Được học của Tara Westover là cuốn hồi ký ghi lại hành trình khó khăn để được đến trường và tiếp tục học trên chính đất Mỹ. Ở tuổi 17, Tara bắt đầu đi học như một trang giấy trắng. Bằng nghị lực phi thường của mình, cô giành được học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge danh tiếng, sau 10 năm.
Được sự cho phép của NXB Phụ nữ Việt Nam, đơn vị giữ bản quyền, Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách.
“Tôi đã dạy ở Cambridge 30 năm,” ông nói, “và đây là một trong những bài luận xuất sắc mà tôi từng đọc.”
Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những lời sỉ nhục chứ không phải cho lời khen ngợi này.
Không trả nổi học phí
Giáo sư Steinberg chắc hẳn đã nói nhiều hơn về bài luận, nhưng tôi không nghe thấy gì cả. Đầu óc tôi tập trung toàn bộ cho nhu cầu khẩn thiết muốn thoát khỏi căn phòng đó. Vào khoảnh khắc ấy, tôi không còn ở trong tháp đồng hồ của trường Cambridge nữa. Tôi 17 tuổi, trong một chiếc xe jeep màu đỏ, và một chàng trai tôi yêu vừa chạm vào tay tôi. Tôi chạy trốn.
Tôi có thể chịu đựng bất cứ kiểu tàn nhẫn nào tốt hơn là chịu đựng lòng tốt. Lời ngợi khen là độc dược đối với tôi. Tôi không nuốt nổi nó. Tôi muốn giáo sư quát mắng, tha thiết muốn điều đó đến nỗi tôi cảm thấy choáng váng vì bị tước đoạt nó. Cần có ai đó nói ra sự xấu xa của tôi. Nếu nó không được biểu đạt trong giọng nói của ông thì tôi cần biểu đạt nó trong giọng nói của chính mình.
Cuốn sách Được học của Tara Westover. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Tôi không nhớ mình đã rời khỏi tháp đồng hồ, hoặc đã vượt qua được buổi chiều hôm đó như thế nào. Tối hôm đó có một bữa trang trọng. Phòng ăn tắm trong ánh nến, đẹp lung linh, nhưng nó khiến tôi hớn hở vì thứ khác: Tôi không mặc trang trọng, chỉ mặc một chiếc sơ mi đen và quần tây màu đen. Tôi nghĩ trong ánh sáng mờ ấy mọi người sẽ không chú ý.
Laura, bạn của tôi, đến muộn. Cô giải thích rằng bố mẹ đến thăm và đưa cô sang Pháp. Cô chỉ vừa mới trở lại trường. Cô mặc một chiếc váy màu tím rịm xếp ly cứng ở phần chân váy. Diềm váy bồng bềnh phía trên đầu gối cô vài phân. Trong phút chốc, tôi nghĩ chiếc váy đó trông dâm đãng thế nào ấy, cho tới khi cô nói bố mình đã mua nó ở Paris.
Món quà từ bố của một người thì không thể dâm đãng được. Món quà bố mua cho con, đối với tôi, dường như là dấu hiệu rõ rành rành rằng người con ấy không phải là đĩ điếm. Tôi đấu tranh với nỗi mâu thuẫn này – một bộ váy dâm đãng, được tặng cho đứa con gái yêu – cho tới khi bữa ăn kết thúc và những chiếc đĩa được dọn đi.
Trong buổi hướng dẫn tiếp theo, giáo sư Steinberg nói rằng khi tôi nộp đơn đăng ký học sau đại học, ông chắc chắn tôi sẽ được nhận dù chọn trường nào.
“Em đã đến thăm Harvard chưa?”, ông hỏi, “Hay em thích Cambridge hơn?”.
Tôi mường tượng ra mình ở Cambridge, một sinh viên tốt nghiệp đại học mặc chiếc áo choàng đen dài lụng thụng kêu sột soạt khi sải bước qua những hành lang cổ kính. Sau đó, tôi mường tượng mình gập người trong phòng vệ sinh, một cánh tay để sau lưng, đầu ở trong bồn cầu.
Tôi cố tập trung vào hình ảnh người sinh viên nhưng không thể. Tôi không thể hình dung ra cô gái trong chiếc áo choàng đen xoay tròn mà không nhìn thấy đứa con gái kia. Người học giả hay con đĩ, cả hai không thể đều là thực. Một trong hai người đó là giả.
“Em không thể học cao học,” tôi nói, “Em không trả nổi học phí ạ”.
“Cứ để chuyện học phí tôi lo”, giáo sư Steinberg nói.
“Em cũng có quyền ở đây như bất cứ ai khác”
Vào cuối tháng tám, trong đêm cuối cùng của chúng tôi ở Cambridge, có một bữa tối chia tay ở hội trường. Những chiếc bàn được bày biện nhiều dao nĩa và ly cốc mà tôi chưa từng thấy; những bức tranh trên tường dường như trông đầy vẻ ma mị trong ánh nến.
Tôi cảm thấy bị vẻ tao nhã ở đó bóc trần, nhưng đồng thời cũng được nó làm cho trở nên vô hình. Tôi nhìn không chớp mắt những sinh viên khác khi họ đi qua, dán mắt vào từng chiếc váy lụa, từng con mắt được kẻ mi đậm. Tôi bị vẻ đẹp của chúng ám ảnh.
Trong bữa tối, tôi lắng nghe những cuộc tán gẫu vui vẻ của bạn bè trong khi khát khao sự cô lập trong phòng riêng của mình. Giáo sư Steinberg ngồi tại chiếc bàn cao. Mỗi lần tôi liếc nhìn ông, tôi cảm thấy một bản năng cũ trỗi dậy trong tôi, làm cơ bắp của tôi căng lên, chuẩn bị cho tôi trốn chạy.
Tôi rời khỏi phòng lúc món tráng miệng được mang tới. Thật nhẹ cả người khi trốn khỏi khung cảnh tao nhã và đẹp đẽ đó – để được phép vô duyên và không còn là cái tương phản. Tiến sĩ Kerry nhìn thấy tôi rời khỏi phòng bèn đi theo.
Trời tối. Bãi cỏ đen sẫm, bầu trời còn đen hơn. Những cột ánh sáng trắng lóa vươn cao từ mặt đất khiến nhà thờ tắm trong ánh sáng lung linh như ánh trăng trên nền trời đêm.
“Em đã gây ấn tượng với giáo sư Steinberg đấy”, tiến sĩ Kerry nói trong khi bước đi song song với tôi, “Tôi chỉ hy vọng ông ấy gây ấn tượng với em”.
Tôi không hiểu.
“Đi lối này”, ông nói, rẽ về phía nhà thờ, “Tôi có điều muốn nói với em”.
Tôi bước đi sau ông, nhận thấy mình bước đi thật lặng lẽ, ý thức được rằng đôi giày vải của hãng Ked gõ xuống lối đi lát đá không được tao nhã như giày cao gót của các cô gái khác.
Tiến sĩ Kerry nói rằng ông đã quan sát tôi. “Em hành động như người đóng vai kẻ khác. Cứ như thể em nghĩ cuộc sống của em phụ thuộc vào điều đó”.
Tara Westover không phải nhà văn chuyên nghiệp, nhưng cuốn hồi ký Được học của cô lại nhận được sự yêu mến của bạn đọc trên khắp thế giới. Ảnh: The Australian. |
Tôi không biết phải nói gì, vậy nên tôi im lặng.
“Em không bao giờ chợt nghĩ rằng”, ông nói, “Có lẽ em cũng có quyền ở đây như bất cứ ai khác.”
Ông đợi lời giải thích.
“Em thích phục vụ bữa tối”, tôi nói, “Hơn là ăn ạ”.
Tiến sĩ Kerry mỉm cười. “Em nên tin giáo sư Steinberg. Ông ấy nói em là một học giả - ‘là vàng ròng’ – tôi đã nghe thấy ông ấy nói, em là vàng ròng đấy”.