Trang sách cũ phiến bia xưa như một cuộc du hành gồm hai phần, ứng với hai chặng lớn trên hành trình ngược thời gian: chặng di chỉ Hán Nôm trên các đình chùa, đền thờ, bia mộ, bài vị… và chặng di sản văn chương từ truyện kể dân gian đến tiểu thuyết đại chúng.
Thêm yêu mảnh đất phương Nam
Cuộc trở về của hai tác giả (đều là giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) ngỡ chỉ là gom nhặt chữ nghĩa, hóa ra lại lắm công phu. Cái công phu của đôi chân người nghiên cứu thực địa, nhiều gian nan dọc miền điền dã khắp các tỉnh phương Nam.
Nhưng thấm thía hơn là cái công phu của tâm hồn: có khi lắm bồi hồi, tiếc nuối, thậm chí nghẹn ngào trước những di tích đã bị thời gian và dâu bể thời cuộc bào mòn dấu vết; có khi mừng vui rỡ ràng trước cổ vật quý hiếm còn được “gìn vàng giữ ngọc”.
Với chuyến đi này, độc giả sẽ được chiêm ngưỡng lại đình Long Hậu – ngôi đình được mệnh danh là “bề thế và đẹp đẽ nhất” bên dòng sông Hậu – đã bị dỡ bỏ cách đây 20 năm.
Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng là những người đi khôi phục đình không bằng gạch ngói, vôi vữa, mà bằng những khuôn chữ vuông vắn, uy nghi trên bức hoành phi, bảng sắc phong – hồn cốt của ngôi đình đã mất.
Với tinh thần của những người “trân trọng vốn xưa”, hai tác giả tỉ mỉ ghi chép, phiên âm và dịch nghĩa di văn Hán Nôm trên lăng mộ, đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức – một danh tướng thời Nguyễn Ánh – Gia Long ở Long An; cung cấp bức tranh khái quát về chùa cổ Phú Yên, đền, miếu và lăng mộ Đồng Tháp; sưu tầm thơ Nôm ở Tiền Giang; xác định lại những địa danh Hán Nôm và khảo sát các thể loại cổ như hệ thống câu đối và văn tế ở Nam Bộ.
Những trang sách Trang sách cũ phiến bia xưa giải thích nguồn gốc tên gọi các vùng miền như Cần Thơ, Chà Và, U Minh, Cà Mau, Nam Vang, Cái Dầu, Cái Ngang từ cái nhìn về văn tự chữ Nôm mang lại nhiều khám phá bất ngờ, thú vị, khiến người đọc thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất phương Nam từ chữ nghĩa của ông cha.
Người giữ đình chốn không còn đình
Giá trị của Trang sách cũ phiến bia xưa nằm ở chỗ: khi chạm đến những nhà văn, những nhân vật văn học tiêu biểu của miền Nam thời cổ cận đại, hai tác giả đều mang lại nhiều điều mới mẻ về tư liệu và cách kiến giải, tạo thành một “gallery” văn học hấp dẫn. 3 dị bản của chàng Lía, vốn có nguồn gốc ở Bình Định, được tìm thấy ở miền Nam với hình ảnh ngang tàng, phóng khoáng tựa như Robinhood phiên bản Việt.
Chân dung văn học của Kiều Thanh Quế – nhà phê bình “hiếm có”; Á Nam Trần Tuấn Khải – thi sĩ, chí sĩ buổi giao thời; Tô Nguyệt Đình – người nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Bộ áo cà sa nhuộm máu; Thẩm Thệ Hà – “người nghệ sĩ đa năng”; Lý Văn Sâm – một dấu ấn của Đông Nam Bộ; Hồ Biểu Chánh – nhà văn chuyên nghiệp của người bình dân… được tô đậm nét, khai phá ở nhiều khía cạnh, giúp người đọc dần mường tượng ra một cách rõ rệt, đầy đủ hơn đời sống văn học đa giọng điệu, đa sắc thái của miền Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Điều cuối cùng đọng lại sau cuộc du hành là “dáng đứng bất động trong buổi chiều chập choạng” và “đôi mắt ẩn chứa nhiều tâm sự chưa nói hết” của “ông từ giữ đình cuối cùng” ở ngôi đình Long Hậu.
Cái dáng đứng đầy trông ngóng ấy dấy lên những câu hỏi cứ đau đáu suốt quyển sách của các tác giả: Làm sao bảo tồn di sản Hán Nôm trước khi quá muộn? Làm sao giữ được nguyên vẹn căn cốt dân tộc trong những hình hài kiến trúc và linh hồn chữ nghĩa?
Với bề dày văn hóa độc đáo ở phương Nam, chúng ta có thể phát triển du lịch văn hóa và du lịch tâm linh, để những vàng son của quá khứ vẫn lấp lánh trong hiện tại và tương lai dân tộc được không?
Các tác giả có một “đơn đặt hàng” đáng chú ý cho giới nghiên cứu: cần phải “triển khai một chương viết về văn học đại chúng” để nhìn nhận đúng vai trò, vị trí, ý nghĩa của bộ phận văn học này trong lịch sử văn học dân tộc.