Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo là sách viết về cuộc đời hoạt động và cống hiến của vị lão thành cách mạng Trần Quốc Hương. Ông là người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, NXB Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tái bản sách nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2020), Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Còn công việc với nhà tình báo Pham Xuân Ẩn thì điều chủ yếu thành công là ở một cách nhìn, đánh giá tình hình.
“Lúc tôi vào Nam, anh Ẩn đang làm thư ký nhà đoan, đưa tin tức tình báo về việc quân Pháp vận chuyển vũ khí. Anh báo ra những tin tức tàu đến tàu đi, chở hàng hóa, vũ khí ra các miền”.
Anh Ẩn rất giỏi tiếng Anh, sau đó làm ở cơ quan MACV (Cơ quan viện trợ Mỹ). Lúc Hiệp định Genève, Mỹ đang thay chân Pháp. Ngay lúc đó, nhà chỉ huy Mười Hương nhạy bén nhận thấy: Nếu anh Ẩn cứ đi theo con đường này, giỏi lắm leo lên đến đại tá, không phải chỗ ngon ăn. Tụi này là cơ quan chính trị, nó mà thanh trừng lẫn nhau, dễ chết lây sang Ẩn.
Bìa sách Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo. |
Đưa Phạm Xuân Ẩn đi làm báo
Đối tượng của cách mạng Việt Nam sẽ là Mỹ. “Khi anh Ẩn đưa tôi tới nhà đám sĩ quan Mỹ mà Ẩn quen, tôi thấy đám Mỹ này thích Ẩn lắm. Tôi bèn bàn với Ẩn: Phải chuyển thôi. Phải làm nghề tự do.
Tôi nhớ ngày xưa Cụ Hồ đi hoạt động cũng làm tân văn ký giả. Bác xưa vẫn khuyên đám cán bộ chúng tôi hoạt động thời Pháp phải chú ý tới “báo chí để tứ quyền. Đụng tới, họ la to lắm”.
Tôi nghĩ Ẩn phải đi học báo chí tại Mỹ, về viết báo Mỹ hẳn hoi chứ không phải chỉ về làm báo lá cải kiểu Tiếng Chuông cũng không ra gì. Anh phải hiểu rõ văn hóa Mỹ, học được những cái hay của văn hóa Mỹ, thấy rõ tính cách con người Mỹ để có thể nghĩ và viết như người Mỹ.
Cho nên suốt cuộc đời hoạt động của Ẩn sau này, cách ứng xử của anh ấy tôi ưng lắm. Kết hợp văn minh hiểu biết với nhân văn, văn hóa Việt Nam mới ra được con người như Ẩn”.
“Khi các cán bộ lãnh đạo vào Nam năm 1948, có đồng chí Vũ là trung tá và anh Tư Tùng thiếu tá. Họ vào cùng anh Lê Đức Thọ. Sau này, khi đã tiếp xúc với Ẩn, tôi bàn với anh Tư Tùng. Anh rất có công trong việc xây dựng lưới. Anh ấy còn được bà cụ mẹ của Ẩn nhận làm con nuôi”.
Họ bàn bạc, trao đổi, xin ý kiến lãnh đạo của Trung ương và thế là phương án đi học của tình báo Phạm Xuân Ẩn được hình thành. “Anh Tư Tùng lúc đó làm chủ sở cao su nhỏ, rất tháo vát. Anh đóng góp thêm tiền giúp vào cho Ẩn có thể đi du học”.
Nhớ lại chuyện này, ông Mười Hương nhắc đến bà cụ thân sinh ra Phạm Xuân Ẩn với bao nhiêu lời quý trọng. “Công bà già lớn lắm. Ẩn hoàn thành nhiệm vụ cũng do công bà mẹ đóng góp nhiều. Bà không nói năng, lẳng lặng nuôi con, chăm lo cho con với tình người mẹ thương con và yêu nước”.
Chính khi ông Phạm Xuân Ẩn đang học ở Mỹ thì hầu như toàn bộ tổ chức trong nước bị chế độ Diệm đánh, phá vỡ hàng loạt. Ông Mười Hương bị bắt và số phận chàng sinh viên Ẩn kể như cá nằm trên thớt.
Ông Tư Tùng, tức Dương Minh Sơn và cậu em trai của Ẩn cũng bị bắt. Nhưng ông Mười Hương đã chịu đựng sự khốc liệt này, giữ nguyên được tổ chức.
Sau này, ông Ẩn kể lại: “Ông Mười thường quan tâm dặn tôi hai việc: Thứ nhất, nhấn mạnh lập trường tư tưởng, chính trị, hiểu biết văn hóa; thứ hai là nghiệp vụ vững. Ông bảo phải đi học, tìm hiểu văn hóa Mỹ. Phải học văn hóa”.
Sau khi thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời năm 2006, ông Mười Hương được đoàn làm phim tài liệu phỏng vấn về những suy nghĩ của ông với nhà tình báo “điệp viên hoàn hảo”.
Nhớ lại ngày Phạm Xuân Ẩn chuẩn bị được đưa đi học báo chí ở Mỹ, ông Mười Hương bảo: “Ẩn lúc đó chưa có bằng tú tài. Tôi gợi ý Ẩn xem bên đó có loại trường nào nó không đòi bằng tú tài. Và nhắc Ẩn chỉ có học làm báo thôi!
Tôi phân tích: Ở trong nước, Ẩn cũng đang hoạt động mở quan hệ có nhiều triển vọng. Nhưng lúc bàn bạc với nhau như anh em trong nhà, tôi bảo Ẩn: Mày đã thân được đến như Phạm Xuân Giao ở Phòng 6, thân với Nguyễn Văn Hinh thì giả dụ có thương quý lắm cũng đưa mày giỏi lắm lên đến chuẩn tướng, cũng là đi hầu nó thôi em ạ. Phải làm gì đó mà vừa quen thân vừa nghe ngóng từ giới cu li bên ngoài cho đến bên trên là thủ tướng, thì chỉ có làm anh nhà báo thôi. Mà Ẩn lúc đó có cả tiếng Anh tiếng Pháp”.
Hai anh em trò chuyện, phân tích với nhau. Ông Mười Hương bảo Ẩn (vì là anh lớn tuổi hơn nên ông hay xưng hô thân mật như gọi đứa em):
– Mày thấy cụ Hồ ra nước ngoài sống bằng nghề ký giả tân văn mà làm cách mạng.
Trước đó, Edward Lansdale muốn cử Phạm Xuân Ẩn đi học tình báo và tâm lý chiến. Khi việc này được báo cáo với ông Mười Hương, lúc đó đang là chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn, đã bị ông Mười Hương khuyên không nên vì quá nguy hiểm. Ông Mười Hương rất tâm đắc việc Ẩn nên đi học báo chí.
Nhưng lúc đó ba của ông Ẩn ốm nặng. Sau này chúng ta biết việc của ông Ẩn đi học ở Mỹ đã phải lùi ngày lên máy bay, vì vào đúng ngày đó, ba Ẩn qua đời – 24/9/1957.
Trước đó, Phạm Xuân Ẩn cứ nghĩ rằng việc anh đi học ở Mỹ sẽ không thành. Giấy tờ của chính quyền quan liêu là một chuyện, còn chuyện cha đang ốm nặng.
Ông Mười Hương phải tìm cách động viên và giúp đỡ chăm sóc gia đình thay Ẩn là người con trưởng đang chịu tang cha. Ông Mười Hương đã đến nói chuyện với mẹ của Ẩn. Bà cụ hoàn toàn ủng hộ con mình.
Ông Mười dặn dò: Mày sang đó tìm hiểu cái xứ văn minh ấy, chứ không chỉ “chửi nó bóc lột” như lý thuyết được học. Văn hóa Mỹ nhiều cái hay lắm, chính cụ Hồ tìm hiểu và dùng cái văn hóa đó để phục vụ việc làm cách mạng.
Văn hóa tư bản tôn trọng cá nhân, mày học kỹ, đó cũng là thứ nó sẽ bảo vệ mày. Như vậy là chính Mỹ dạy mày làm tình báo cho cách mạng đó (hai anh em cùng cười).
Ông Mười nghĩ: Công tác tình báo giống như vở kịch. Người lãnh đạo nghĩ ra mục tiêu còn thành công là do người tình báo sáng tạo và can đảm.
“Khi người ta giao Phạm Ngọc Thảo cho tôi có khuyên rằng nên khai thác, dựa vào việc Thảo thân Pháp, dân Công giáo. Tôi bảo: Không nên coi Thảo như người theo kháng chiến rồi về đầu hàng.
Bởi Ngô Đình Diệm cần người yêu nước, quốc gia không Cộng sản, chứ không cần người kém cỏi đầu hàng. Phải nhận thức được Ngô Đình Diệm có tinh thần “quốc gia dân tộc” mới được.
Chính tôi đã gửi nhận định này ra cho Trung ương, không nên coi Ngô Đình Diệm như mấy ông bơ sữa bợ Tây như Tâm, Hữu. Hai bức điện của tôi gửi ra được vận dụng mục tiêu đúng cho tình báo hoạt động”.
Ông đeo đuổi việc quyết tâm đưa Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ học về báo chí. “Nó đi bằng hai chân của nó”. Ông đã tranh luận như vậy với một số lãnh đạo lúc đó theo lối cổ điển thường nắm con người bằng cách ràng buộc người cán bộ, kiếm cho họ một người vợ theo ý của tổ chức.
Ông không chịu lối nắm con người bằng thủ đoạn, tiền bạc. Phải tôn trọng sự độc lập suy nghĩ của người cán bộ. Chưa một ai dưới quyền lại bị ông sử dụng theo lối thủ đoạn, tiền bạc.
Sau này, khi gặp nhau, ôn lại cái giai đoạn Phạm Xuân Ẩn ở Mỹ nghe tình hình trong nước bị khủng bố bắt bớ, cả em trai của Ẩn và Mười Hương cũng đã bị bắt. Lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm đang truy lùng gắt gao để diệt Cộng sản. Cái tin em trai và ông Mười bị bắt đã khiến Phạm Xuân Ẩn lo sẽ bị lộ. Anh sợ mọi người không chịu được đòn tra khảo tàn bạo, sẽ khai ra anh. Nhất là ông Mười Hương, người chỉ huy trực tiếp của anh.
Ẩn đã phải đề phòng bằng cách học thêm tiếng Tây Ban Nha. Anh nghĩ khi cần thiết, có thể sẽ chạy trốn sang Cuba hoặc Nam Mỹ. Anh hoàn toàn độc lập ở xứ người, không còn liên lạc, xin ý kiến của ai. Tin tức chỉ nhận được qua lá thư của người em trai viết bóng gió để anh suy luận mà hiểu tình hình.
Sau hai năm học tập, vào năm 1959 khi trở về nước, Phạm Xuân Ẩn vẫn còn phải đề phòng. Anh sợ vừa xuống sân bay đã bị bắt cóc đưa đi thủ tiêu mà không ai biết. Lúc này anh cũng không biết tin tức gì của ông Mười Hương đang bị giam ở Huế.
Anh phải dặn cả gia đình ra đón mình ở sân bay, cho dù có thể mẹ anh sẽ phải chứng kiến cảnh đau lòng con trai bị bắt. Nhưng như vậy còn hơn là bặt vô âm tín. Đến khi về nhà rồi, anh cũng không dám đi đâu một mình ra đường.
“Nghe tin anh bị bắt, em vẫn có một linh tính là mình được an toàn. Dù sao thì cũng phải đề phòng. Trong tay em đã có vé máy bay đi Cuba và Pháp. Bởi em tin, hai nơi đó mới có đường liên lạc với tổ chức. Em cũng nhắn gia đình ra đón nên mời cả bạn bè Mỹ, cánh nhà báo, nếu có gì họ sẽ đưa tin”.
Phạm Xuân Ẩn có lúc đã tâm sự: “Anh làm lãnh đạo chỉ huy, chứ người khác, chắc em không dám trở về”.
Với gia đình Phạm Xuân Ẩn, cái tên Mười Hương được tin yêu. “Em thấy cũng lạ. Mẹ em lúc sắp mất, quên cả tên em Định. Vậy mà bà nhớ tên em và anh. Có lần, khi đất nước giải phóng, bà hỏi: “Anh Hai có ở trong hay không? Em bảo anh dù ở đâu cũng biết chuyện thôi mẹ ạ”.
Còn ông Mười thì bảo: Tôi chỉ thuyết phục bà mẹ bằng sự ăn ở của tôi thôi.
Ông Phạm Xuân Ẩn. |
“Tôi chỉ là anh đạo diễn thôi, tài cán là do điệp viên làm”
Như một người con trong gia đình, ông Mười Hương có quan hệ quen biết cả lứa bạn cùng học với cha của Phạm Xuân Ẩn ở trường lục bộ xưa ngoài Hà Nội.
“Ông già Ẩn là một kỹ sư đạc điền. Ông có người bạn tên Quyến là một người được trọng như sếp, trưởng tràng. Chính ông Quyến là người sắp xếp đám tang cho cha của Phạm Xuân Ẩn. Còn ông Quyến cũng học giỏi lắm. Gốc Nho học, đi Tây học tiếp nên học rất giỏi. Xưa có những gia đình trí thức lớn lắm, thân nhau lắm”.
Năm 2006, sau khi thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn qua đời, hãng phim TFS của HTV (Đài truyền hình TP.HCM) có thực hiện bộ phim tài liệu 12 tập về ông. Nữ đạo diễn Lê Phong Lan có tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn ông Mười Hương về Phạm Xuân Ẩn.
Câu hỏi thứ nhất: Ông nhận định con người Phạm Xuân Ẩn thế nào để giao nhiệm vụ sang Mỹ học?
Ông Mười Hương: Khi tôi vào miền Nam, ông Phạm Ngọc Thạch giới thiệu, có một thanh niên trưởng thành từ phong trào trò Ơn thời chống Pháp. Cậu ấy đã được giao theo dõi biến động quân đội ở Đông Dương khi cậu làm thư ký nhà đoan ở cảng”.
[…]
“Tôi liên hệ ý nghĩ: Bác Hồ là nhà tình báo giỏi, đơn thương độc mã tìm đường cứu nước, cũng là một nhà báo giỏi. Phải đưa Ẩn đi làm báo, vì như tôi đã nói với Ẩn:
Đi theo Phạm Xuân Giai ở phòng 6 cũng giỏi lắm lên được chuẩn tướng làm tay sai. Không thể đi nghe ngóng biết được các vấn đề chiến lược. Mày phải đi học. Không đi Pháp, mà đi Mỹ đi. Về hỏi đám bạn Mỹ để tìm hiểu chuyện học. Mỹ là khó khăn nhất.
Ẩn có tham khảo đại úy Mỹ Philip lúc đó nhà ở đường Trần Quốc Toản. Ẩn có dẫn tôi lại nhà Philip chơi một lần. Tôi thấy Philip khen phục văn hóa Việt Nam, người già được con cái thương kính chăm sóc. Con cái rất thương yêu cha mẹ ông bà, nuôi cha nuôi mẹ. Nếu có khổ thì chỉ vì “nghèo nên khổ thôi, còn tình cảm đỡ cô độc hơn so với phương Tây.
Philip khuyên vợ phải cố gắng học văn hóa Việt Nam. Tôi bảo Ấn hỏi xem mọi thủ tục. Lúc đó có người cháu của má Ẩn vào làm cơ sở kinh tế cho cách mạng, trong đồn điền cao su Lộc Ninh. Từ đó mới góp thêm kinh phí giúp Ẩn đi học được.
Má của Ẩn lo vụ này rất tích cực. Cũng chỉ phải lo tiền máy bay, vì sang đó có học bổng rồi.
Để trả lời cho câu hỏi thứ hai của đạo diễn Phong Lan: “Thời kỳ chú bị bắt, chú có sợ bị bọn địch tìm cách bắt chú khai ra Phạm Xuân Ẩn?”.
Ông Mười Hương trả lời: “Điều đó tôi đã hiểu rõ từ lâu. Tôi thường nói với Ẩn: Có ba thử thách lớn với người cách mạng: Ở tù, tiền bạc, tình. Thời kỳ ở tù, tôi hay mắc cỡ nếu nghĩ mình khai ra một người nào. Tôi bị bắt không dính đến Ẩn. Cậu Định, em Ẩn bị bắt trước cả tôi. Hai vụ không dính nhau.
Tôi rất tin tưởng Ẩn. Cái này tự nhiên, bằng linh cảm, khó giải thích. Ẩn bộc lộ con người đáng tin cậy, luôn trung thực, luôn giúp đỡ. Khi tôi ở tù, mọi người biết được tình hình của tôi là do Ẩn có người chú làm ở Nha Cảnh sát Trung phần. Ông hay qua chỗ tôi bị giam và biết được, đám lính gác nể tôi lắm. Chắc ông chú này nắm được tình hình, báo ra cho gia đình Ẩn.
Câu hỏi thứ ba: “Chú và chú Ẩn sống sót qua cuộc chiến khốc liệt đầy nguy hiểm, tình anh em đồng chí có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?”.
Ông Mười Hương ngẫm nghĩ, chậm rãi không trả lời ngay. Đó là phản xạ suy nghĩ chậm của người già hay vì còn lý do nào khác? Ông ngậm ngùi: “Nhiều lúc thấy thương Ẩn quá. Không ai hiểu Mỹ bằng Ẩn. Công trạng được tuyên dương nhưng không phải đã được hiểu hết.
Sau giải phóng tôi có hỏi đại tướng Văn Tiến Dũng, sao không để Ẩn phát huy tiếp. Tướng Dũng bảo: Một cán bộ làm địch hậu hơn 20 năm rồi, chịu bao khó khăn hy sinh. Nay lại bắt hy sinh tiếp, đứng về chính sách thế là không ổn.
Tôi gặp Ẩn, có ý tiếc việc Ẩn không tiếp tục, thì Ấn bảo, công việc anh ấy vẫn say mê nhưng cấp trên đã có quyết định thế rồi, em kêu vợ con trở về.
Tôi luôn tự hào về Ẩn, và cũng tự hào về việc mình đã nhận định, đánh giá, dùng Ẩn đúng vị trí. Dù rằng tôi chỉ là anh đạo diễn thôi, tài cán là do điệp viên làm. Tôi “dựng kịch” đường lối hoạt động cho Ẩn đúng như với Nhạ, Thảo, Thúy. Họ giỏi nên đã làm cho kịch bản thành công”.
“Vì sao Ẩn thương và tin tôi ư? Làm việc với nhau, thấy được con người thì thương thôi. Những điều tôi bàn bạc, phân tích cùng Ẩn, ra đời Ẩn thấy đúng nên thương thôi. Còn tôi đánh giá Ẩn ư? Một con người sáng suốt và trung thực.
Tôi đánh giá Ẩn là một tình báo hơn cả nhà tình báo vĩ đại của Nga: Richard Sorge. Ông ta có công phát hiện đúng tình hình kẻ thù tấn công Tổ quốc như thế nào, không tập trung quân ở biên giới phía Đông, để Stalin tập trung giải quyết mặt trận với Đức, rồi mới quay lại Á Đông. Nhưng Ẩn còn vĩ đại hơn, vì hoàn thành nhiệm vụ mà giữ được an toàn, bí mật từ đầu tới cuối.
Tình cảm tôi tin cậy Ẩn còn coi như… duyên số. Cũng giống như ngày đầu cách mạng, tại sao lãnh đạo lại tin tôi, một cán bộ trẻ, giao cho những việc quan trọng nhất.
Giao cả tính mạng của lãnh đạo, để tôi đưa anh Trường Chinh đi gặp tụi nhà binh Pháp ngay trước Sở Mật thám. Có lần tôi hỏi anh Trường Chinh. Anh bảo: Tin là tin. Có cả yếu tố linh cảm, trực cảm”.