Chương trình đảm bảo chất lượng giảng dạy theo chuẩn quốc tế, tiết kiệm chi phí sinh hoạt và học tập, đồng thời tạo nền tảng thuận lợi hòa nhập điều kiện sống mới.
Chất lượng tương đương, đầu vào linh hoạt
Chất lượng chương trình liên kết so với du học trực tiếp là một trong những yếu tố khiến sinh viên lẫn phụ huynh băn khoăn. Thế nhưng, các chương trình liên kết ngày càng khẳng định uy tín với chất lượng giảng dạy nhờ việc hợp tác với các trường ĐH top đầu ở Việt Nam, cũng như thiết kế chương trình học hai giai đoạn theo chuẩn quốc tế.
Đơn cử, ĐH Waikato có 4 đối tác chính triển khai chương trình du học bán phần gồm ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng.
Một số chương trình liên kết khác của ĐH New Zealand tại TP.HCM có thể kể đến cử nhân kinh doanh và thạc sĩ quản trị, thạc sĩ tài chính của ĐH Massey liên kết ĐH Kinh tế TP.HCM; thạc sĩ TESOL của ĐH Victoria Wellington liên kết ĐH Sư phạm TP.HCM; cử nhân Khoa học Thực phẩm của ĐH Otago liên kết ĐH Bách Khoa TP.HCM…
Chất lượng chương trình liên kết New Zealand tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. |
Tuỳ chương trình liên kết, người học có thể nhận bằng từ ĐH New Zealand hoặc cả 2 phía. Bằng cấp của New Zealand được công nhận rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, mở rộng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
Anh Nam Khánh, cựu du học sinh chương trình liên kết giữa Học viện Ngoại giao và ĐH Victoria Wellington cho biết, chương trình học tại Việt Nam đều sử dụng tiếng Anh, đồng thời giảng viên có nhiều năm dạy tại nước ngoài và được đánh giá cao.
“Môn An ninh quốc tế dạy bởi giáo sư giỏi người Australia từng công tác bên Nhật, chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế rất hay. Còn cô dạy Nhập môn quan hệ quốc tế là vợ đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ bấy giờ nên có nhiều bài giảng thiết thực. Ngay cả giáo viên Việt cũng giàu kinh nghiệm, tiếp xúc nhiều chương trình nước ngoài. Nhờ vậy, sinh viên dễ dàng bắt nhịp khi hoàn thành năm học tại Việt Nam và chuyển sang New Zealand”, Nam Khánh khẳng định.
Ngoài ra, yêu cầu đầu vào của các chương trình này cũng linh hoạt. Tuy nhiên để có thể chuyển tiếp qua New Zealand, sinh viên cần đạt được yêu cầu nhất định về học thuật và ngoại ngữ. Ví dụ sau hai năm theo học tại ĐH Kinh tế, sinh viên ngành Thương mại muốn chuyển tiếp qua New Zealand cần điểm IELTS 6.5 trở lên (không có kỹ năng nào dưới 6.0).
Tiết kiệm về tài chính, không kém cơ hội học bổng
Bên cạnh đảm bảo về chất lượng đào tạo, chương trình liên kết giúp người học tiết kiệm tài chính nhờ khoảng thời gian học tập và sinh hoạt ở Việt Nam. Ví dụ, chương trình liên kết Cử nhân Thương mại giữa ĐH Ngân hàng TP.HCM và ĐH Lincoln, New Zealand có học phí khoảng 100 triệu đồng cho 2 năm tại Việt Nam. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt ở Việt Nam tiết kiệm hơn so với nước ngoài.
Các trường ĐH New Zealand có trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ sinh viên ở giai đoạn 2. |
Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận học bổng từ chương trình liên kết rộng mở với tiêu chí thường đơn giản và phù hợp sinh viên Việt hơn. Các học bổng về thành tích thường được triển khai suốt chương trình học, vừa tạo động lực vừa mang đến cơ hội chuẩn bị tốt hơn cho CV.
Anh Nguyễn Văn Phúc, người đạt 4 học bổng trong hai năm theo học, cho biết: “Cá nhân tôi thấy sinh viên chương trình liên kết có nhiều cơ hội học bổng cho những người biết cố gắng. Bạn chỉ cần thường xuyên cập nhật thông tin từ trang web của trường hoặc người quản lý chương trình để không bỏ lỡ học bổng phù hợp. Cùng với kế hoạch học tập hợp lý và có đầu tư, cơ hội học bổng sẽ nằm trong tầm tay”.
Nhiều cựu sinh viên của chương trình cho rằng có nhiều cơ hội nhận học bổng hơn hình dung ban đầu. |
Được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước ra môi trường quốc tế
Với mạng lưới đại học tại Việt Nam liên kết với trường ở New Zealand hiện tại, học sinh – sinh viên có thể liên hệ trực tiếp bộ phận tuyển sinh tại Việt Nam để được tư vấn kỹ lưỡng, giải đáp khúc mắc. Đặc biệt, các buổi hội thảo hay giao lưu trực tuyến về du học New Zealand tổ chức định kỳ hàng năm cung cấp nhiều thông tin hữu ích.
Chị Minh Trang, cựu sinh viên chương trình liên kết ĐH Kinh tế Tp.HCM và ĐH Victoria Wellington, cho biết: “So với du học trực tiếp, chương trình liên kết giúp bạn làm quen anh chị khóa trên đang sống và học tập ở New Zealand. Bạn sẽ nhận hỗ trợ, đặc biệt về kinh nghiệm học tập và tìm việc làm ở xứ sở kiwi. Cơ hội làm thêm lẫn công ty thực tập đầu tiên của tôi ở New Zealand cũng nhờ các anh chị giới thiệu”.
Một cựu sinh viên khác của chương trình này – anh Vũ Thắng nhận định: “Chương trình liên kết rất hữu ích nếu nền tảng tiếng Anh của bạn chưa vững, chưa quen môi trường cũng như phong cách học tập quốc tế. Bạn có từ 1 đến 2 năm làm quen phong cách học và văn hoá đất nước đó tại Việt Nam. Nhờ vậy, bạn không còn ngỡ ngàng nhiều khi đặt chân đến New Zealand”.
Hiện có 18 chương trình liên kết đang triển khai giữa các trường ĐH hàng đầu của New Zealand và đại học ở Việt Nam. Trong đó, học sinh – sinh viên có thể tìm kiếm đa dạng ngành trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, dược, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh… cho bậc cử nhân lẫn thạc sỹ. Để giúp phụ huynh, học sinh tìm hiểu thêm về mô hình học tập này, Cơ quan Giáo dục New Zealand – ENZ tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến với sự tham gia của khách mời là cựu du học sinh và chuyên gia tư vấn từ các đại học uy tín của Việt Nam. Chuỗi hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 20/3.
Độc giả đăng ký tham gia miễn phí tại đây.