Giữa mảnh đất châu Phi đầy rẫy chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật nhưng những đứa trẻ trong các cuốn sách dưới đây đã sống sót, vươn lên đầy phi thường để đưa quê hương mình phát triển.
“Lấy nước đường xa” – sống sót ở nơi không có nước
Mỗi ngày cô bé Nya 11 tuổi phải đi bộ bằng chân trần để lấy chút nước đọng lại từ chiếc hồ cạn cách nhà nửa ngày đi bộ. Đi rồi về, đi rồi về. Gần như cả ngày đi bộ. Em đã đi bộ như vậy trong suốt 7 tháng trong năm.
Nhưng kể cả có đi lại xa như vậy, lượng nước Nya lấy về cũng không nhiều. Để lấy được nước cũng rất vất vả. Nya phải đào một chiếc hố nhỏ dưới lòng cạn của hồ, bốc từng nắm đất lên để chút nước ít ỏi còn lại chảy và chiếc hố đó. Em phải chờ rất lâu để múc được một gáo nước cho vào can. Nhưng nước đục ngầu, để nước lắng bao nhiêu lâu vẫn không hết bẩn.
Cuốn sách Lấy nước đường xa được viết dựa trên câu chuyện có thật của Salve Dut. Ảnh: Phạm Thủy. |
Salva mới chỉ 11 tuổi khi phải chạy loạn chiến tranh và lạc mất gia đình mình. Từ Sudan, em nhập đoàn với nhóm người tị nạn đi về phía đông, về Ethiopia. Trên đường đi, họ trải qua biết bao nhiêu nguy hiểm, từ sư tử rình bắt người, cho đến những toán cướp dọc đường.
Nhưng không có gì kinh khủng hơn việc không có nước. Họ băng qua sa mạc nóng bỏng mà chỉ có chút nước ít ỏi trong tay. Rất nhiều người đã không vượt qua được khỏi sa mạc ấy. Số người còn lại đến được trại tị nạn ở Ethiopia thì lại không được ở đó mãi mãi vì trại tị nạn sẽ đóng cửa. Salva là một trong số những đứa trẻ hiếm hoi lớn lên tại trại tị nạn và được một gia đình Mỹ nhận nuôi.
Lấy nước đường xa là cuốn sách được viết dựa trên câu chuyện có thật của Salva Dut, một trong hàng trăm đứa trẻ lạc trong cuộc Nội chiến Sudan lần 2 nổ ra vào năm 1983. Sau 15 năm sống ở Mỹ, Salva trở về quê hương và bắt đầu khoan giếng ở khắp các ngôi làng mang nước về cho người dân, cho những đứa trẻ như Nya không còn phải đi bộ đường xa để lấy nước.
“Cậu nhóc gặt gió” – sống sót ở nơi không có điện
Vào năm 2000, ở nơi William Kamkwamba sống không có điện. Đó là một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi tên là Malawi, nơi điện không dễ dàng được tiếp cận vì giá quá đắt đỏ và khó kéo về.
Vì không có điện nên những hoạt động sinh hoạt thường ngày phải làm từ sớm và họ đi ngủ lúc 7h tối. Trong bóng đêm, William không thể học bài, không thể đọc sách, thậm chí đi vệ sinh cũng không nhìn thấy gì.
Cuốn sách Cậu nhóc gặt gió ghi lại hành trình mang điện về làng của William Kamkwamba. Ảnh: Thiên Ái. |
Nhưng không chịu chấp nhận số phận, William tự mày mò để tạo điện từ… một chiếc cối xay gió tự chế. Chiếc cối xay này được làm từ những nguyên liệu bỏ đi trong bãi phế thải gần nhà William. Đó là những ống nhựa bị vỡ, miếng tôn bỏ đi, bình ác quy đã hết điện, và quan trọng nhất chính là chiếc xe đạp cũ của bố cậu.
Mơ ước của William không chỉ đơn thuần là tạo nên một chiếc cối xay gió, mà xa hơn chính là mang điện về cho dân làng cậu và thay đổi đất nước cậu.
Cuốn sách Cậu nhóc gặt gió đã ghi lại hành trình từ một cậu bé William ngây thơ chỉ lo chơi đùa đến khi trở thành diễn giả của TED kể câu chuyện của mình cho rất nhiều người, tốt nghiệp trường Đại học Dartmouth và trở về xây dựng cho quê hương mình.
“Quê hương bé nhỏ” – sống sót ở nơi có chiến tranh bạo loạn
Sinh ra và lớn lên tại Burundi, một đất nước nhỏ bé tại Trung Phi, cậu bé Gaby những tưởng sẽ có một tuổi thơ yên ả, chỉ suốt ngày đi tắm sông và trộm xoài. Nhưng ở nơi Gaby sống, hai tộc người chính là người Hutu và người Tutsi có một mối hiềm khích rất lớn.
Người Hutu chiếm đa số ở vùng đất này, dù thân hình họ nhỏ bé nhưng lại có một cái mũi rất to. Còn người Tutsi thì ngược lại, dáng người cao, gầy với chiếc mũi thanh tú. Và chiến tranh nổ ra giữa người Hutu và Tutsi, họ đánh nhau vì mũi của họ không giống nhau.
Cuốn sách Quê hương bé nhỏ vén bức màn về nạn diệt chủng tại châu Phi. Ảnh: NXB Trẻ. |
Đó là khởi đầu cho nạn diệt chủng kinh hoàng diễn ra Burundi và quốc gia láng giềng Rwanda diễn ra 100 ngày trong năm 1994. Cậu bé Gaby được xây dựng trên chính bản thân tác giả Gaël Faye, người đã chứng kiến cuộc chiến tranh bạo loạn để rồi buộc phải rời bỏ quê hương của mình.
Nạn diệt chủng năm 1994 là một sự kiện đẫm máu tại Châu Phi mà thế giới khi ấy không ai muốn nhắc đến. Và để phá vỡ màn sương bao phủ trên sự thật ấy, năm 2013, Gaël Faye đã trở về quê hương, sáng tác nhạc và viết sách về sự kiện này.
Cuốn sách Quê hương bé nhỏ của anh đã giành được giải Goncourt thiếu niên năm 2016, được dịch sang 36 thứ tiếng và cho thế giới thấy rõ nhất những gì đã xảy ra với những người con của châu Phi.