Dòng ghi chú “Kỷ niệm của ba dịch” trên cuốn sách cũ của bà Huỳnh Phan Thanh Yên. Ảnh: Thanh Trần. |
Không gia đình (Hector Malot) và Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran (Alfred Assollant) là hai dịch phẩm vừa được ra mắt bạn đọc với phiên bản mới vào tháng 9. Đáng chú ý là từ lời giới thiệu của cuốn Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran, độc giả sẽ phát hiện các bản dịch này đã được hoàn thiện hơn ngay cả khi dịch giả mất đã lâu.
“Xin giới thiệu với bạn đọc ham hiểu biết dịch phẩm của cha mẹ tôi là dịch giả Mai Hương và nhà giáo nhân dân – giáo sư Huỳnh Lý lúc tuổi đã cao… Để dịch phẩm hoàn chỉnh hơn, tôi đã tham khảo đối chiếu với bản tiếng Anh và nhiều tài liệu liên quan khác”, dịch giả Huỳnh Phan Thanh Yên đã chia sẻ trước khi kết thúc phần giới thiệu, hé lộ câu chuyện về những thế hệ dịch giả trong một gia đình vẫn đang tiếp nối nhau để hoàn thiện các bản dịch kinh điển.
Những bản dịch truyền đời
Tác giả – dịch giả Huỳnh Phan Thanh Yên, sinh năm 1948, là một giáo viên dạy văn đã về hưu. Hiện trong nhà bà còn lưu giữ nhiều cuốn sách là những tác phẩm, bản dịch của GS. Huỳnh Lý và dịch giả Mai Hương sau này được các nhà xuất bản in lại, như hai bộ Những người khốn khổ to và dày, hai cuốn thơ Ngụ ngôn La Fontaine, quyển Bản án chế độ thực dân Pháp với màu giấy đã ngả vàng xuất bản từ mấy chục năm trước và cả bộ Không gia đình và Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran mới xuất bản năm nay.
Bà Phan Huỳnh Thanh Yên sắp xếp lại một góc trong tủ sách gia đình. Ảnh: Thanh Trần. |
Đó chưa phải là toàn bộ số sách mà bà đang lưu giữ trong tủ sách gia đình nằm trên tầng ba. Đã hơn 70 tuổi, bà phải đi vài lần mới mang được những cuốn sách này xuống cho vị khách mới gặp lần đầu đến hỏi thăm về lịch sử của gia đình dịch giả.
Lúc mở các giỏ và hộp đựng sách, bà làm nhẹ nhàng, mắt bà tập trung vào từng cuốn sách cho đến khi nó đã được đặt ngay ngắn trên bàn. Khi xếp gần xong số sách quan trọng, bà nói – dù tôi vẫn chưa đặt câu hỏi vì không nỡ làm ngắt mạch suy tư của bà với những cuốn sách. Như thể để biểu lộ một cảm xúc không thể che giấu: “Như thế này hỏi sao gia đình mình không tự hào được cơ chứ!”
Đó là những cuốn sách được dịch bởi ba mẹ của bà: Giáo sư Huỳnh Lý và dịch giả Mai Hương – hai tên tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc văn học kinh điển Pháp với những bản dịch kinh điển mà đến nay vẫn còn được sử dụng rộng rãi.
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Huỳnh Lý (1914-1993) là cái tên đã quá nổi tiếng với những người yêu văn học của thế kỷ trước. Theo Tuyển tập Huỳnh Lý (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2002), ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học, truyện, thơ, kịch, đồng thời cũng là thầy của nhiều thế hệ nhà văn, nhà giáo nổi tiếng như GS. Lê Đình Kỵ, nhà văn Nguyên Ngọc, Phan Tứ, nhà giáo – nhà thơ Bùi Công Minh…
Ngoài ra, là một tên tuổi nổi bật của nhóm Văn học Lê Quý Đôn, GS Huỳnh Lý còn để lại nhiều dịch phẩm văn học Pháp kinh điển như Những người khốn khổ (Victor Hugo), Không gia đình (Hector Malot), Eugénie Grandet (Honoré de Balzac), Tu viện Thành Pácmơ (Stendhal)…
Vợ ông – nhà giáo Phan Thanh Cam, theo lời kể của con gái, là một người phụ nữ ham học. Từ một “con gái quan Thượng Thư, học trường Đồng Khánh”, bà say mê “đạo học” và đeo đuổi không dứt “mộng văn chương”. Lúc còn đi dạy, với bút danh Mai Hương, bà đã làm thơ, dịch các truyện cổ dành cho thiếu nhi. Đến khi nghỉ hưu, bà dịch các tác phẩm nổi tiếng như Trong gia đình (Hector Malot), Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran (Alfred Assollant)…
GS Huỳnh Lý và vợ Phan Thanh Cam (Mai Hương) và con trai đầu Huỳnh Phan Lê (1940, Hội An). Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Dịch giả Huỳnh Lý và Mai Hương thuộc thế hệ những dịch giả cách mạng đầu tiên đã đưa văn học phương Tây vào Việt Nam. Hai dịch giả tuy mất đã lâu nhưng giá trị của những bản dịch công phu với lời văn uyển chuyển, giàu hình ảnh sống động vẫn còn được độc giả Việt Nam đón nhận cho tới ngày nay.
Nhưng để các bản dịch hoàn thiện hơn, phù hợp với nhu cầu bạn đọc của mấy thập kỷ sau, con gái của hai dịch giả là bà Huỳnh Phan Thanh Yên cho đến nay vẫn âm thầm chỉnh sửa các bản dịch này.
Cũng theo nghề dạy văn, viết và dịch sách, bà Thanh Yên thường kiểm tra lại các bản dịch của hai dịch giả quá cố vì sợ các bản sách in sau này thiếu sót hoặc bị lỗi, chưa kể có những lần thay đổi như tên phiên âm tiếng Việt của các nhân vật thành tiếng Anh, rồi về nguyên gốc tiếng Pháp cho phù hợp với độc giả trẻ.
Bà Thanh Yên cũng nói thêm sau khi dịch giả Huỳnh Lý, Mai Hương mất nhiều năm, những bản dịch của họ mới được biết đến nhiều và in nhiều lần, với các phiên bản khác nhau. Những tác phẩm kinh điển như Những người khốn khổ, Không gia đình, Trong gia đình… đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc.
Một số cuốn sách khác, như cuốn Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran, Tu viện thành Pácmơ ít được biết đến hơn. “Khi Omega+ ngỏ ý muốn in cuốn Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran, tôi rất mừng vì bấy lâu nay những cuốn độc và lạ như thế này ít được biết đến. Vì vậy tôi cũng không tiếc công phối hợp để biên tập thật kỹ cuốn này”, bà chia sẻ.
Bản gốc được mẹ bà dịch từ tiếng Pháp, đến lượt mình, bà Thanh Yên đã tham khảo đối chiếu với bản tiếng Anh và nhiều tài liệu liên quan khác. Có những lúc cần dùng đến tiếng Anh và công nghệ nhiều, bà lại nhờ chồng, con phụ giúp. Cứ như vậy, những bản dịch của gia đình dù đã được hoàn thành từ thế kỷ trước, vẫn đang được hoàn thiện thêm bởi công sức của những thế hệ con cháu của dịch giả.
Văn chương, dịch thuật kết nối một gia đình năm đời nhà giáo, bốn đời dịch giả
Bà Thanh Yên tâm sự nhà bà đã năm đời làm nhà giáo, bốn đời dịch sách. “Ông cố là hương sư. Ông ngoại Phan Võ làm đến chức quan Thượng thư và từng là Đốc học tỉnh Phú Yên”. Cậu ruột là nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Ngọc. Ba là Giáo sư Huỳnh Lý, mẹ Phan Thanh Cam là giáo viên văn và cũng là dịch giả Mai Hương, chuyên dịch các tác phẩm văn học kinh điển Pháp…”
Mặc dù đã gần 75 tuổi, bà có thể kể vanh vách từng tác phẩm, dịch phẩm do các thế hệ trong gia đình để lại. Kể từ thời ông ngoại là Phan Võ khi còn sống là người đã dịch các tác phẩm thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và là người đầu tiên dịch Thượng Kinh Ký Sự của Lê Hữu Trác, Sử Ký Tư Mã Thiên, Nho Lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử… cho đến những ấn phẩm của bà và các con sau này.
Những cuốn sách đã được in, bà vẫn giữ cẩn thận như một kỷ niệm của gia đình. “In ra cuốn nào, hoặc nhà xuất bản tặng hoặc là mình tự mua về để xem lại và làm kỷ niệm”, bà nói.
Một vài cuốn sách in đã lâu đã được bà gìn giữ cẩn thận, đặt trong túi riêng, lót giấy bốn góc, phía dưới lót bọc nylon “phòng chống ẩm mốc, mối mọt”, phía trên được che lại bằng một lớp giấy họa báo dày để khỏi bám bụi. Bên trong một hộp lớn, trên nền giấy đã ngả màu vàng đậm cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, bản in năm 1976, bà viết dòng ghi chú “Kỷ niệm của ba dịch” và tên Huỳnh Lý ở trang bìa trong của cuốn sách.
Ban Tu thư Bộ Giáo dục – Nhóm soạn sách Giáo khoa môn Văn, 1957 – Hà Nội (từ trái sang, hàng ngồi : Lê Thước, GS.NGND Đỗ Đức Hiểu, hàng đứng: GS.NGND Lê Trí Viễn, GS.NGND Huỳnh Lý, GS.NGND Trương Chính, GS.NGND Vũ Đình Liên). Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Bà cho biết cha bà – GS Huỳnh Lý là người rất yêu thương, quan tâm đến gia đình. Ông luôn động viên con cháu trong nhà, ai thích văn chương, làm thơ thì cứ ngâm, cứ viết. Ngay cả cháu nội Huỳnh Phạm Ngọc Lâm từ lúc 8 tuổi đã có bài thơ tặng ông bà.
Con trai GS Huỳnh Lý – kỹ sư nông nghiệp Huỳnh Phan Lê – khi đi vào chiến trường Quảng Nam vừa công tác vừa làm thơ, viết văn. Trước khi hy sinh, anh Lê đã để lại tập Nhật ký Huỳnh Phan Lê (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2000).
Khi về hưu, GS Huỳnh Lý cũng là người khuyến khích con gái viết cuốn sách đầu tiên. “Ba tôi đã đọc và sửa từng chữ, từng dòng bản thảo của tôi. Khi cuốn Sức mạnh tình yêu (Nhà xuất bản Văn học) của tôi được in thì mắt cụ đã mờ. Không nhìn được chữ, cụ sờ bìa sách run run lần giở từng trang sách và nói trong nỗi xúc động: “Sách của con đây à?” (Ba vẫn còn sống mãi, Tuyển tập Huỳnh Lý).
Sau này, bà Thanh Yên còn cho ra mắt nhiều tác phẩm nữa. Bà cho rằng thành công đó có một phần nhờ sự đam mê và chút ít “máu văn chương” được kế thừa từ cha mẹ.
“Tất cả hợp tuyển văn học xưa, ba tôi tập hợp từ thời Trần, thời Lê, thời Lý… ba tôi rung đùi ngồi trên võng đọc, rồi để tôi dò lại bản thảo”, bà bật cười khi nhớ về những kỷ niệm. “Thế cho nên Truyện Kiều mình thuộc cả quyển, Chinh phụ ngâm khó thế (mà mình) cũng thuộc 2/3 quyển từ thời còn học cấp 2″.
Những cuốn sách của gia đình không chỉ là sản phẩm để đưa văn học phương Tây đến với độc giả Việt, mà còn là sợi chỉ kết nối các thành viên, các thế hệ trong gia đình lại với nhau. Quả thật, dường như trong các tác phẩm của dịch giả Mai Hương, độc giả đều thấy có tên Huỳnh Lý bên cạnh với vai trò là người hiệu đính.
Chỉ bấy nhiêu đó cũng có thể gợi lên hình ảnh một gia đình của những trí thức không chỉ bên nhau trong cuộc sống hàng ngày, mà còn chia sẻ, nâng đỡ nhau trong công việc dạy học và dịch thuật. Dịch giả Mai Hương từng nói trong bài Còn lại mãi là tình (tác giả Diễm Chi): “Chia sẻ cuộc sống với nhau, chúng tôi đã làm cho cuộc đời phong phú hơn, ý vị hơn”.
You must be logged in to post a comment Login