Connect with us

Sách hay

Sách Tết Tân Sửu 2021

Được phát hành

,

Hợp tuyển thơ, văn, nhạc, họa gồm những sáng tác, bài nghiên cứu mang tới cảm thức đẹp về mùa xuân, phong tục đẹp ngày Tết. Sách có sự tham gia của các cây bút, tác giả minh họa hàng đầu hiện nay.

Rươi là đặc sản miền Bắc, ngày xưa thì nhiều lắm, người miền Bắc có câu “Nhiều như rươi” nhưng trải qua biến đổi của thời gian, rươi ngày càng hiếm dần, trở thành thứ quý hiếm.

Giống rươi vốn đặc biệt vì không phải ngày nào cũng có, trong dân gian đã lưu truyền kinh nghiệm về thứ đặc sản này. “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, đó là những ngày rươi nổi lên nhiều nhất. Mẹ tôi vốn là người đàn bà kĩ tính, ăn rươi chính vụ đã thích nhưng ăn rươi trong dịp Tết mới thật đặc biệt.

Mỗi dịp đầu Đông, khi mẻ rươi béo mọng nhất nổi lên, mẹ lúc nào cũng mua để dành, thường sẽ ăn một ít trước, còn lại đúng dịp Tết mới mang ra thưởng thức. Là thứ của quý khi tiệc Tết không thiếu thứ gì, bỗng dưng có đĩa chả rươi lạ miệng thơm lừng, ai gắp một đũa cũng tấm tắc khen ngon.

Ở miền Bắc nhiều tỉnh có rươi, nhất là những vùng có nước lợ xâm nhập. Ở Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… đều có rươi. Cứ chớm Đông, vào ngày gió bấc se se, những con rươi vào lúc sung mãn nhất của đời mình lại trồi lên mặt nước, người đi bắt rươi hoặc là săm lưới, hoặc là lấy vợt hớt những con rươi đang mải giao phối với nhau cho vào những chậu nhôm, chậu nhựa.

[…] Về mặt khoa học, trong con rươi có 84% là nước, 12% đạm, 3,2% là chất béo.

Rươi là món ngon đặc biệt, người sành ăn đều cố nhớ những ngày có rươi mà mua cho bằng được. Muốn được thưởng thức là cả một sự chờ đợi, mà chờ đợi càng khiến người ta thêm háo hức. Nó kích thích cái vị giác khiến người ta chảy nước miếng khi nghĩ đến mùi chả rươi thơm lừng vào một chiều se rét.

Món rươi được dọn ra, chả rươi thơm ngạt mũi, canh rươi vị ngọt, sần sật, còn rươi kho với lá gấc tươi ngậy ngậy, mềm mềm khiến người ta đưa thêm được đôi lưng cơm.

Trong các món chế biến từ rươi, chả rươi là món thông dụng và được nhiều người ưa thích nhất. Món chả rươi chế biến khá cầu kì. Với món này, rươi là vật liệu chính, kèm theo một ít trứng gà, một ít thịt nạc xay. Hai món phụ gia kia chỉ một ít thôi để chả rươi có độ nhuyễn, nếu cho nhiều sẽ ảnh hưởng đến vị đặc biệt của rươi.

Lý tưởng nhất là rươi cộng thêm đôi quả trứng gà ta, thêm ít vỏ quýt tươi thái mỏng, cùng với lá lốt, mùi ta. Tất cả những nguyên liệu đó đánh nhuyễn với nhau. Nhưng để cho người ta biết rằng mình đang ăn rươi, đánh xong hợp chất kia rồi cần trộn thêm một ít rươi nguyên con. Khi ăn miếng chả, thỉnh thoảng thấy những con rươi còn nguyên vẹn mới thật khoái thú.

Ngoài nhà hàng thì họ cứ múc thứ nguyên liệu kể trên cho vào chảo rán, nhưng như thế thì món rươi ngấm rất nhiều mỡ. Mẹ tôi có cách làm độc đáo hơn mà vẫn thơm ngon, ít mỡ. Dưới chảo, mẹ lót một lớp lá chuối tươi, đổ rươi lên trên lớp lá chuối, đậy vung hấp chín. Khi lớp lá chuối hơi cháy xém thì lúc ấy rươi đã chín. Món rươi khi ấy mang một chút mùi vị của lá chuối tươi, lại không thấm mỡ, khi ăn chỉ cần láng một tí dầu trong lòng chảo cho miếng chả hơi xém vàng một tí là ăn được.

Chả rươi chấm với nước mắm ngon, thêm một ít ớt tươi, vắt nửa quả chanh vào cho dịu. Chấm miếng chả rươi đưa lên miệng thì thấy đủ vị. Mùi thịt rươi ngọt đậm, vị vỏ quất lên hương, lá lốt, mùi ta quyện thơm phức.

Rươi là thức ăn nhiều đạm, bổ dưỡng, không kém gì đông trùng hạ thảo. Trong mâm cơm ngày Tết nếu đã có món rươi làm chủ đạo thì những thứ khác dễ bị lu mờ. Thế nên, bữa ăn đã có rươi thì các thành phần khác mẹ tôi không cầu kì lắm, thường là giản dị để tôn vinh hương vị của rươi.

Cha ruoi anh 1

Tranh minh họa của họa sĩ Đặng Hồng Quân.

Ngoài những món ăn thông thường như chả rươi, rươi nấu chua, rươi kho, người ta còn làm mắm rươi. Làm mắm rươi khá đơn giản, rươi đánh nhuyễn trộn đều, cứ 10 bát rươi cho 2 bát muối, 1 chén rượu, 1 chén cơm cho vào lọ đậy kín, đem phơi nắng độ nửa tháng. Sau đó để trong nhà nơi thoáng, độ 100 ngày sau là ăn được.

Mắm rươi vàng sậm, thơm ngậy ăn kèm với ruốc bông, rau cần, cải cúc, rau thơm, lạc rang giã nhỏ, hành hoa, gừng, rau xà lách, thịt luộc ba chỉ.

Một người bạn vong niên của tôi là “cao thủ” ăn rươi. Anh cho rằng trong tất các món về rươi, rươi nướng mới là tuyệt đỉnh. Đó là cách cho những con rươi nguyên vào một cái ống giang tươi, trộn thêm với ít lá gấc thái nhỏ rồi đem nướng trên bếp than củi. Khi nào cái ống giang cháy xém cũng là lúc rươi chín. Khi đó lấy thứ rươi nướng vẫn còn nóng hôi hổi ra chấm với tương ớt, muối ớt thì thấy rằng trên đời không có món gì ngon bằng.

Cái đặc biệt của món rươi nướng là không bị pha trộn, con rươi còn nguyên hình dạng, giữ được nguyên vị thơm ngọt, cộng với mùi hăng dễ chịu của ống giang, lá gấc tạo thành một thứ khoái khẩu khiến thực khách đến chảy nước miếng khi nhìn đĩa rươi ngun ngút nóng.

Người miền Bắc coi rươi là đặc sản của mình, ai đã thưởng thức món ăn đồng quê kiêu sa này một lần thì khó thể quên. Ăn một lần rồi đếm ngày để chờ đợi sang năm. Cũng có rươi trái mùa, cứ cách một con nước lại có một nước rươi nhưng cái thức trái mùa này có ít và không thơm ngon bằng rươi chính vụ. Cứ đúng vụ rươi độ, các chợ miền Bắc cạnh các dòng sông sẽ thấy người ta bán rươi.

Lũ rươi bán trong chợ được “sống” trong những chiếc chậu nhôm, chậu nhựa. Cả một bầy rươi nằm trong đó, xanh đỏ quyện vào nhau trông khá lạ mắt. Bây giờ vì rươi bán được giá, người ta bắt đầu “nuôi” rươi.

Gọi là nuôi cho oai chứ rươi là loài không nuôi được, nó là thứ trời cho, con người chỉ tác động vào quá trình đó một phần nào. Quá trình nuôi rươi là thế này. Ở những chân ruộng có rươi, người ta không cấy trồng nữa, tuyệt đối không có phân hóa học hay thuốc trừ sâu. Rươi gặp môi trường tự nhiên thuận lợi sẽ sinh sôi dễ dàng.

Đến vụ rươi, người có ruộng chỉ việc đến khoảnh ruộng nhà mình canh để hớt rươi. Một năm chỉ có hai vụ rươi nhưng giá trị mang lại nhiều hơn cấy lúa rất nhiều mà nhàn hạ, dễ dàng hơn.

Mặc dù tính chất thời vụ và hiếm dần nhưng người ta vẫn muốn ăn rươi quanh năm. Ở Hà Nội có những nhà hàng có rươi bốn mùa, ví dụ một hàng rươi ở ngay cửa Ô Quan Chưởng. Rươi tươi cho vào trong ngăn đá có thể bảo quản được vài tháng để ăn dần. Còn nếu mang đi xa, người ta trữ rươi vào những hộp xốp đông lạnh, xuất khẩu đi khắp nơi, kể cả ra nước ngoài.

Những người đàn bà như mẹ tôi ở đất rươi thì bao giờ cũng quyết giữ một mẻ rươi ăn Tết. Tết món gì cũng nhiều, cũng sẵn, nhưng một món đặc biệt của đồng quê mà phải đúng dịp mới được ăn khiến người ta háo hức chờ đợi.

Năm nào tôi cũng về ăn Tết với ba mẹ vài ngày và đúng dịp ấy bao giờ mẹ cũng dành món rươi đãi đứa con đi xa. Ăn một miếng rươi ngày Tết thẫm đẫm hương vị quê nhà, thấy cả cái tình cảm thân thương yêu quý của người mẹ hiền trong đó.

Nguồn: https://zingnews.vn/ngay-tet-an-ruoi-post1183119.html

Sách hay

Sách về tình thầy trò của hai vị tướng nhận hai đề cử Sách Quốc gia

Được phát hành

,

Bởi

“Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết về ông Ba Quốc như vậy trong sách “Người thầy”.

tinh bao anh 1

Ông Ba Quốc (ngồi) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tư liệu.

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một tác phẩm giá trị về cuộc đời người tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc).

Trong cuốn sách Người Thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khắc họa sâu sắc mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người thầy đáng kính – Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Cuốn sách không chỉ kể lại những câu chuyện xúc động mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự hy sinh và ý chí phụng sự đất nước.

Cuốn sách Người thầy cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc – Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò.

Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo. Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng.

Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba, rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình, chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, đối nhân xử thế… đều là những bài học quý với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

tinh bao anh 2

Sách Người thầy.

Kể hành trình dọc biên giới phía Bắc những năm còn chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy hình ảnh một người thầy tình báo can trường, đầy trách nhiệm.

Trong một lần di chuyển qua biên giới, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị đổi vị trí ngồi vì lo ngại pháo kích, ông Ba Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Không, tôi ngồi ghế trước.” Hình ảnh ông ung dung trên ghế trước trong bối cảnh biên giới căng thẳng là minh chứng sống động cho tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của một người lính tình báo.

Đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh, những câu chuyện bên bếp lửa tại nhà người dân ở Lạng Sơn hay những ngày rong ruổi trên đường số 4 đã trở thành những ký ức không thể phai mờ. Trong khoảnh khắc giản dị đó, ông Ba Quốc đã có dịp chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực chiến, từ lý tưởng sống cho người học trò.

Thông qua những câu chuyện quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết sâu hơn về con người ông. Đó là tình cảm sâu kín của người tình báo vĩ đại với đồng chí, đồng đội, với những người trong gia đình…

Cho đến những năm tháng cuối đời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở bên người thầy của mình. Vào lúc đó, ông Ba đã tâm sự: “Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một”. Với ông, tình yêu chỉ có một là tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc.

Cuộc đời của ông Ba Quốc không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ và bản lĩnh mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Cuối cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: “Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Tình thầy trò giữa ông Ba và Thượng tướng Vịnh mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, lý tưởng và sự hy sinh vì tổ quốc.

Với những giá trị to lớn, cuốn sách Người thầy đã được đề cử ở hai hạng mục là Sách được bạn đọc yêu thích và Sách Văn học – Nghệ thuật tại giải Sách Quốc gia 2024.

Nguồn: https://znews.vn/sach-ve-tinh-thay-tro-cua-hai-vi-tuong-nhan-hai-de-cu-sach-quoc-gia-post1512302.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

5 phút chốt đơn

Được phát hành

,

Bởi

Trong 5 phút chốt đơn, Alex Goldfayn miêu tả 16 tác nghiệp mất từ ba đến ba mươi giây trong ngày để bạn có thể tăng thêm từ 50% đến 100% doanh số của mình.

Cần tối đa 20 giây để viết ra mỗi hành động. Không cần tới 20 phút, mà chỉ 20 giây.

Lập kế hoạch và theo dõi ra sao không quan trọng – quan trọng là phải lập kế hoạch và theo dõi nhanh. Như vậy bạn mới có thể theo dõi được thành công của mình. Bạn sẽ nhìn ra làm gì thì hiệu quả. Và quan trọng nhất, bạn sẽ biết phải theo tiếp những việc gì.

Trước hết, hãy cân nhắc lập bảng theo dõi báo giá.

Hầu hết doanh nghiệp không có danh sách đầy đủ và chính xác các báo giá đã được gửi đi. Theo dõi báo giá là một công cụ đơn giản, nhưng có thể có tính cách mạng cho doanh số của bạn. Riêng nó thôi có thể giúp bạn tăng gấp đôi doanh số, chỉ cần bạn biết phải theo tiếp những báo giá nào đã được gửi đi. Chương 12 nói rõ về công tác theo dõi báo giá.

Chot don anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Yan Krukau/Pexels.

Bảng Theo dõi Hành động là để viết ra hành động chủ động của bạn, tiến triển, và kết quả trong tuần:

Đây là chỗ ghi lại từng hành động cùng những ghi chú ngắn gọn bạn đã nói gì, khách hàng hiện tại hay khách hàng tiềm năng đã nói gì.

Cột cuối cùng để ghi chú giá trị quy thành tiền nỗ lực của bạn – bất kể cơ hội đấy vừa mở ra hay có bước tiến đầu tiên. Tôi muốn bạn gắn giá trị quy thành tiền với các hành động chủ động ba giây của mình.

Cần tối đa 20 giây để viết ra mỗi hành động. Không cần tới 20 phút, mà chỉ 20 giây. Đọc thêm về công tác theo dõi trong chương 13.

Hệ thống này là chìa khóa tăng trưởng doanh số

Những bảng biểu này sẽ chuẩn bị để bạn thành công mỗi tuần và hiển thị những thành công đó cho bạn thấy. Viết ra mọi thứ sẽ khiến bạn phải có trách nhiệm. Chúng sẽ nhắc nhở bạn phải chủ động giao tiếp mỗi ngày. Chúng sẽ loại bỏ mọi ngờ vực bản thân và khiến bạn can đảm, vì những trang giấy giúp bạn theo dõi ấy sẽ tràn ngập những thành công và chiến thắng. Và chiến thắng đến rất nhanh.

Theo thống kê, một phần năm những lời mời chào sản phẩm bổ sung sẽ được chấp nhận và người ta sẽ mua hàng. Theo tiếp bằng thư chào hàng hay báo giá, và theo thống kê, một phần năm những lần chào hàng như vậy sẽ kết thúc là chốt được đơn hàng.

Hãy gọi cho khách hàng bạn đã không liên lạc gì từ ba tháng trở lên, và trò chuyện thoải mái để xây dựng quan hệ với họ và thảo luận những cơ hội mới. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu. Bạn sẽ làm tốt. Rồi tài khoản ngân hàng của bạn sẽ tăng lên.

Nhưng có thật năm phút mỗi ngày là đủ không?

Có, năm phút mỗi ngày triển khai những giao tiếp chủ động này là đủ.

Sẽ có những ngày bạn dành ra thời gian ít hơn nhiều. Sẽ có những ngày bạn bỏ ra không tới một phút, và trong khoảng thời gian đó, bạn sẽ đặt năm câu hỏi về sản phẩm và dịch vụ bổ sung. Những ngày chỉ dành ra được một phút, bạn vẫn có thời gian để hỏi khách hàng về những sản phẩm họ mua nơi khác mà bạn có thể hỗ trợ họ.

Hầu hết những lần chủ động gọi điện của bạn sẽ xong xuôi trong vòng năm phút đổ lại, và vẫn có thể thực hiện được nhiều tác vụ ở cột bên phải danh sách.

Có thể dài hơn năm phút không? Có chứ, nhưng không cần phải vậy. Bạn có thể dễ dàng đạt được mọi thứ bạn cần trong những cuộc gọi dưới năm phút. Còn muốn nói hơn năm phút ư? Cứ thoải mái, nếu bạn muốn.

Đây là công việc mang lại niềm vui, tinh thần tích cực, vì bạn đang hỗ trợ khách hàng trong khi cũng giúp chính mình, công ty mình, và gia đình mình. Trong Hệ thống hành động 5 phút chốt đơn, bạn cung cấp thêm giá trị cho khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, họ sẽ tưởng thưởng nỗ lực của bạn bằng cách mua hàng!

Bạn hỗ trợ họ nhiều hơn, và họ trả tiền cho bạn vì thế. 5 phút chốt đơn là vậy.

Câu chuyện 5 phút chốt đơn thành công

Từ đây một số chương sẽ kết thúc bằng câu chuyện thành công thực sự từ một người bán hàng hay người làm nghề chuyên môn tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Tôi có hai mục tiêu trong các câu chuyện này: trước hết, tôi hy vọng tạo động lực và kích thích bạn triển khai Hệ thống hành động 5 phút chốt đơn; và thứ hai, tôi muốn chứng minh cho bạn thấy cách làm này hiệu quả, và hiệu quả nhanh chóng.

Tất cả những người kể chuyện đều đã tham gia vào một dự án tăng trưởng doanh số cùng tôi, trong đó tôi giúp công ty của thân chủ tăng trưởng trung bình 10-20%. Tôi có biên tập đôi chỗ cần thiết trong những câu chuyện đấy: tôi không nêu tên người cụ thể vì nhiều lý do hiển nhiên, và tôi cũng đổi tên. Nhưng tất cả chi tiết là thật, cũng như những con người đã trải qua các công việc đấy là thật.

Nguồn: https://znews.vn/bi-quyet-20-giay-moi-ngay-de-tro-thanh-sale-gioi-post1512301.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Lịch sử vú – cái nhìn mà bạn chưa từng mường tượng tới

Được phát hành

,

Bởi

Viết về bộ phận được cho là mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trên cơ thể phụ nữ, “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom là công trình khoa học thuyết phục và đầy hấp dẫn về vú phụ nữ.

Lich su vu anh 1

Tranh sử dụng làm bìa sách: Diana và thần tình yêu của Pompeo Batoni vẽ khoảng năm 1761. Nguồn: wikipedia.

Với rất nhiều thông tin mới mẻ và bổ ích, cùng các phân tích liên ngành được soi sáng và nuôi dưỡng bởi ý thức đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền, Lịch sử vú còn đưa ra những góc nhìn nữ quyền sâu sắc và rất táo bạo .

Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại

Cuốn sách này sẽ khiến bạn “suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây”. Đó là câu mở đầu vừa gợi tò mò nhưng cũng vừa “khiêu khích” của tác giả Marilyn Yalom.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà vị giáo sư Pháp ngữ và văn học so sánh này lại mở đầu như vậy. Bởi khi bạn đọc cuốn sách này của bà, bạn sẽ thấy tri thức về vú của mình còn nghèo nàn và tương đối hạn hẹp.

“Nhìn từ bên ngoài, vú đại diện cho một thực tại khác, và thực tại này khác nhau tùy theo con mắt của mỗi người nhìn. Trẻ sơ sinh nhìn thấy thức ăn. Đàn ông thấy tình dục. Các bác sĩ thấy bệnh tật. Doanh nhân nhìn thấy những dấu hiệu của đôla. Những người có quyền uy trong tôn giáo biến vú thành biểu tượng tinh thần, trong khi các chính trị gia chiếm dụng nó vì mục đích dân tộc chủ nghĩa. Những nhà phân tâm học đặt vú vào trung tâm của vô thức, như thể nó là phiến đá nguyên khối không thay đổi…”. Marilyn Yalom viết.

Thông thường, chúng ta hay nhìn nhận về vú ở chức năng làm mẹ và chức năng tình dục. Nhưng Marilyn Yalom lại cho chúng ta thấy lịch sử hàng nghìn năm của loài người là lịch sử vú và lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại.

Cuốn sách đưa chúng ta vào chuyến du hành vượt thời gian (từ thời các nữ thần Đồ đá cũ đến phong trào giải phóng phụ nữ vào cuối thế kỷ 20), xuyên không gian (từ vùng Trung Đông đến châu Âu và Mỹ…), xuyên qua diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả tôn giáo, chính trị, thương mại, khoa học, nghệ thuật…) để chứng kiến thân phận “bảy nổi ba chìm” của vú.

Theo trình tự 9 chương sách: “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do” và “Vú trong khủng hoảng”, tác giả cho người đọc nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa bầu vú người phụ nữ với lịch sử phát triển của nhân loại.

“Khởi thủy là vú mẹ”, mượn lại một lối nói trong Kinh Thánh, Yalom cho rằng đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho bầu vú được tổ tiên loài người xem là một vật linh thiêng, lý do mà vì đó ở thời tiền sử, họ “đã ban tặng cho các tượng nữ thần của mình những bầu vú tuyệt vời”.

Đến lượt các vị nữ thần, họ lại truyền cảm hứng cho các nền văn minh đến sau, từ thế giới Hy La qua đêm dài trung cổ, nơi vú hiện lên như là nguồn cội của sức mạnh nuôi dưỡng và ban phát của “mẹ thiên nhiên” mang tính biểu tượng và người mẹ cụ thể chăm sóc cho đàn con thơ bé của mình.

Sang thời Phục Hưng, tính chất gợi dục đã len lỏi vào trong những bức tranh vốn xuất phát từ truyền thống vú linh thiêng thông qua việc nhấn mạnh vào hành động cho con bú của người mẹ.

Dù cùng thể hiện hành động cho con bú nhưng hội họa Phục Hưng đã khác biệt so với các tranh Thánh trước đấy ở một khía cạnh cơ bản: bầu vú hiện lên vừa như là “một tín hiệu khêu gợi trong nghệ thuật” vừa như để “ám chỉ đến khoái cảm thuần túy”.

Lich su vu anh 2

Sách Lịch sử vú. Ảnh: NXBPNVN.

Lịch sử vú qua góc nhìn kinh tế, chính trị, giới

Trước khi bầu vú bị tình dục hóa chuyển sang bị chính trị hóa trong thế kỷ Ánh Sáng, bầu vú đã có một “thời kỳ chuyển tiếp” rất thú vị, khi nó hiện diện với tư cách “vú quốc dân” trong xã hội công dân Hà Lan thế kỷ 17. Hội họa Hà Lan thời kỳ này đã nhanh chóng xóa bỏ đặc tính phô bày bầu vú nhằm thỏa mãn dục vọng để đặt nó vào trong bức tranh sinh hoạt, hoặc đem đến tinh thần thương yêu của người mẹ đối với con cái…

Đến sau Hà Lan một thế kỷ, tư tưởng Khai Sáng của J.J. Rousseau và “niềm đam mê cho con bú mà ông truyền cảm hứng đã đi xuyên qua địa vị giai cấp, chính trị và biên giới quốc gia” để hình thành một phong trào chính trị rộng khắp ở châu Âu.

Nói về thời kỳ này, Marilyn Yalom cho biết không có thời điểm nào trong lịch sử – ngoại trừ thời đại chúng ta – người ta lại tranh cãi nhiều về vú hơn là thế kỷ 18. Khi các nhà tư tưởng thời Khai minh bắt đầu hành trình thay đổi thế giới, bầu vú đã trở thành một đấu trường cho các lý thuyết gây tranh cãi về loài người và hệ thống chính trị.

Kể từ đó, người ta bắt đầu yêu cầu phụ nữ dâng hiến bầu vú của mình để phục vụ lợi ích quốc gia và quốc tế. Trong thời kỳ chiến tranh và cách mạng, họ được khuyến khích độn vú “cho những chàng lính” hoặc để hở ra như là biểu tượng của tự do.

Không chỉ bị lôi kéo vào đời sống chính trị vú cũng bị lôi kéo vào đời sống kinh tế bởi “khả năng thương mại gần như vô tận” của nó, nhờ vào “sự phát triển của các sản phẩm dành cho vú” và các cách thức mà người ta mua bán “tư thế vú để trần trong nghệ thuật, truyền thông và giải trí, bao gồm cả nội dung khiêu dâm”.

Không chỉ đề cập đến lịch sử vú là lịch sử văn minh nhân loại, trong cuốn sách Marilyn Yalom còn bàn đến nữ quyền và quyền phụ nữ đối với bầu vú của mình, đồng thời nói về bệnh ung thư vú – cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng của người phụ nữ.

“Ai là người sở hữu đôi gò bồng đảo đó? … Lịch sử văn hóa về vú chắc chắn nằm trong văn cảnh “triều đại của dương tượng” đã thống trị nền văn mình phương Tây trong 2.500 năm qua. Tuy nhiên, vú đồng thời đã có triều đại của riêng mình, chắc chắn là một triều đại được kiến tạo từ những huyễn tưởng của nam giới, nhưng là triều đại ngày càng thể hiện nhu cầu và ham muốn của người phụ nữ, mà rốt cuộc thì vú là của họ”, Marilyn Yalom viết.

Cũng liên quan đến quyền phụ nữ đối với bầu vú, Marilyn Yalom đã nêu ra một điều đáng suy ngẫm, đó là khi mà chỉ lúc lâm trọng bệnh, bầu vú mới thực sự là của riêng người phụ nữ. “Chính thực tại bi thảm của bệnh ung thư vú đã mang lại cho phụ nữ sự sở hữu trọn vẹn bầu vú của mình. Họ đang học, với cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng, rằng bầu vú của họ thực sự là của riêng họ”.

Tóm lại, Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại. Dù trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử, về cơ bản, vú luôn gắn cả chủ thể nữ – người mang vú và chủ thể chiếm dụng vú vì các mục đích riêng. Và từ cái nhìn này của Marilyn Yalom, chúng ta chắc chắn không thể nhìn bầu vú của phụ nữ như trước được nữa.

Nguồn: https://znews.vn/lich-su-vu-cai-nhin-ma-ban-chua-tung-muong-tuong-toi-post1512098.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng