Lễ trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 vừa được tổ chức. Một trong những tác phẩm được gọi tên là Châu Phi nghìn trùng (hạng mục Văn học dịch) của tác giả Iska Dinesen, do dịch giả Hà Thế Giang chuyển ngữ.
Nhân sự kiện này, sáng 19/2, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – đơn vị ấn hành tác phẩm – tổ chức buổi giao lưu trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Châu Phi nghìn trùng: Sự lộng lẫy của ngôn từ”.
Cuốn sách Châu Phi nghìn trùng. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Bản dịch với ngôn từ đẹp
Isak Dinesen là bút danh của nhà văn Karen Christenze Blixen. Cuốn Châu Phi nghìn trùng ngay từ khi in lần đầu năm 1937 bằng tiếng Anh đã gây tiếng vang ở Mỹ, châu Âu. Giá trị cuốn sách lan truyền tới quê nhà, sau đó, tác giả đã dịch sang tiếng Đan Mạch. Đến nay, ấn phẩm được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Châu Phi nghìn trùng ra đời từ trải nghiệm cá nhân của một phụ nữ Đan Mạch có những năm tháng sống và gắn bó với châu Phi trên một đồn điền cà phê. Cuốn hồi ký được viết sau 7 năm tác giả rời châu Phi.
Viết về mảnh đất xa xôi nhưng bằng cách hành văn gần gũi, câu chuyện khiến độc giả cảm nhận rõ cánh cửa châu Phi rộng lớn với thiên nhiên hoang dã, khoáng đạt; con người nguyên sơ, chân thành.
Tại một buổi giao lưu mới đây, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ với tác phẩm này, nhà văn không xâm nhập thực tế để viết, nhưng lại để cho đời câu chuyện đáng đọc, mang nhiều giá trị.
Theo ông, Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam khi trao cho một tác phẩm luôn phải xét đến hai yếu tố: Nội dung tư tưởng và sự thanh thoát trong cách chuyển ngữ.
“Ở bản dịch Châu Phi nghìn trùng của dịch giả Hà Thế Giang, người chuyển ngữ đã cẩn trọng, chú ý kỹ về văn phong, không ‘ăn xổi ở thì’ để dịch theo ý cơ bản. Với tôi, đây là một bản dịch rất đẹp”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá.
Đối với nhà văn Kiều Bích Hậu (thành viên Hội đồng Dịch thuật, Hội Nhà văn Việt Nam), bản dịch này khiến bà “ngỡ ngàng vì cách dùng từ đáng khâm phục”. Đọc tác phẩm, bà khao khát muốn đến châu Phi.
Để truyền tải được tinh thần tác phẩm gốc, dịch giả Hà Thế Giang đã mất 3 năm tra cứu qua các nguồn tài liệu mở. Trong quá trình dịch, ông phải bỏ dở một lần. Các yếu tố về điển tích, văn hóa khiến cuốn sách càng trở nên khó chuyển ngữ. Sau đó, ông quay lại dịch tiếp vì tin tưởng vào sự giàu có của tiếng Việt.
“Ở nhiều câu, tôi không hoàn toàn hiểu tác giả muốn viết gì. Để dịch được một câu, đôi khi tôi phải đọc lại cả một đoạn dài trước đó. Các câu văn gốc gần như không có cấu trúc tương đương tiếng Việt nên đa phần tôi phải sắp xếp lại, nhưng vẫn đảm bảo làm sao để giữ được nhiều nhất có thể từ ngữ của tác giả”, dịch giả Hà Thế Giang cho hay.
Giá trị lay động lòng người
Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến này, dịch giả Hà Thế Giang cho biết bản thân ông thấy cảm kích khi độc giả ngày nay vẫn muốn tìm hiểu cuốn sách viết về vùng đất xa xôi của một tác giả đã qua đời từ hơn nửa thế kỷ.
Trong suốt thời gian sống ở châu Phi, nhà văn Isak Dinesen vừa coi sóc một trang trại với quy mô lớn, vừa giữ mối quan hệ thân tình với con người nơi đây. Bà không ngại chữa bệnh cho dân bản xứ, mở lớp học buổi tối cho trẻ em, lắng nghe và phân xử những sự vụ xảy ra trên mảnh đất này.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng – đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – thay mặt nhận Giải thưởng Văn học năm 2021 với tác phẩm dịch Châu Phi nghìn trùng. Ảnh: FB Phượng Hoa. |
“Tác phẩm là nguồn động lực cho người cầm bút, giúp xây dựng tình yêu thiên nhiên, con người, để chúng ta thấy được rằng cho dù đi xa đến đâu, mỗi nhà văn cũng có thể nhập tâm, thả hồn mình và tạo nên những tác phẩm tuyệt vời”, nhà văn Kiều Bích Hậu nói.
Nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Tịnh Thy cho rằng tác phẩm này mở ra nhiều tiềm năng đề tài có thể khai thác. Chẳng hạn như chủ nghĩa hậu thực dân, văn hóa trong văn học, phê bình sinh thái (văn học với môi trường)…
TS Nguyễn Thị Tịnh Thy chia sẻ tác phẩm hấp dẫn bà bởi lối viết nữ tính. Người viết trải qua nhiều thất bại, mất mát, nhưng lại dành những gì đẹp đẽ nhất để viết về châu Phi. Đau đớn, đắn đo của đời tư được giấu kín, thay vào đó là những lo toan cho vùng đất này. Trong tác phẩm, bản năng yêu thương và chở che của người phụ nữ được thể hiện rất rõ.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – Châu Phi nghìn trùng khiến bà lay động vì vẻ đẹp từ bản gốc đến bản dịch. Điều đó khiến một tác phẩm ra đời cách đây gần một thế kỷ nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị.
“Câu chuyện của nhà văn Isak Dinesen khiến tôi trăn trở suy nghĩ làm thế nào để sống hài hòa với thiên nhiên. Tác phẩm cũng gợi cho tôi suy nghĩ dù có đi xa đến đâu rồi cũng sẽ trở về. Ngôn ngữ đẹp, chất lượng dịch tốt đã khiến Châu Phi nghìn trùng tạo nên sức lay động lòng người”, bà Hoa Phượng bày tỏ.
Người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng nhận định hiện nay có những trào lưu cha mẹ sẵn sàng chi trả mọi giá để cho con du học. Nhưng con vẫn không hiểu hết được nền văn hóa của quốc gia đó. Trong cuốn sách này, người phụ nữ đã sống một nền văn hóa khác biệt và thực sự thấu cảm, yêu thương vùng đất ấy.
Bên cạnh đó, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói bản dịch Châu Phi nghìn trùng của dịch giả Hà Thế Giang còn là sự khuyến khích người trẻ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
“Sự thành công của bản dịch còn trao cho nỗ lực phát triển tiếng Việt của dịch giả. Qua đó, ta thấy được ngôn ngữ mẹ đẻ đủ khả năng để diễn đạt, móc nối các ý tứ. Năm xưa, nếu Colombia không có Gabriel García Márquez với Trăm năm cô đơn, người ta chỉ biết đây là quốc gia nổi tiếng với bóng đá. Tương tự, khi có Châu phi nghìn trùng, ta biết đến châu Phi nhiều hơn với thiên nhiên hùng vĩ và những chân tình của con người”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói thêm.