Julie Yip – Williams qua đời năm 2018 sau 5 năm chống chọi bệnh ung thư trực tràng. Nhưng đó không đơn giản là cái chết bình thường, mà là đoạn kết của một người phi thường.
Cô đã không chết khi sinh ra trong một gia đình đói nghèo, cũng không chết khi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, lại càng không chết khi nhập cư đến một đất nước mới. Julie chỉ ra đi mãi mãi khi cô đã nhận được món quà tình yêu giữa con người với con người và sẵn sàng ra đi khi phép màu được tháo gỡ.
Hành trình đó được ghi chép lại trong cuốn sách Tháo gỡ phép màu – Hồi ký về một cuộc đời phi thường từ sự sống đến cái chết, tập hợp các bài blog của Julie Yip – Williams từ khi cô biết mình mắc bệnh ung thư cho đến lúc lìa đời.
Tháo gỡ phép màu – cuốn hồi ký về một cuộc đời phi thường từ sự sống đến cái chết của Julie Yip – Williams. Ảnh: Phương Nam. |
Tỷ lệ của sự sống và cái chết
Tỷ lệ rủi ro của một phụ nữ dưới 40 tuổi có thể mắc phải ung thư trực tràng là 0,08%. Con số này xem xét đến cả những phụ nữ mắc bệnh bởi hai nguyên nhân – do di truyền và không do di truyền.
Có đến 99,92% Julie không mắc căn bệnh đó, nhưng cô lại rơi vào số phần trăm nhỏ nhoi còn lại, thậm chí là đã đến giai đoạn 4 của ung thư trực tràng. Tỷ lệ sống sót của cô thấp, khoảng 6-15%.
Nhưng đó là những con số có thể tính toán được. Còn cuộc đời của Julie Yip – Williams là một chuỗi những sự kiện không thể tính được tỷ lệ sống sót là bao nhiêu.
Julie sinh là trong một gia đình người Việt gốc Hoa tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Cô mang trên mình một tật và trở thành gánh nặng trong gia đình: Cô bị đục thủy tinh thể, hay mù dở, hoặc có thể gọi tên khác là mù về mặt pháp lý.
Suốt cuộc đời mình, chính vì thị lực kém mà Julie phải chịu nhiều thiệt thòi không chỉ so với bạn bè đồng trang lứa mà đến từ chính gia đình.
Cô không được đi học tiếng Quan Thoại vì bà nội bảo rằng “Con sẽ không thể đọc được Hán tự”, cô không được đi xem phim Chiến tranh giữa các vì sao vì chị cô nói “Em sẽ không thấy được màn hình”.
Kể cả khi đã sang Mỹ, cô cũng không được ra ngoài như anh chị em khác “vì con không thấy đường như người khác, và không có ai chăm sóc con”.
Suốt tuổi thơ, dù mù lòa, Julie thấy rất rõ mình bị đẩy ra rìa như thế nào. Cô thấy mình khuyết tật vì cô được bảo – thông qua hành động và lời nói mỗi ngày – rằng cô là một đứa khuyết tật.
Nhưng Julie vẫn sống sót, cô phải đeo cặp kính dày cộm mà vẫn không thể thấy rõ được, vẫn có cuộc đời mà không phải ai cũng giành được: Một gia đình hạnh phúc với người chồng và hai đứa con gái nhỏ, cùng một sự nghiệp rực rỡ trong ngành luật.
Julie Yip – Williams khi còn sống. Ảnh: Susan Scutti. |
Vậy tỷ lệ một cô gái mù may mắn sống sót qua cảnh nghèo đói, tỷ lệ cô ấy giành được chút thị lực dù bị tổn thương thần kinh thị giác đã nhiều năm là bao nhiêu?
Tỷ lệ cô ấy đạt được thành công trong học vấn của một gia đình nhập cư, tỷ lệ tốt nghiệp trường Luật Harvard, tỷ lệ gây dựng được sự nghiệp luật tại một trong những hãng luật đa quốc gia nổi tiếng thế giới là con số nào?
Làm sao có thể tính được những tỷ lệ ấy, bởi đó là một nỗ lực phi thường vượt lên trên nghịch cảnh của người phụ nữ mang tên Julie Yip – Williams.
Cuộc sống thực ra có rất nhiều phép màu
Tháo gỡ phép màu của Julie không phải là lời oán trách số phận, cuốn sách này nếu đọc kỹ sẽ thấy đó là những câu chuyện về tình yêu.
Ung thư đem đến cơn ác mộng không chỉ với Julie mà với bất cứ người nào được chẩn đoán mắc phải, nhưng nhờ căn bệnh, Julie lại có cơ hội nhận được sự yêu thương của gia đình, bạn bè, thậm chí của những người xa lạ.
Đó là khoảnh khắc Julie nhận được một lời chúc hiển thị trên màn hình lớn giữa Quảng trường Thời đại, một lời chúc đủ to để người có tầm nhìn kém như cô đứng từ xa vẫn có thể nhìn thấy.
Hay bác sĩ sản khoa cũ của Julie đã dành cả buổi chiều trong quỹ thời gian ít ỏi của mình để ở bên cô, trò chuyện về ung thư và niềm tin khỏi bệnh, về việc bà từ bỏ New York đến khám bệnh ở Uganda đỡ đẻ cho những gia đình nghèo khó nơi đây.
Hoặc những người xa lạ trong bệnh viện đã cầu nguyện cho Julie, an ủi cô. Có cả một người đàn ông to lớn mà Julie mang trong mình định kiến rõ rệt nhưng lại ân cần vệ sinh cho cô trên giường bệnh.
Có bị bệnh, Julie mới chứng kiến mức độ và sức mạnh của lòng trắc ẩn, loại tình yêu mà một người có thể biểu lộ với người khác chỉ bằng hành động, không phải do quen biết mà bởi vì tất cả đều cùng là con người.
Những câu chuyện tình yêu ấy có thể ngắn ngủi, nhưng sự màu nhiệm và mãnh liệt của chúng có thể chống đỡ sự yếu đuối trong chúng ta, miễn là chúng ta cho phép bản thân nán lại trong hào quang ký ức về chúng.
Ung thư tước đoạt hạnh phúc trước mắt của Julie, đồng thời cũng trao cho cô món quà tình yêu loài người, thứ giờ đây trở thành một phần trong linh hồn và đi cùng cô mãi mãi.
Cuốn sách Tháo gỡ phép màu là một biên niên ký đầy cảm động. Ảnh: Phương Nam. |
Cuốn sách Tháo gỡ phép màu là một biên niên ký cảm động, tuyệt đẹp và đáng đọc về những thứ xứng đáng để chúng ta thấu hiểu và giữ thật chặt.
Julie Yip – Williams dù bẩm sinh mù lòa, cô lại thấy rõ hơn bất cứ ai trong chúng ta. Trước vận mệnh không thể tránh khỏi, Julie không nhìn sang chỗ khác, không trốn tránh, không ảo tưởng, mà thay vào đó biến cuộc đời mình thành bài học cho những ai đang sống.
Bởi vì cuộc sống thực ra có rất nhiều phép màu, những gì ta cần làm là sống trọn vẹn, hăng say và thành thực. Từ lúc phép màu khởi đầu, đến khi phép màu tháo gỡ.