GS.TS Nguyễn Thiện Giáp là một trong những nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học nổi tiếng của Việt Nam. Ông quan tâm các vấn đề lý luận ngôn ngữ, từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt, dụng học Việt ngữ.
Ông từng cho ra mắt nhiều tác phẩm bàn về các vấn đề của ngôn ngữ và cuốn Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ hiện đại được xem tác phẩm đầu tiên cho thấy được rõ nhất sự vận động và biến đổi của Ngôn ngữ học.
Trò chuyện với ông về cuốn sách đã mở ra nhiều thông tin thú vị về ngôn ngữ của Việt Nam cũng như của thế giới.
Nắm vững Ngôn ngữ học Việt Nam và các nước
– “Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ hiện đại” là tác phẩm đồ sộ, dày gần 600 trang với 10 chương. Ông viết cuốn sách này trong bao lâu và gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện?
– Cuốn Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ học hiện đại được Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản cuối năm 2018, đầu năm 2019. Đây là kết quả sau ít nhất 20 năm nghiên cứu và giảng dạy của các giảng viên thuộc khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhiều trường đại học khác trong cả nước.
Hoàn thành công việc này đòi hỏi người viết phải bao quát được nhiều truyền thống Ngôn ngữ học khác nhau, ở các nước. Người viết không những phải nắm vững truyền thống Ngôn ngữ học Việt Nam, mà còn đi sâu tìm hiểu truyền thống Ngôn ngữ học Trung Hoa, Pháp, Nga, Anh, Mỹ…
GS.TS Nguyễn Thiện Giáp nhận giải B tại lễ trao Giải Sách Quốc gia 2020 tối 9/10. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Việc xếp một công trình nghiên cứu cụ thể vào khuynh hướng nào cũng là một vấn đề. Chẳng hạn, Ngôn ngữ học tạo sinh có người chỉ coi là trường phái của Ngôn ngữ học cấu trúc.
Khi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, tôi đã chứng kiến một cuộc tranh luận sôi nổi về việc có tồn tại một nền ngôn ngữ học Marxist hay không?
Trong công trình này, tôi đã khái quát hóa thành 5 khuynh hướng chính. Khuynh hướng cấu trúc gồm 5 trường phái: Trường phái Geneva; trường phái Prague; trường phái London; trường phái Copenhagen và trường phái Mỹ.
Khuynh hướng duy lý thể hiện ở Ngôn ngữ học tạo sinh của N. Chomsky. Khuynh hướng duy vật thể hiện ở Ngôn ngữ học Marxist. Khuynh hướng tri nhận thể hiện ở Ngôn ngữ học tri nhận. Khuynh hướng văn hóa thể hiện ở Ngôn ngữ học nhân học.
– Tác phẩm được đánh giá là có nhiều giá trị khoa học trong việc giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu Ngôn ngữ học hiện nay. Điều gì khiến ông tâm đắc hoặc luyến tiếc nhất khi cuốn sách được xuất bản?
– Trước đó, tôi đã xuất bản nhiều công trình, chẳng hạn như Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Giáo trình ngôn ngữ học…
Những gì đã viết trong công trình phản ánh nhận thức hiện thời của tôi về vấn đề liên quan. Khi hoàn thành cuốn sách này, tôi chưa thấy có điều gì bận tâm cả.
– Cuốn sách bàn về nhiều khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ, nhưng có vẻ chỉ Ngôn ngữ học nhân học là gần gũi với chúng ta. Liệu đó có phải dấu hiệu cho thấy ngành Ngôn ngữ học ở Việt Nam chưa thực sự phát triển?
– Thực ra, Ngôn ngữ học nhân học là lĩnh vực liên ngành, nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa. Đây là ngành mới, thành tựu còn khiêm tốn. Nhưng Ngôn ngữ học và đặc biệt là Việt ngữ học ở Việt Nam đã có nhiều thành tựu.
Để biết rõ, bạn có thể đọc Lược sử Việt ngữ học, Nguyễn Thiện Giáp chủ biên, NXB Tri thức, 940 trang, xuất bản năm 2017. Tất nhiên, so với yêu cầu, chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, nhưng không đến nỗi “chưa thực sự phát triển” như bạn đề cập.
Ngôn ngữ luôn vận động, biến đổi không ngừng
– Là người gắn bó lâu năm với ngành Ngôn ngữ học, ông nhận thấy những vấn đề gì đang diễn ra với ngôn ngữ của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng?
– Hiện nay, những vấn đề về Ngữ dụng học được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Chính ở Ngữ dụng học, các quan điểm lý thuyết về tri nhận và văn hóa đều được vận dụng.
Có thể thấy rõ nhất qua cuốn Ngôn ngữ học lý thuyết do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2020. Tác phẩm có 320 trang, trong tổng số 955 trang, bàn về Ngữ dụng học.
– Gần đây, nhiều tranh luận liên quan đề xuất cải tiến ngôn ngữ, chữ viết. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
– Thực ra, không nên nói “cải tiến ngôn ngữ”. Bản thân ngôn ngữ luôn vận động và biến đổi. Con người tác động vào sự phát triển của ngôn ngữ thông qua các cuộc vận động “giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ, chuẩn hóa ngôn ngữ”…
Cải tiến chữ viết là vấn đề đại sự quốc gia, chứ không phải của cá nhân. Đó là một vấn đề khoa học thực tiễn, cần bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
GS.TS Nguyễn Thiện Giáp
Chữ viết có thể cải tiến hoặc không cải tiến. Nếu nghĩ rằng chữ quốc ngữ đã hoàn thiện rồi, không cần cải tiến nữa là sai lầm. Chữ quốc ngữ vẫn còn những hạn chế nhất định.
Tuy nhiên, cải tiến chữ viết là một vấn đề đại sự quốc gia, chứ không phải của cá nhân. Đó là một vấn đề khoa học thực tiễn, cần bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Hiện nay, Nhà nước chưa đặt vấn đề “cải tiến chữ viết” nên chúng ta không bàn. Các nhà khoa học có thể tự do bàn bạc vấn đề này như một vấn đề khoa học thuần túy.
Bạn đọc có thể đọc thêm bài viết “Một số vấn đề về chữ quốc ngữ” của tôi trong Chữ quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, xuất bản năm 2017.
Cuốn sách Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ học hiện đại. Ảnh: Ngọc Hiền. |
– Theo ông, ngôn ngữ đóng vai trò gì trong cuộc sống thực tiễn của con người?
– Để trả lời câu hỏi này, tôi xin trích lại hai câu mà tôi đã viết trong Dẫn luận Ngôn ngữ học, in lần đầu năm 1993 và đến nay đã tái bản lần thứ 21:
“Ngôn ngữ là người bạn đường không thể thiếu của con người. Sự ký diệu, vẻ đẹp và ý nghĩa của ngôn ngữ loài người thường xuyên khuấy động những con tim, khối óc tò mò và nhạy cảm, và con người đã hình thành nên một ngành khoa học về nó: Ngôn ngữ học”.
“Những tri thức Ngôn ngữ học là hữu ích cho bất cứ ai. Nó rất cần thiết đối với những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Những người dùng ngôn ngữ làm công cụ nghề nghiệp như các nhà văn, nhà báo, các cán bộ tuyên truyền… cũng cần phải biết ngôn ngữ học”.