đạt được chúng. “Nếu có thể toàn tâm toàn ý cam kết với những việc nên làm, chứ không nghĩ ngợi lung tung về những việc mình có thể làm, thì bạn sẽ sống kiên định. Sự kiên định là giải pháp cho FOMO, nỗi lo sợ khiến bạn cố gắng chọn tất cả mọi thứ”, Patrick viết.
2. Loại bỏ những thứ còn lại. Theo tác giả, điều này có nghĩa là “duy trì tinh thần cảnh giác với vô số yếu tố kích thích, những nguyên nhân gây xao nhãng, cùng các hành vi sẽ khiến bạn chán nản và mất đi sự kiên định”. Patrick giải thích: “Sự xao nhãng là một thực tế không thể chối cãi của cuộc sống hiện đại. Kết quả là, bạn phải liên tục nỗ lực để tập trung vào những điều thật sự quan trọng và bỏ qua mọi thứ khác”.
Từng chiến lược sẽ được đề cập trong cuốn sách Đừng sợ lỡ cuộc chơi, từ đó, bạn đọc có thể áp dụng để đạt đến sự tự do, giành lại quyền kiểm soát cuộc đời mình.
Patrick J. McGinnis là tác giả, diễn giả, nhà đầu tư mạo hiểm, sáng lập kiêm người dẫn chương trình của podcast FOMO sapiens. Ông là cha đẻ của các thuật ngữ: Hội chứng Sợ bị bỏ lỡ – FOMO (Fear of Missing Out) được công nhận và ghi vào từ điển Oxford vào năm 2013.