Lê Hữu Trác, tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, một nho gia và đại danh y Việt Nam cuối thời Lê mạt. Ông sinh năm 1721 (có tài liệu viết 1724) , người xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, thị trấn Hải Dương (nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Cha và chú ông đều đỗ tiến sĩ và làm quan đến đại thần. Lúc còn trẻ Lê Hữu Trác theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng hay chữ.
Năm ông 19 tuổi ông bỏ con đường khoa cử gia nhập quân đội của chúa Trịnh, sau đó rời quân ngũ về quê mẹ ở xã Bầu Thượng, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tại đây, ông mắc một chứng bệnh dai dẳng, may nhờ một danh y họ Trần cứu chữa. Từ đó, ông quyết định rời bỏ quan lộ, dốc lòng nghiên cứu y học và trở thành đại danh y nổi tiếng.
Cuộc gặp tình cờ trong một hoàn cảnh đặc biệt
Năm 1782 (tháng Giêng, năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng 42) ông được triệu về kinh để chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và Thế tử Trịnh Cán. Từ chuyến đi kéo dài ngót 2 năm này, ông đã viết lên cuốn Thượng kinh ký sự kể lại hành trình từ Hương Sơn, Hà Tĩnh về Thăng Long.
Tác phẩm Thượng kinh ký sự (Phan Ngọc dịch, NXB Hà Nội phối hợp với Omega plus ấn hành năm 2020). Ảnh: Minh Châu. |
Tác phẩm cũng kể lại thời gian Lê Hữu Trác sống ở Kinh Thành biết bao biến động lớn, tả lại sự giao du của công hầu khanh tướng thời Lê mạt và lúc nào cũng mong muốn thoát khỏi vòng công danh phú quý về với núi cũ non xưa ở Hương Sơn.
Cũng trong tác phẩm, Lê Hữu Trác còn kể lại chuyện ông gặp lại “người xưa” trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Chuyện kể rằng, hôm ấy có 2 bà sư đến nhà trọ của Lê Hữu Trác tại Kinh thành Thăng Long để khuyến hóa (quyên tiền) đúc chuông chùa Huê Cầu (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên). Một bà nói mình trụ trì ở chùa Yên Tử, một bà nói mình là con gái quan Tả Thừa tư ở Sơn Nam, người làng Huê Cầu. Lê Hữu Trác hỏi nhỏ một ni cô còn trẻ tuổi đi theo thì được biết bà sư già này chính là người hẹn ước với ông ngày trước.
Nghĩ thầm bà sư già chùa Huê Cầu không biết mình nên đến đây, Lê Hữu Trác bèn nói rõ họ tên và quê quán xem ý tứ bà như thế nào. Bà sư già chùa Huê Cầu nghe vậy có ý thẹn. Bà bảo bà sư chùa Yên Tử “Chúng ta đi thôi”.
Lê Hữu Trác cố giữ nhưng bà không chịu. Ông đưa ít tiền và hỏi 2 bà trọ ở nơi đâu, song 2 bà nói chưa định nghỉ ở đâu cả, rồi giã từ đi.
Lê Hữu Trác bèn gọi một người nhà lanh lợi bảo anh ta đi theo 2 bà, rồi dặn hỏi những người xung quanh chỗ 2 bà trọ xem các bà đến đây từ bao giờ, còn ở lại mấy ngày nữa, nhưng phải giữ kín không cho 2 bà biết. Anh người nhà đi sau 2 giờ đồng hồ về thưa 2 bà ở trọ trong chùa Liên Tôn. Họ mới đến trọ được vài hôm, còn ở Kinh khuyến hóa lâu.
Ngày hôm sau, Lê Hữu Trác gọi một người học trò đến và kể cho anh nghe chuyện ông gặp “người cũ” thế nào; chuyện hẹn ước giữa ông với bà hồi trẻ và nhờ anh ta tiếp cận bà nói lên những mong muốn của mình với bà.
Mong chuộc lấy cái tội ngày xưa
Theo lời kể của Lê Hữu Trác với anh học trò thì lúc còn nhỏ, nhà ông có dạm cô con gái con quan Thừa tư tham chánh ở Sơn Nam, đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi nhưng có việc trở ngại, ông phải từ hôn về ở luôn Hương Sơn.
Chân dung Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nguồn: baophapluat. |
Khoảng 5, 6 năm sau, Lê Hữu Trác lên kinh thì nghe tin quan Thừa tư tham chánh qua đời. Ông hỏi thăm thì người ta nói là quan có một cô con gái lạ kỳ. Trước có một công tử hỏi đã đủ lục lễ rồi sau không thành. Cô bảo mình đã có người dạm hỏi, tức là đã có chồng. Nay vô duyên chồng bỏ, còn mặt mũi nào lấy chồng nữa, bèn thề suốt đời không lấy ai.
Lê Hữu Trác nghe vậy trong lòng hoảng hốt: “Mình thu xếp công việc không chu đáo, có trước chẳng có sau, khiến cho cô ta ôm hận. Mình thực là người bạc hạnh! Tội này đeo đuổi lấy mình, không biết có cách nào gỡ được”.
Sau đó, Lê Hữu Trác chạy về Huê Cầu thì được biết sau khi quan Thừa tư tham chánh mất, người anh ép gả cho một anh đồ nghèo nhưng cô không nghe. Có người còn nói: Con gái quan lỡ hứa, trên không dòm xuống, dưới không với đến, cho nên vẫn ở vậy. Nghe vậy, ông tạm yên lòng trở về Hương Sơn.
Kể xong câu chuyện, Lê Hữu Trác nói với anh học trò rằng nay gặp lại, thấy bà cô độc khổ sở, việc như thế này chẳng phải do ông gây đó sao. Nay chỉ còn một cách nuôi dưỡng bà đến trọn đời, để chuộc lại cái tội ngày xưa. Ông bảo với anh học trò đến thưa với bà nếu bà bằng lòng thì mời bà vè Hương Sơn, trong vườn nhà ông có một ngôi chùa do anh ông dựng lên có thể cung phụng đèn nhang.
Anh học trò đến chùa Liên Tôn thưa lại thì bà sư già chùa Huê Cầu sụt sùi đáp: “Cảm ơn cụ có lòng tốt . Tôi không gặp được chồng, phải cô độc, khổ sở như thế này cũng bởi cái số mệnh của tôi, chứ có dám trách ai đâu?… Xin ông về thưa với cụ: Tôi chưa được cái ân huệ của người, nhưng tấm lòng của người đã hiểu cho như thế, cũng đủ an ủi cái lênh đênh của cuộc đời tôi rồi”.
Một ngôi chùa ở Đàng Ngoài, tranh minh họa trong sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron. Nguồn: Tư liệu của Royal Society of London. |
Nghe những lời như vậy, Lê Hữu Trác thương cảm vô cùng, bèn làm bài thơ để giãi tỏ lòng mình, trong đó có câu (bản dịch Phan Ngọc): “Lầm người bởi sự vô tâm / Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than / Một cười, giọt lệ chưa chan / Mắt trông xuân hết hoa tàn thương thay”.
Kể từ sau buổi đó, Lê Hữu Trác và bà sư già chùa Huê Cầu thường xuyên đi lại thăm hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, không rõ cuộc đời bà sau này thế nào, vì trong tác phẩm Lê Hữu Trác chỉ nói thêm một việc là bà có nhờ ông tìm mua cho một cỗ áo quan tốt, sau này được về Hương Sơn, ông có gửi 5 quan tiền nhờ mua cỗ áo quan tặng bà.