Chưa rõ thời điểm chính xác xuất hiện nghi thức độc đáo này, nhưng theo những nguồn sử liệu còn lưu giữ được đến ngày nay, thời vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã ban lệnh thờ cúng thần Câu Mang.
Đây là vị thần coi sóc về mùa xuân, vị thần chủ về mùa màng, đồng thời chuyên lo việc làm mưa và có lệ khi làm lễ mùa xuân phải đem con trâu làm bằng đất (gọi là xuân ngưu) để ở dưới đền thờ; tục lệ ấy được truyền mãi, đến thời Hậu Lê còn gắn thêm nghi thức đả xuân ngưu. Có lẽ đây là dấu mốc mở đầu cho nghi thức dâng trâu đất mùa xuân.
[…]
Theo quan niệm của người xưa, một năm có 12 tháng, mỗi tháng tượng trưng cho hình ảnh một con vật thuộc 12 con giáp, tháng cuối cùng của năm biểu tượng là Trâu nên gọi là tháng Sửu.
Thời điểm này vẫn là mùa đông giá rét, làm tượng trâu ban đầu với nghĩa tống tiễn mùa đông lạnh giá; sau có thêm tục đả xuân ngưu mang ý trấn át, xua đuổi khí lạnh mùa đông, đón chào mùa xuân.
Ngoài ra, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, muốn trâu béo tốt có sức khỏe phải nhờ vào người chăn trâu (mục đồng) vì vậy làm lễ rước trâu và thần Câu Mang còn có ý nghĩa khuyến khích chăn nuôi, trồng cấy nông tang.
Có sách còn giải thích rằng thần Câu Mang (Mang thần) là thần cỏ mang, đây là loại cỏ giống cây lúa nhưng lá nhỏ, nhọn và cứng hơn, cỏ mang có hoa màu đỏ hoặc màu trắng. Tế thần cỏ mang tượng trưng cho mong muốn mùa xuân đến sớm, vì hoa cỏ mang nở sớm hơn các thứ hoa khác trong mùa xuân.
Một tài liệu của người nước ngoài có mặt ở Thăng Long thời vua Lê chúa Trịnh cho biết, trong lễ tiến Xuân Ngưu, dân chúng đi xem rất đông, có những người còn vừa đi vừa hát:
Bao giờ Mang hiện đến nay,
Cày bừa cho chín mạ này đem gieo.
Lễ tiến Xuân ngưu mang đậm dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, là nghi thức có tính dân gian, nhưng nó lại do chính quyền tổ chức. Theo quy định, lễ tục này được thực hiện vào ngày lập xuân do bộ Lại vâng lệnh vua tiến hành ở triều đình, tại các địa phương do quan cai trị ở đó thực hiện.
Sau lễ tế thần Câu Mang, một người được cử cầm roi trang trí màu sắc sặc sỡ quất vào trâu đất biểu thị “tống hàn, nghênh xuân”, tiếp đến người dân khoét một ít đất trên thân trâu đất mang về nhà với ý nghĩa cầu một năm mới bội thu, may mắn thịnh vượng.
Tác giả Phan Huy Chú trong bộ Lịchtriều hiến chương loại chí cho biết: “Hàng năm đến tháng 11, Tư thiên giám tâu ngày nào, tháng nào là tiết Lập Xuân và kê cả kiểu mẫu làm xuân ngưu giao cho Công bộ sai Thường ban cục làm. Tượng trâu to bằng thật, mỗi năm nhuộm một mầu, ứng với năm đó, tính theo âm dương, ngũ hành.
Trước tiết Lập Xuân một ngày, buổi chiều, Thường ban cục đem trâu đất đến đàn tế, dựng ở phường Ðông Hà. Lễ tế vào giờ Tý (nửa đêm), mở đầu ngày Lập Xuân. Quan Phủ doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức làm lễ xong thì sai rước đến đàn ở phường Hà Khẩu.
Hôm sau rước đi sớm. Quan Phủ doãn và các quan huyện lấy cành dâu đánh con trâu đất, rồi đem vào sân điện vua làm lễ tiến Xuân Ngưu. Các quan vâng chỉ của Chúa, mặc phẩm phục làm lễ. Lễ xong, quan Tư lễ giám bưng cái án để Xuân ngưu trước ngự tọa sang tiến ở phủ Chúa”.
Nghi lễ ‘Tiến Xuân ngưu được tái hiện tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Vietnam+ |
[…]
Giáo sĩ Francisco Gil de Federich người Tây Ban Nha đến nước ta và ở tại Đông Kinh (tức Thăng Long, nay là Hà Nội) khoảng 10 năm (1737-1747) trong một cuốn sách có tiêu đề: Khảo cứu nhỏ về các giáo phái của người Trung Quốc và người Đông Kinh cũng có đoạn mô tả về lễ tiến Xuân ngưu.
Theo thuật lược của ông thì trước ngày lễ, các quan thiên văn phải tấu trình lên đức vua thời điểm lập xuân, mô hình tượng trâu đất và tượng người chăn trâu (thần Câu Mang). Sau khi được phê chuẩn, các quan ở bộ Công sẽ tổ chức làm tượng với các kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.
Khi tượng được làm xong, đêm trước hôm tế lễ, tượng trâu và thần Câu Mang loại lớn được rước ra cửa Đông Hà (tức Ô Quan Chưởng, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay) để ở đàn tế. Đàn tế này quay theo hướng chính Đông, ứng với mùa xuân.
Nửa đêm, một số viên quan được lệnh làm lễ, tiếp đó tượng trâu và thần Câu Mang được rước đến đền Bạch Mã (nay thuộc phố Hàng Buồm) để làm lễ tế thần Long Đỗ – thành hoàng của kinh thành.
Lễ tế kết thúc, tượng thần Câu Mang được đem chôn bên bờ sông Tô Lịch, còn tượng trâu lớn được rước vào hoàng cung; trên đường đi có ba viên quan cầm theo cành dâu, thỉnh thoảng lại quất vào thân trâu.
Trâu được đặt ở sân Đan Trì trước điện Kính Thiên để vua và quần thần làm lễ. Kết thúc các nghi thức, tượng trâu được mổ ra làm nhiều phần, nhà vua phân phát cho các quan dự tế và các đền miếu trong kinh thành.
Số tượng trâu loại nhỏ mang sang phủ Chúa Trịnh để chúa phân phát cho những quan chức, quân lính mang ý nghĩa cầu may, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống no ấm.
Nghi thức đặc biệt này còn được thực hiện dưới triều Nguyễn, trong sách Minh Mạng chính yếu cũng có đoạn viết: “Xét sách Lễ ký, thiên Nguyệt lệnh,…theo lễ nghi ghi chép, tháng cuối mùa Đông, vua sai quan hữu ty đem con trâu đất ra lễ để đuổi khí lạnh.
Đến năm ngày trước tiết Lập xuân, đặt con trâu đất, tượng người cày ruộng và cái cày ở phía ngoài cửa Đông môn. Rạng sáng ngày hôm ấy, quan lại cầm roi ngũ sắc ra đánh con trâu ba roi để tỏ ý khuyên bảo cày ruộng”.